Ghi nhận của PV Báo Giao thông, ngày 27/3 (tức 15/2 âm lịch), tại khu vực Cảng cá sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) có hàng ngàn người đến theo dõi Lễ hội Nghinh Ông. Đây là lễ hội nhằm tôn vinh loài cá Ông (cá Voi), ngư dân miền biển còn gọi là “Nam Hải đại tướng quân”.
Đúng 12h trưa (Giờ Ngọ), Lễ rước Ông được khởi hành tại Lăng Ông (khóm 2, thị trấn Sông Đốc), sau đó đoàn tàu diễu hành quanh thị trấn Sông Đốc. Đoàn rước Ông gồm: đội múa lân đi trước, kế đến là chiếc trống thật to, theo sau là học trò lễ, các đoàn “tôm, cua, cá”…
Dân chúng đứng hai bên đường, hò reo cổ vũ, tạo nên không khí lễ hội thật náo nhiệt.
Đám rước “Sắc phong Thần tức Ông Nam Hải” có một nhóm người mặc trang phục của binh sĩ thời vua Gia Long, nhóm mặc áo dài khăn đóng cùng đưa “Long đình” xuống tàu và chạy ra biển.
Các ghe, tàu đều được trang hoàng cờ, phướn, băng rôn, khẩu hiệu… như một thuyền hoa. Trong những ghe tàu lớn nhỏ ra biển, có một cụm tàu chính gồm 3 chiếc kết lại thành đoàn (người ta gọi là tàu thủy lực), tàu này có nhiệm vụ chở Ban Tổ chức, các vị chức sắc, học trò lễ…
Từng đoàn tàu tham gia Nghinh Ông đều chạy ra biển theo hướng Hòn Chuối và không giới hạn thời gian hay khoảng cách từ đất liền ra biển.
Tàu chạy khi nào đến lằn ranh nước trong thì người chánh lễ làm thủ tục khấn vái, thắp hương và “xin keo”, khi xin “được keo”, tàu quay về và đem những lọ nước biển trong lành về Lăng Ông để thờ cúng.
Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong quá trình đoàn tàu diễu hành (từ Cảng cá sông Đốc đến cửa sông Ông Đốc) bị hạn chế luồng, tàu và ca nô của lực lượng chức năng (biên phòng, cảnh sát đường thủy, kiểm ngư, thanh tra đường thủy nội địa,...) phối hợp chặt chẽ và ngăn không cho các phương tiện nhỏ chạy bám theo sau.
Lực lượng Thanh tra An toàn số 8 (Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam) phối hợp với lực lượng chức năng của địa phương ngăn không cho các tàu không đủ tiêu chuẩn tham gia vào đoàn diễu hành.
Ngoài ra, tại khu vực diễu hành Lễ hội có bố trí hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa (ĐTNĐ) và lực lượng điều tiết khống chế hướng dẫn giao thông thủy. Các phương tiện khi lưu thông đến khu vực này phải tuyệt đối tuân thủ theo sự chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu ĐTNĐ và lực lượng điều tiết, khống chế, đảm bảo giao thông thủy tại hiện trường.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc là lễ hội truyền thống có từ lâu đời ở Cà Mau. Đây là lễ cầu cho mưa thuận, gió hòa, cầu cho quốc thái dân an. Đồng thời, cũng là dịp để ngư dân miền biển cầu xin những chuyến ra khơi được bình an và đánh bắt được nhiều tôm, cá.
Hàng năm, lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc dự kiến thu hút rất đông người dân cũng như du khách thập phương đến tìm hiểu về nét đẹp văn hóa của ngư dân miền biển ở Cà Mau.
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chứng nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận