Tôi có cảm giác nhiều đứa trẻ xem tết như chiến dịch kiếm tiền vậy (Ảnh minh hoạ) |
Lì xì từ xưa đã được xem là một phong tục tốt đẹp của Tết Nguyên Đán. Những phong bao màu đỏ với 1 tờ tiền tượng trưng thường được trao cho trẻ con nhằm mang đến sự may mắn, sức khỏe và những điều tốt đẹp trong năm mới.
Ngay từ nhỏ ba mẹ tôi đã dạy 2 anh em rằng lì xì là để lấy hên, không quan trọng giá trị. Mọi người nên tuỳ thuộc vào kinh tế, thu nhập của mình để chuẩn bị lì xì vào dịp năm mới.
Là sinh viên mới ra trường, thu nhập còn chưa cao nhưng tôi vẫn muốn chuẩn bị nhiều bao lì xì có tờ tiền 10 nghìn đồng mới cứng. Mỗi lần đến nhà ai chơi gặp các cháu nhỏ thì lì xì mỗi cháu 1 bao kèm lời chúc chúng học hành giỏi, chóng lớn. Thế nhưng thực tế diễn ra không đơn giản như suy nghĩ của tôi. Mới mùng 2 Tết tôi đã ê mặt vì chuyện tiền lì xì.
Vừa nhận được bao lì xì, tụi nhỏ đã bóc vội vàng, thấy tờ 10 nghìn đồng nó xị mặt như bánh đa nhúng nước, phán một câu: “Có 10 nghìn thôi à. Tưởng chú đi Hà Nội về thì giàu chứ!”
Hơi bị sốc vì câu nói thẳng và ngây thơ của tụi nhỏ, nhưng cũng phải cố để lên mặt nhắc lại chúng chuyện lì xì. Nói thì nói thế nhưng cứ như nước lá khoai ấy. Bọn chúng có thèm nghe đâu.
Tết xưa mình được ai đó mừng tuổi chỉ một hai nghìn đồng là mừng lắm rồi. Cũng chẳng đòi hỏi gì, còn tụi nhóc thời nay tôi có cảm giác chúng cứ xem tết như chiến dịch kiếm tiền vậy.
Có lẽ bọn trẻ đang chịu ảnh hưởng bởi sự tính toán của người lớn. Nhiều nhà đi chơi mà đèo bồng hết con cái, đi chơi lâu lâu lại hỏi con được bao nhiêu tiền mừng tuổi rồi. Đến nhà ai chưa kịp mừng tuổi lại nhắc khéo con ra chào chú bác để được mừng tuổi cho nhanh lớn. Cứ như vậy con trẻ nó không tính toán sao được.
Đấy là chưa kể dịp năm mới, nhiều người lợi dụng lì xì mừng tuổi sếp, mừng tuổi con cái các sếp như một dạng đưa phong bì để nịnh nọt, lấy lòng.
Vừa thấy buồn, lại vừa thương bọn trẻ. Cứ như thế này thì tục lì xì bị biến tướng, nay mai sẽ biến thành tục phong bì mất thôi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận