Vụ cháy nhà trọ địa chỉ số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Hà Nội vào 1h đêm (24/5) khiến 14 người tử vong, 3 người bị thương.
Theo lãnh đạo Công an quận Cầu Giấy, vụ cháy xảy ra tại ngôi nhà trọ 5 tầng, trong đó tầng một được sử dụng kinh doanh xe đạp điện và sửa chữa xe điện; các tầng trên cho thuê để ở. Nguyên nhân ban đầu được xác định có thể là do chập, cháy xe đạp điện.
Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đang chỉ đạo các đơn vị liên quan, Công an quận Cầu Giấy phối hợp các cục nghiệp vụ Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ cháy để giải quyết, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, để cửa hàng kinh doanh xe điện ngay dưới chân tòa nhà, chung cư mini, nơi tập trung nhiều gia đình sinh sống, điều kiện sống chật hẹp cũng là nguyên nhân khiến nhiều người lo lắng tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các cháy nổ bất cứ lúc nào.
Trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ bắt nguồn từ các cửa hàng kinh doanh xe điện xảy ra từ đầu năm đến nay. Vào đầu năm 2024, vụ cháy xảy ra tại cửa hàng sửa chữa xe đạp điện ở phố Trần Cung (Hà Nội). Diện tích đám cháy khoảng 50m2, gồm tầng 1 và tầng 2 của cửa hàng sửa xe và kinh doanh xe đạp điện cũ. Cảnh sát PCCC nhanh chóng có mặt tại hiện trường và khống chế ngọn lửa, vụ cháy không gây thiệt hại về người.
Hay rạng sáng ngày 19/7, một cửa hàng kinh doanh xe đạp, xe máy điện ở xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) bất ngờ bốc cháy khiến 3 người trong một gia đình tử vong. Diện tích xây dựng ngôi nhà khoảng 120m2 (chiều rộng khoảng 6m, chiều dài khoảng 20m), chiều cao nhà khoảng 5m, lợp mái tôn, 3 mặt tiếp giáp nhà dân. Tầng 1 là nơi buôn bán kinh doanh xe điện, tầng lửng khoảng 30m2 bố trí để ở và sinh hoạt gia đình.
Để cung cấp cho bạn đọc thông tin an toàn trong việc sử dụng thiết bị sạc xe điện, Báo Giao thông đưa ra một số gợi ý về nguyên tắc để ngăn ngừa nguy cơ cháy, nổ trong quá trình sử dụng xe điện.
Sạc điện lúc ắc quy, pin gần hết
Để ngăn ngừa nguy cơ cháy, nổ trong quá trình sử dụng xe điện, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khuyến cáo thực hiện sạc điện theo đúng hướng dẫn và khuyến cáo của nhà sản xuất để đảm bảo độ bền và an toàn khi sử dụng.
Cụ thể, không sạc điện cho phương tiện khi phát hiện thiết bị sạc hoặc phương tiện gặp lỗi, khi ắc quy, pin có dấu hiệu phù, nứt… cần thay thế ắc quy, pin mới.
Sạc điện lúc ắc quy, pin gần hết, dùng nguồn điện phù hợp (theo mức điện áp nhà sản xuất khuyến cáo) và ổn định.
Đồng thời lưu ý sạc điện lúc ắc quy, pin gần hết, dùng nguồn điện phù hợp (theo mức điện áp nhà sản xuất khuyến cáo) và ổn định. Sau khi sử dụng phải chờ bình điện nguội khoảng 20 phút rồi mới bắt đầu sạc, không sạc ngay sau khi chạy xe, không sạc quá 8 giờ liên tục. Khi sạc điện, cần ngắt khóa điện nguồn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quá trình sạc điện.
Nếu lâu không dùng xe, nên sạc ắc quy, pin đầy rồi tháo rời khỏi xe, không để ắc quy, pin ở khu vực nóng, ẩm, bảo quản bình điện ở nơi cao ráo, thoáng mát.
Việc sạc điện thực hiện ở nơi khô ráo thoáng mát, khi sạc trong phòng cần tránh nơi kín đảm bảo điều kiện thông thoáng gió tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 0-35 độ C, nếu không phải có các biện pháp bảo ôn hoặc giảm nhiệt.
Khi sạc điện không để xe, ắc quy, pin, bộ sạc bên trên hoặc gần các vật dụng, hàng hóa dễ cháy, nổ gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa sinh nhiệt.
Trong quá trình sạc điện phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý ngay khi có sự cố, ngừng sạc điện trước khi ra khỏi nhà hoặc đi ngủ, tuyệt đối không sạc qua đêm và không có người lớn ở nhà.
Người dân cần bố trí sạc cho xe điện ở nơi khô ráo, thoáng mát bên ngoài khu vực để ở như sân, vườn… đảm bảo điều kiện thông thoáng trong suốt quá trình sạc điện (nếu không phải có các biện pháp bảo ôn hoặc giảm nhiệt). Tuyệt đối không để xe, ắc quy, pin, bộ sạc bên trên hoặc gần các vật dụng, hàng hóa dễ cháy, nổ gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa sinh nhiệt.
Ngoài ra, lựa chọn, sử dụng xe điện bảo đảm chất lượng, đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền kiểm định theo quy định, tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
Đặc biệt, không được tự ý điều chỉnh thông số kỹ thuật của phương tiện, thiết bị khác so với yêu cầu kỹ thuật của phương tiện.
Cơ quan chức năng cũng lưu ý, khi thay thế các thiết bị, linh kiện, ắc quy, pin, bộ sạc… cần lựa chọn đúng chủng loại ắc quy, pin phù hợp, đồng bộ với các thông số quy định của sạc điện, động cơ và bộ điều khiển, không sử dụng loại không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, không tự ý thay đổi kết cấu xe, không lắp thêm phụ kiện hay thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe (thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn điện có thể làm ắc quy, pin phát nổ). Thực hiện chế độ kiểm tra, bảo dưỡng theo quy định của nhà sản xuất.
Quá trình rửa xe, người dân không dùng tia nước áp lực cao hoặc phun trực tiếp vào các vị trí dưới yên xe. Sau khi rửa xe, cần lau khô khu vực pin, ắc-quy, phanh của xe rồi mới khởi động lại. Khi đi mưa về cần để xe ở vị trí khô ráo, thoáng gió để hong khô và kiểm tra xác định có nước vào trong vị trí pin, ắc-quy không.
Cơ sở kinh doanh xe điện phải làm gì?
Đối với cơ sở kinh doanh xe điện, mới đây, Công an TP Hà Nội đã yêu cầu thực hiện nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ kinh doanh; quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt; thực hiện đầy đủ nghiêm túc biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Không để hàng hóa tràn lan, lấn chiếm lối đi; sắp xếp hàng hóa trong khu vực kho ngăn nắp, đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC, chống cháy lan và điều kiện thoát nạn trong trường hợp xảy ra sự cố về cháy, nổ. Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát, không để các vật dụng che chắn lối thoát nạn trên hành lang, cầu thang của tòa nhà, không chèn, khóa cửa buồng thang, cửa ra thoát nạn.
Không sắp xếp xe gần các tủ điện, thiết bị điện. Không sắp xếp xe ở các vị trí che khuất các phương tiện, dụng cụ PCCC để tránh gây cản trở trong việc sử dụng, triển khai chữa cháy khi xảy ra sự cố cháy, nổ.
Không sử dụng vật liệu dễ cháy để làm vách ngăn, ốp trần, tường, trang trí nội thất… Phông màn, rèm cửa phải được xử lý bằng chất chống cháy.
Cơ sở kinh doanh xe điện cần xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ với nhiều tình huống giả định để chủ động xử lý khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra. Đồng thời, kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống PCCC, hệ thống điện và các hệ thống kỹ thuật liên quan khác được trang bị tại cơ sở theo quy định, kịp thời thay thế các thiết bị cũ, hỏng, đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận