Chuyện dọc đường

Từ vụ thượng úy công an đánh người: Đừng để "lạm phát" hành vi xấu xí

12/11/2019, 18:29
image

Trấn lột, ăn quỵt, côn đồ, nhục mạ người khác... là những hành vi không thể chấp nhận. Tiếc thay người hành xử như vậy lại là chiến sĩ cảnh sát.

img
Hành vi tát nhân viên bán hàng của thượng úy Nguyễn Xô Việt bị camera ghi lại

Sau đại úy Lê Thị Hiền "đại náo" sân bay, hành vi côn đồ của thượng úy công an Nguyễn Xô Việt tại trạm dừng nghỉ Thái Nguyên một lần nữa khiến dư luận phẫn nộ.

Trước đó, không ít lần lực lượng Công an bị "tố" có những cử chỉ, hành vi phản cảm, bạo lực, thậm chí hung hãn, côn đồ trong quá trình làm việc với người dân. Tuy nhiên, không ít lần, lực lượng chức năng đã đưa ra kết luận chỉ là hành vi "giơ chân cao" hay "gạt tay trúng má"... gây không ít tranh cãi trong dư luận.

Nhưng lần này, camera an ninh trong trạm dừng nghỉ đã phơi bày tất cả những hành động xấu xí của thượng úy Việt.

Cộng đồng dậy sóng, báo chí vào cuộc, thượng úy Việt đã bị tạm đình chỉ công tác, rất nhanh chóng, cũng như đại úy Hiền trước đó.

Tuy nhiên, sau khi tạm đình chỉ công tác, đại úy Hiền đã đi làm trở lại. Đến nay, sau hơn 3 tháng, Công an Hà Nội mới chỉ đề nghị Bộ Công an hạ cấp hàm từ đại úy xuống trung úy với bà Hiền mà vẫn chưa có quyết định chính thức. Nhiều người cho rằng, giáng cấp là quá nhẹ.

Không riêng với những người làm việc trong lực lượng bảo vệ pháp luật như thượng úy Việt, đại úy Hiền hay trước đó là cựu Phó viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh, rất nhiều công dân có hành vi xấu xí cũng đã bị camera ghi lại. Từ bẻ trộm hoa cho tới vi phạm luật giao thông, từ ăn cắp bánh mì cho tới trộm chó, thậm chí có thể chỉ là quên đội nón bảo hiểm khi lưu thông trên đường... Tất cả đều được những chiếc camera giám sát một cách khách quan, công bằng, minh bạch...

Đáng buồn khi người Việt đã “nổi tiếng” ở rất nhiều nơi trên thế giới bởi những “thành tích” bất hảo của một số cá nhân. Những "dấu ấn" ấy đã được nhiều quốc gia như Hàn, Nhật, cảnh báo bằng bảng hiệu rõ ràng nơi bến xe, nhà ga hay siêu thị. Nó khiến chúng ta xấu hổ và mặc cảm khi đi qua những nơi này.

Trấn lột, ăn quỵt, ăn cắp, ăn cướp là những thói xấu, cũng là những hành vi vi phạm pháp luật. Nó bị xã hội loài người từ cổ chí kim, từ đông sang tây lên án và có những hình phạt nghiêm khắc. Giao thương trong một xã hội ổn định phải mang tính công bằng, “tiền trao, cháo múc”. Không ai có thể dùng bất cứ quyền lực nào hoặc đơn giản chỉ vì sĩ diện cá nhân của mình để tước đoạt đi tài sản hợp pháp của người khác. Con người sống và làm việc trong một xã hội văn minh, được học hành và đào tạo nghiêm chỉnh, thường ý thức rất cao điều này.

Hành vi trấn lột ngang ngược, có màu sắc bạo lực nơi công cộng xuất hiện làm chúng ta sững sờ. Hơn nữa, hành vi xuất phát từ một sĩ quan đương nhiệm lại càng làm cộng đồng bất bình, bức xúc.

Lâu nay, hình ảnh chiến sĩ công an nhân dân luôn được xã hội tôn vinh bởi họ là lực lượng vì nhân dân phục vụ, luôn sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho dân. Nhưng hôm nay, điều tốt đẹp trong giáo dục không thể chạm tới người sĩ quan ấy. Văn minh nhân loại cũng không có chỗ trong cơn thịnh nộ của anh ta. Chỉ thấy bóng dáng một người đàn ông hung hãn, hồ đồ và sốc nổi với những hành động thô bỉ nơi đông người.

Vẫn biết ai cũng có lúc sai lầm và nông nổi nhưng hành vi trấn lột, dậy con lấy đồ ăn không trả tiền và đánh người một cách bạo ngược nơi công cộng đã chà đạp lên những giá trị mà cộng đồng đang ngày đêm vun đắp. Nó làm xấu đi màu áo của những người lính đang ngày đêm hy sinh vì sự bình yên của nhân dân.

Với những cá nhân như vậy, nên ra khỏi ngành, nhường chỗ cho những người chiến sỹ có phẩm chất tốt hơn cống hiến, có ý thức cao hơn trong sứ mệnh phục vụ người dân, có cách ứng xử đúng mực nơi công cộng để tránh đi xu hướng bạo lực đang manh nha lan rộng trong cộng đồng.

Một xã hội có trật tự, kỷ cương là một xã hội mà bạo lực dù ở cấp độ nào cũng luôn phải bị trừng phạt một cách nghiêm khắc. Chỉ có cách ấy mới mong chúng ta có một cộng đồng tiến bộ và hàng ngày, mỗi người dân đều được đối diện với những điều tốt đẹp, bình an.

Còn nếu nương tay, ta sẽ "lạm phát" những thói xấu ấy và ngày càng "xuất khẩu" chúng nhiều hơn tới khắp năm châu. Lúc đó, nếu như người Việt có xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế, dẫn tới thiệt thòi khi ra nước ngoài thì âu cũng một phần do luật pháp chưa nghiêm minh mà thôi.

Xem clip thượng úy Nguyễn Xô Việt khuyến khích con lấy đồ ăn không trả tiền sau đó hành hung nhân viên tại quầy khi bị nhắc nhở

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.