Đối với trẻ em, nhiễm một nồng độ chì thấp cũng có thể để lại di chứng trong suốt phần đời còn lại |
Trẻ em có thể tử vong nếu nhiễm chì ở mức độ nặng
Những ngày qua, dư luận xôn xao bởi thông tin 5 lô trà chanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ của URC bị thu hồi vì chứa hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép, trong đó có những lô hàng lượng chì vượt từ 4-9 lần.
Thông tin này đã khiến nhiều người yêu tích 2 loại sản phẩm này lo lắng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết việc hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ như thế nào?
Chì là một kim loại nặng có trữ lượng lớn trong vỏ Trái Đất. Tuy nhiên, chì hoàn toàn không có một vai trò sinh lý nào trong cơ thể con người. Đó là lí do tại sao những tác hại do sự phơi nhiễm chì gây ra là vô số.
Nhiễm độc chì được ghi nhận từ thời La Mã, Hy Lạp và Trung Quốc cổ đại. Cho đến nay, kim loại độc hại này đã được hạn chế sử dụng. Dù vậy, hàng năm vẫn có khoảng 143.000 trường hợp tử vong do phơi nhiễm với chì, tập trung chủ yếu ở các nước đang phát triển.
Khi uống trực tiếp nước nhiễm chì vào cơ thể, chúng sẽ hấp thụ qua đường tiêu hóa. Đối với người lớn, lượng chì hấp thụ vào cơ thể chỉ khoảng 3-10%, nhưng với trẻ em sẽ hấp thụ khoảng 40-50% lượng chì hòa tan trong nước vào cơ thể. Đây chính là lý do tại sao trẻ em là đối tượng gặp nguy hiểm chính nếu tiếp xúc với chì.
Ở trẻ em, ngay cả mức thấp tiếp xúc với chì có thể gây ra các thiệt hại cho hệ thống thần kinh trung ương, ngoại vi, khuyết tật, chậm lớn, suy giảm thính giác và chức năng tế bào huyết học.
Trẻ lớn lên có thể gặp các vấn đề về IQ thấp, hiếu động… Trong trường hợp hiếm hoi, ngộ độc chì có thể gây co giật, hôn mê và dẫn đến tử vong.
Đối với phụ nữ mang thai, chì tích tụ trong cơ thể cạnh tranh với canxi trong xương. Nó có thể vượt qua hàng rào nhau thai, phơi nhiễm vào đứa bé. Hậu quả xảy ra là thai nhi giảm tăng trưởng và bà mẹ có nguy cơ sinh non.
Ở người trưởng thành, tiếp xúc với chì cũng được ghi nhận tác dụng lên hệ tim mạch như tăng huyết áp. Nó cũng gây suy giảm chức năng thận và ảnh hưởng xấu đến sinh sản. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, điều trị nhiễm chì có thể không để lại di chứng ở người trưởng thành.
5 lô trà C2 và nước Rồng đỏ bị thu hồi vì hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép từ 4-9 lần |
Hàm lượng chì bao nhiêu dẫn đến ngộ độc?
Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ, mức độ chì trong nước uống phải được giới hạn ở dưới 0.015 mg/L. Nhiều chuyên gia còn chỉ ra con số gây nguy hiểm thậm chí còn phải thấp hơn thế, dưới mức 0.01 mg/L.
Tình trạng nhiễm độc trên người được chẩn đoán bằng xét nghiệm lượng chì trong máu. Một người được tính là ngộ độc và phải điều trị khi có mức độ chì trong máu cao hơn 0.6 mg/L.
Đối với trẻ em, mức độ chì trong máu phải dưới 0.05 mg/L. Mức độ chì từ 0.1 đến 0.25 mg/L đã có thể liên quan đến suy giảm chức năng thần kinh. Mức độ trên 0.25 mg/L sẽ gây ra đau đầu, khó chịu và các vấn đề thần kinh nghiêm trọng hơn.
Hàm lượng chì ở mức 0.5-0.7 mg/L được tính là nhiễm độc vừa phải. Trên 0.7 mg/L được tính là nhiễm độc nặng và có thể gây co giật, tử vong.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng nồng độ chì trong máu tăng khoảng 0.1 mg/L, với nồng độ 0.05 mg chì trong 1 lít nước tiêu thụ.
Như vậy, chỉ cần uống nước có nồng độ chì 0.05 mg/L, trẻ đã có thể phơi nhiễm chì với mức độ trong máu gấp hai lần bình thường. Với mức độ chì này đủ gây ra sự suy giảm chức năng thần kinh của trẻ.
Cụ thể 5 lô hàng trà chanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ bị thu hồi: - Sản phẩm trà xanh hương chanh C2, ngày sản xuất (NSX) 04/02/2016; hạn sử dụng (HSD) 04/02/2017 có kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì là: 0,085 mg/L. - Sản phẩm nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ, NSX 19/02/2016; HSD 19/11/2016, kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì là: 0,053 mg/L; - Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ: NSX 10/11/2015, HSD 10/08/2016, kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì là 0,068 mg/L. - Sản phẩm Trà xanh hương chanh C2: Ngày sản xuất: 11/01/2016; Hạn sử dụng: 11/01/2017 hàm lượng chì theo công bố là nhỏ hơn hoặc bằng 0,05mg/L nhưng kết quả kiểm nghiệm tại phiếu kiểm nghiệm số 1600/PKN-VKNQG ngày 16/02/2016 do Viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia thực hiện là 0,46mg/L (cao hơn 9 lần so với mức công bố). - Sản phẩm Nước tăng lực hương dâu hiệu rồng đỏ: Ngày sản xuất: 14/01/2016; Hạn sử dụng: 14/10/2016 hàm lượng chì theo công bố là nhỏ hơn hoặc bằng 0,05mg/L, nhưng kết quả kiểm nghiệm tại phiếu kiểm nghiệm số 1599/PKN-VKNQG ngày 16/02/2016 do Viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia thực hiện là 0,21mg/L (cao hơn 4 lần so với mức đã công bố). |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận