Kinh tế

Từ vụ “đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng”: Đúng luật nhưng...

26/10/2018, 07:05

Sự việc anh Cà Rê ở Cần Thơ bị xử phạt số tiền 90 triệu đồng do có hành vi bán tờ 100 USD...

14

Tiệm vàng Thảo Lực - nơi diễn ra việc mua bán 100 USD giữa anh Rê và ông Lực

Từ sự việc này, nhiều ý kiến đã lo ngại, với lượng kiều hối gửi về hàng năm lên tới hơn 10 tỷ USD, lượng khách du lịch đến Việt Nam hơn chục triệu người như hiện nay thì bất cứ ai cũng có thể vô tình bị xử phạt, trong khi không phải ai cũng biết được cách thức chuyển đổi ngoại tệ hợp pháp.

Đã phạt phải phạt với tất cả

Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Nhân hàng Nhà nước), người dân muốn mua bán, đổi ngoại tệ có thể đến các tổ chức tín dụng, tại các ngân hàng thương mại trên toàn quốc đều có chức năng thu đổi ngoại tệ. Thực tế, một ngân hàng thương mại lớn có hàng chục nghìn phòng, điểm giao dịch thì các điểm này đều đủ điều kiện thu đổi ngoại tệ hợp pháp. Ngoài mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước còn cấp phép cho 580 đại lý thu đổi ngoại tệ khác trên toàn quốc. Như vậy có thể nói việc thu đổi ngoại tệ rất thuận tiện. Các điểm thu đổi ngoại tệ phủ sóng từ thành thị đến nông thôn, từ trung tâm đến ngoại thành…

Cũng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng phải thông báo danh sách các địa điểm mua, bán ngoại tệ tiền mặt của toàn hệ thống trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng. “Để biết chính xác địa điểm mua, bán ngoại tệ hợp pháp, người dân có thể truy cập website của các tổ chức tín dụng và thực hiện chuyển đổi ngoại tệ tại các địa điểm này để không bị xử phạt. Để người dân nhận biết đâu là điểm thu đổi ngoại tệ được cấp phép, các điểm thu đổi ngoại tệ hợp pháp đều treo biển bảng và giấy phép”, ông Cảnh thông tin.

Trong khi đó, theo luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, trước năm 2014, mức xử phạt hành chính đối với hành vi mua bán ngoại tệ trái phép bị chốt cứng là 500 triệu đồng. Do đó, mức phạt hiện nay đã thấp hơn rất nhiều và chỉ mang tính chất hình thức, chưa công bằng và chưa là gì so với mức phạt vi phạm hành chính nói chung và an ninh tiền tệ nói riêng.

Do đó, quy định về khung xử phạt vi phạm hành chính phải sửa và nên sửa theo hướng quy định khung từ tối thiểu đến tối đa nhưng phải nâng mức tối đa lên để có tính răn đe. Hoặc, quy định mức tối thiểu rồi nhân với quy mô, mức độ và hình thức vi phạm. Song song với đó, là vẫn giữ nguyên quy định tịch thu tang vật. Nên nếu mua bán trái phép 1 triệu USD thì ngoài mức xử phạt, 1 triệu USD này cũng bị tịch thu. Mức xử phạt vi phạm hành chính tại các nước cũng có dải rộng và có nhiều khung phạt khác nhau.

Theo luật sư, trước đây cũng nhiều vụ việc liên quan tới ngoại tệ bị xử phạt vi phạm hành chính, trong đó phải kể tới một số vụ lớn như vụ mua bán trái phép 500.000 USD tại một phòng giao dịch của Eximbank năm 2011, vụ niêm yết giá hàng hóa dịch vụ bằng USD và nhân dân tệ ở Quảng Ninh bị phạt 500 triệu đồng năm 2016…

Riêng vụ việc xử phạt niêm yết ngoại tệ ở Quảng Ninh, do quy định “Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính” nhưng do tính chất vụ việc mà Quảng Ninh phải báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước để xử phạt và lại rơi vào cuối tuần nên công văn không tới kịp khiến vụ việc quá hạn xử phạt. Do đó lần thứ 2 Quảng Ninh đã phải cử người trực tiếp tới Hà Nội báo cáo cho kịp thời. “Theo tôi nên sửa lại quy định thời gian 7 ngày này”, ông Đức đề xuất và cho rằng, hiện nay, rất nhiều người mua bán ngoại tệ trái phép nhưng rất ít trường hợp bị xử phạt. Do đó, phải thực hiện nghiêm với tất cả các trường hợp, các địa phương trên cả nước. “Đừng để tình trạng các đối tượng “chơi nhau” thì vụ việc mới được phát hiện và xử phạt”, luật sư nói.

Quy định pháp luật phải phù hợp thực tế

Phân tích sâu hơn về trường hợp của anh Rê ở Cần Thơ, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) đã chỉ ra những điểm bất hợp lý trong điều luật mà cơ quan chức năng TP Cần Thơ áp dụng xử phạt đối với anh thợ điện trong vụ việc này.

Theo luật sư, tại Nghị định 96/2014 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, Điều 24 vi phạm các quy định về ngoại hối thì bị xử phạt từ 80 - 100 triệu đồng đối với các hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Như vậy, trường hợp của anh thợ điện bán 100 USD bị xử phạt cơ bản đúng luật.

Mặc dù vậy, luật sư Tú cho rằng, nghị định này cũng “sai” bởi đã “nhốt” chung người bán và người mua cùng một mức phạt. Trong kết cấu xử lý vi phạm đối với các cá nhân, tổ chức trong việc xử phạt vi phạm hành chính bao giờ cũng phải tách mức phạt của tổ chức và mức phạt cá nhân thành những nhóm mức phạt khác nhau. Thông thường xử phạt đối với cá nhân bao giờ cũng nhẹ hơn so với mức phạt đối với tổ chức. Nhất là trong tình huống này, người bán có thể cả năm hoặc cả đời mới được người thân từ nước ngoài cho tặng 100 USD để chuyển đổi sang tiền Việt còn người mua thì có thể thực hiện giao dịch hàng ngày, hàng giờ... Bởi thế, việc này rất không phù hợp thực tế và cách thức xây dựng văn bản dưới luật không phù hợp.

Bên cạnh đó, theo luật sư Tú, trong nghị định này cũng đã có quy định nhiều hình thức xử phạt, như cảnh cáo, nhắc nhở... và không nhất thiết phải phạt tiền. Mặc dù, không nằm trong điều luật nhưng nó nằm trong tinh thần nghị định này.

Cũng theo luật sư, tất cả các quy định xử phạt hành chính chuyên ngành phải tuyệt đối tuân thủ đạo luật gốc trong xử lý vi phạm hành chính đó là Luật Xử lý vi phạm hành chính ra đời tháng 6/2012, là nền tảng của tất cả các văn bản xử phạt vi phạm hành chính chuyên ngành khác, trong đó có xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Tại Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định: Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính thứ nhất phải được tiến hành một cách nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, đảm bảo công bằng, đúng các quy định của pháp luật. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng. Từ những căn cứ trên, có thể nhận định việc xử phạt đối với anh thợ điện đổi 100 USD ở Cần Thơ là không phù hợp bởi chưa đánh giá các tình tiết ở mức độ. “Người ta chỉ vi phạm với số tiền đổi là 2.260.000 đồng mà lại bị xử phạt đến 90 triệu đồng (gấp khoảng 40 lần), như vậy là không phù hợp với tính chất, mức độ và hậu quả vi phạm của người vi phạm”, luật sư Tú đánh giá.

Từ thực tế trên, luật sư Trương Anh Tú đưa ra quan điểm cho rằng, Nghị định 96/2014/NĐ-CP chưa phù hợp với các quy định pháp luật chuyên ngành, chưa phù hợp với đời sống xã hội. “Pháp luật đôi khi ở trên trời, cuộc đời ở dưới đất”, pháp luật chưa đi hết đời sống dân sinh và ở đây chúng ta nêu ra để thấy rằng cần cẩn trọng hơn trong quá trình xây dựng pháp luật, đặc biệt là văn bản dưới luật như nghị định và thông tư nhiều khi mang tính chủ quan. Tóm lại, với trường hợp này tôi cho rằng, chúng ta cần nhanh chóng sửa đổi pháp luật cho phù hợp với thực tiễn đời sống khách quan cũng như phù hợp với đạo luật gốc, Luật Xử lý vi phạm hành chính... “, luật sư Tú đề xuất.

Chuyển 20 viên kim cương, gần 20.000 viên hột đá nhân tạo vào kho bạc

Ngày 25/10, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã ký quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu trong vụ việc của anh Nguyễn Cà Rê (ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).

Theo quyết định, 20 viên kim cương (hột xoàn) và 19.910 viên hột đá nhân tạo mà cơ quan công an đã tịch thu của Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực sẽ được chuyển vào Kho bạc Nhà nước Cần Thơ. Đối với số tiền 2.260.000 đồng Việt Nam được anh Rê đổi từ 100 USD cũng được chuyển vào Kho bạc Nhà nước Cần Thơ và đơn vị này sẽ thực hiện hạch toán nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Tờ 100 USD cũng sẽ được nộp vào tài khoản ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước Cần Thơ.

Trước đó, khoảng 11h15 ngày 30/1, cảnh sát bắt quả tang ông Lê Hoàng Lực (Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực) đang thu mua 100 USD của anh Rê với giá 2.260.000 đồng mà không có giấy phép. Sau đó, Công an TP Cần Thơ trình Chủ tịch UBND TP ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, anh Rê bị phạt 90 triệu đồng, tịch thu 2.260.000 đồng (quy đổi từ 100 USD). Theo Công an TP Cần Thơ, nếu anh Nguyễn Cà Rê có hoàn cảnh khó khăn thì làm đơn gửi UBND TP Cần Thơ xem xét giải quyết.

Đối với Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực, đã bị xử phạt hành chính với số tiền 295 triệu đồng, doanh nghiệp này còn bị tịch thu 20 viên kim cương (hột xoàn) và 19.910 viên hột đá nhân tạo trị giá 548.664.000 đồng. Hiện, công ty này đã thi hành xong quyết định xử phạt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.