Ông Chính bên cổng làng Lai Xá |
“Cụ già rồi, về mà chơi với con cháu”
Trong bộ quần áo bạc màu, ngày mưa cũng như ngày nắng, ông Chính luôn có mặt ở cổng làng Lai Xá vào các giờ cao điểm để làm một công việc mà không ai trả công và cũng không ai bắt ông phải làm, đó là điều tiết giao thông.
“Tôi bắt đầu công việc này từ năm 2004. Vào thời điểm đó, làng Lai Xá vẫn họp chợ trong làng nên mật độ phương tiện đi lại nhiều, thường xuyên xảy ra ách tắc, va chạm giữa những người đi chợ và các em học sinh. Nghĩ mà giận lắm. Chỉ một người chen lên, cố đi nhanh cho được việc của mình thế là hàng chục người khác bị chậm lại. Chẳng ai chịu nhường ai đâm ra ách tắc cứ hoàn ách tắc. Giá như có một đồng chí CSGT đứng điều tiết giao thông, chắc chắn đi lại sẽ suôn sẻ hơn nhiều. Nhưng CSGT còn phải lo nhiều “điểm nóng” khác nên về làng rất khó. Vậy thì tại sao chính mình không làm”, ông Chính chia sẻ.
Trò chuyện với tôi, ông Chính còn khoe, không còn gì vui hơn khi được vào phố Hoàng Diệu thắp hương cho Bác Giáp, có dịp để giãi bầy với Bác những công việc mà ông đã làm. |
Nghĩ là làm, ngay ngày hôm sau, ông xuất hiện ở “điểm nóng” giao thông đó, ngày ba ca đều đặn, sáng, trưa, chiều (vào giờ tan tầm) với một chiếc gậy tự chế, một chiếc còi để phân luồng, điều tiết giao thông. Từ hôm đấy, người làng rất ngạc nhiên khi thấy một ông già ở cái tuổi “gần đất xa trời” đứng ở cổng làng, tay giơ chiếc gậy, miệng liên tục tuýt còi ra hiệu cho người điều khiển phương tiện đi lại tuần tự.
Nhớ lại những ngày đầu làm “nhiệm vụ”, ông Chính chia sẻ: “Công việc tưởng như đơn giản, nhưng không hề dễ chút nào. Mới đầu, chả ai chịu nghe mình cả. Thậm chí, có người còn bảo cụ già rồi, về mà chơi với con với cháu, đứng ở đây làm gì cho khổ. Một số người điều khiển phương tiện không đội MBH, lái xe một tay, chở ba, dàn hàng ngang…, khi được nhắc nhở lại tỏ thái độ khó chịu, không chấp hành và buông lời xúc phạm”.
Nhưng bỏ mặc những lời xì xào, bóng gió xa gần, ông Chính vẫn tiếp tục cặm cụi với công việc mà bản thân ông cho là có ích.
Khi tôi hỏi động lực nào khiến ông gắn bó với công việc này, ông Chính nhấp ngụm nước rồi cười: “Tôi xem ti vi, nhớ có lần Bộ trưởng Đinh La Thăng nói, mỗi ngày ở Việt Nam có rất nhiều người bị cướp đi mạng sống vì TNGT và hậu quả của nó không phải dễ dàng khắc phục được. Bộ trưởng Thăng kêu gọi mỗi người, mỗi nhà phải có ý thức khi tham gia giao thông. Người biết luật phải tuyên truyền cho người chưa biết luật. Nếu ai cũng hiểu Luật GTĐB và chấp hành nghiêm chỉnh thì tai nạn sẽ giảm, nhà nhà sẽ hạnh phúc. Chính điều đó đã cho tôi niềm tin là nỗ lực của bản thân sẽ làm chuyển biến ý thức của dân làng khi tham gia giao thông, để mọi người cùng an toàn hơn”.
Còn sức khỏe, còn “vác tù và”
Sự tận tụy, lòng nhiệt tình, nỗ lực của ông Chính dần dà thuyết phục được người dân làng Lai Xá. Họ thấu hiểu được công việc của ông, chả còn ai bóng gió gọi ông là “mõ làng” nữa. Thậm chí, mỗi lần đi qua đây, họ chỉ lo nhỡ không có “ông Chính CSGT” thì lại khốn khổ vì ách tắc.
Anh Lê Xuân Khoa, chủ cửa hàng tạp hóa tại cổng làng chia sẻ: “Ông Chính rất nhiệt tình trong công việc. Mọi người ở đây ai cũng yêu quý. Mỗi khi ông đổ bệnh, không ra điều khiển giao thông được, chúng tôi lại thấy nhớ. Có “ông Chính giao thông” làng Lai Xá an toàn hơn hẳn”.
Chỉ tay vào cổng làng nơi ông Chính làm nhiệm vụ, bạn Hoàng Thị Mai, sinh viên trường ĐH Công Nghiệp nói: “Em cảm phục tấm lòng nghĩa hiệp của ông. Nhiều hôm mưa gió vẫn thấy ông mặc áo mưa đứng đây hướng dẫn cho người tham gia giao thông an toàn”.
Chầm chậm nhấc chén trà, cụ Chính nhìn xa xăm: “Tôi không mong gì hơn, chỉ mong có sức khỏe để vẫn tiếp tục “đứng đường” điều tiết giao thông, góp phần làm cho xã hội an toàn hơn”.
Hơn 10 năm làm “nhiệm vụ” điều tiết giao thông ở làng Lai Xá, dù mệt nhọc ông vẫn cố gắng hoàn thành công việc. Không đòi hỏi công xá, ai cho gì cũng không nhận vì bản thân ông nghĩ nếu làm được điều gì tốt thì nên làm.
Ông Lê Nhật Khoa, Trưởng thôn Lai Xá cho biết: “Ông Chính là người nhiệt tình, mặc dù không được hưởng chế độ gì nhưng ông vẫn cống hiến hết mình, dân làng ai cũng ghi nhận điều này. Tất cả những gì ông Chính làm đều xuất phát từ lòng nhiệt huyết, từ cái tâm để đảm bảo ATGT. Đây cũng là một tấm gương tiêu biểu của làng và được TP Hà Nội trao tặng giấy khen người tốt việc tốt vào năm 2013”.
Bà Đinh Thị Thìn, người vợ luôn đồng hành, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cùng ông nói: “Mới đầu mọi người cũng khuyên ngăn ông. Bởi vì ở độ tuổi của ông, ai cũng muốn nghỉ ngơi, vui vầy với con cháu, với thú điền viên nên không muốn cho ông đi làm nhỡ xảy ra chuyện gì thì khổ. Thế nhưng, sự quyết tâm của ông đã thuyết phục được mọi người, sau này ai cũng ủng hộ. Gia đình tôi giờ vui lắm, chỉ mong ông sống thật lâu để vẫn tiếp tục công việc của mình”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận