Văn hóa - Giải Trí

Từ vụ đấu giá cổ vật triều Nguyễn: Làm gì để báu vật trở về cố hương?

29/10/2022, 11:29

Trong khi còn hàng vạn cổ vật của Việt Nam đang lưu lạc trên thế giới, sách lược tổng thể để hồi hương cổ vật có vai trò quan trọng.

Thông tin mới nhất về hai cổ vật đang được rao bán

Những ngày qua, dư luận trong nước xôn xao trước việc website chính thức của hãng đấu giá MILLON (thành lập năm 1928, trụ sở chính tại Paris, Pháp), đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật vào ngày 31/10 sắp tới.

img

Ấn vàng triều Minh Mạng và bát vàng triều Khải Định đang được rao bán đấu giá tại Pháp.

Trong đó, có 2 cổ vật của triều Nguyễn gồm một ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) và một bát vàng triều Khải Định (1917-1925), được rao bán với mức 2-3 triệu euro (khoảng 48-72 tỷ đồng).

Theo TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, kiêm Phó Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, căn cứ thông tin từ hãng đấu giá MILLON, chiếc ấn vàng (lô số 101/329) chính là chiếc kim ấn Hoàng đế chi bảo.

Đây là một trong số tài sản được vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại di chúc để lại cho vợ là bà Monique Baudot (người Pháp). Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được mang ra bán đấu giá.

img

Thực dân Pháp tổ chức nghi lễ để trao lại ấn kiếm cho Bảo Đại trên cương vị là “Quốc trưởng” vào tháng 3/1952.

Ngay khi nắm được thông tin về việc đấu giá hai cổ vật trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã có công văn đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp kịp thời làm việc trực tiếp với hãng đấu giá MILLON để xác minh rõ thông tin liên quan đến việc đấu giá hai cổ vật nêu trên như thông báo của Hãng (gồm các thông tin về chủ sở hữu, tính hợp pháp của 2 cổ vật, giá dự kiến bán, khả năng đàm phán mua trực tiếp không qua đấu giá…).

Bộ VH,TT&DL cũng đề nghị: “Nhanh chóng tìm hiểu và đề xuất phương án phù hợp nhất với pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế) để “hồi hương” 2 cổ vật căn cứ kết quả làm việc với hãng đấu giá.

tem-quote-9-right-text-img-left

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải

Tại phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 2022 và kế hoạch năm 2022, ngày 27/10 đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thừa Thiên - Huế) khẳng định: "Theo tôi được biết, bảo vật quốc gia của bất kỳ quốc gia nào đều bị cấm chuyển nhượng, kể cả bán đấu giá công khai. Ấn Hoàng đế chi bảo là bảo vật quốc gia, vì vậy, người giữ ấn và tổ chức đem ra đấu giá đều là bất hợp pháp".

Chính vì vậy, các bộ ngành cần tham mưu cho Chính phủ để dừng cuộc đấu giá, và dùng các biện pháp để đưa bảo vật quốc gia này trở về Việt Nam, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.

Ngày, 27/10, Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam (hoàng tộc nhà Nguyễn) có văn bản gửi ông Jean Gauchet, Giám định viên của hãng đấu giá MILLON, yêu cầu hủy bỏ cuộc đấu giá ấn Hoàng đế chi bảo và chiếc bát vàng vua Khải Định.

Văn bản nêu rõ: "Chúng tôi rất ngạc nhiên khi bảo vật quốc gia Việt Nam được rao bán như những thỏi vàng một cách rất thông thường... Chúng tôi đang nghiên cứu về quyền pháp lý và cách thức mà vị vua cuối cùng của Việt Nam, đức vua Bảo Đại "được cho là" đã chuyển nhượng quyền thừa kế, trong khi chiếc ấn Hoàng đế chi bảo và chiếc bát vàng là hai vật quốc bảo.

Với giá ước lượng mà ông đã đề ra, theo chúng tôi, bản thân đức vua Bảo Đại đủ trí tuệ để hiểu rằng ngài không được phép tiếm quyền chuyển nhượng, dù nhà tổ chức đấu giá MILLON có trình ra giấy thừa kế đến từ bất cứ công chứng viên nào".

Hiện, phía MILLON vẫn chưa có phản hồi liên quan đến những thông tin trên.

Tín hiệu tích cực với di sản, cổ vật

Theo TS Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đây không phải lần đầu tiên cổ vật thất lạc của Việt Nam được rao bán trên thế giới.

img

Mũ quan triều Nguyễn kèm hộp đựng từng được đấu giá tại Tây Ban Nha. Hiện, cổ vật này được một doanh nghiệp Việt Nam mua đấu giá 600.000 Euro (gần 16 tỷ đồng) và đã được trao tặng cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

img

Áo Nhật Bình cũng được doanh nghiệp Việt nói trên mua với giá 160.000 Euro (hơn 4 tỷ đồng) và trao tặng cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Đơn cử, mũ quan triều Nguyễn, áo Nhật Bình, xe kéo tay và long sàng của vua Thành Thái… cũng đã được đưa ra đấu giá ở Pháp, Tây Ban Nha. Tuy nhiên, hoạt động hồi hương cổ vật của Việt Nam bắt đầu lan tỏa đến các bảo tàng và nhà sưu tập tư nhân trong những năm gần đây.

"Khi Luật di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 tạo ra xu hướng phù hợp với đường lối của Đảng khi công nhận sưu tập, bảo tàng tư nhân, góp phần mạnh mẽ trong việc giữ gìn di sản văn hóa dân tộc. Chúng ta đã làm được, có những thuận lợi và bước đi ban đầu.

Việc Bộ VH,TT&DL có văn bản gửi tới Bộ Ngoại giao liên quan đến hai cổ vật đang được rao bán tại Pháp, cho thấy một động thái tốt đối với các cổ vật, di sản", TS Phạm Quốc Quân nhận định.

Theo nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, khi cổ vật được trở về đúng nơi nó sinh ra, được cha ông lưu truyền ra thì sẽ xứng tầm và phát huy, tỏa sáng rất nhiều. Điều này cũng chứng minh được bề dày lịch sử, văn hóa của đất nước ta.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã nói “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, do đó, ông Quân cho rằng, một trong những biểu hiện của văn hóa sâu sắc nhất là bảo vật, cổ vật.

Ngoài ra, khi hồi hương được cổ vật, vị thế văn hóa, vị thế chính trị, vị thế kinh tế của đất nước cũng được thể hiện trên trường quốc tế.

Cách nào để hồi hương cổ vật?

Tuy nhiên, nhìn rộng ra, ông Quân cho rằng, việc đưa cổ vật hồi hương là một câu chuyện không dễ, cần sự chung tay của cả nhà nước, tư nhân và cả nguồn lực về con người và kinh tế.

Trong đó, sự tham gia của những doanh nghiệp, những tập đoàn kinh tế lớn có vai trò rất quan trọng. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để mối quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp được hài hòa.

Đặc biệt, tất cả phải dựa trên một chiến lược có tổ chức, có quy trình rõ ràng, phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế và nguồn lực hiện có.

img

TS Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

"Để mang được một cổ vật về nước thì cần rất nhiều công sức và tiền của. Từng có cơ hội làm việc với những người làm công tác này ở nước ngoài, họ vẫn nói với tôi rằng: Đất nước nào dù giàu có đến mấy đi chăng nữa cũng không thể đủ khả năng để ôm được hết tất cả cổ vật đó về nước. Việc đó phải có sự tham gia của cộng đồng", TS Phạm Quốc Quân cho hay.

Trở lại trường hợp 2 cổ vật triều Nguyễn đang được rao bán tại Pháp, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho rằng, hiện, chúng ta vẫn đang ở thế bị động, khi cổ vật đã lên sàn đấu giá, chúng ta mới nắm được thông tin.

Để không “chậm chân” khi mua cổ vật Việt Nam, ông Quân cho rằng, chúng ta cần phải có đầu tư, huy động lực lượng nghiên cứu ở cả trong và ngoài nước. Có như vậy, chúng ta mới biết sớm, kịp thời đánh giá và có kế hoạch chủ động hồi hương cổ vật.

Ngoài ra, TS Phạm Quốc Quân khẳng định công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân, cho những người sưu tầm, cho những người chơi hoặc các bảo tàng cũng là yếu tố quan trọng không kém.

"Ngay cả từ thế hệ học sinh, khi được giáo dục bài bản sẽ hiểu được thế nào là hồi hương, hồi hương như thế nào mới xứng đáng.

Điều này để tránh việc đưa những cổ vật từ nước ngoài về mà không có giá trị nhưng vẫn được "gắn mác" cổ vật thì sau này cũng thành rác thải", vị TS cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.