Trưởng thành từ một lớp dạy bóng đá đặc biệt ở quê nhà Nghiêm Xuyên, Thường Tín, Hà Nội, Phạm Hải Yến đã nỗ lực không ngừng để trở thành tiền đạo số 1 của tuyển bóng đá nữ Việt Nam.
Ít ai biết, cùng với đam mê trái bóng tròn, nữ tuyển thủ chỉ cao 1m62 này sở hữu nguồn sức mạnh nội lực rất đáng nể.
Hải Yến (thứ 2 từ phải) nhận danh hiệu Quả bóng Bạc Việt Nam 2020
Cô gái nhỏ nhắn khiến mọi hàng thủ khiếp sợ
Tại Vòng loại Giải bóng đá nữ châu Á 2022 (Asian Cup nữ 2022), đội tuyển Việt Nam chơi ấn tượng khi giành chiến thắng cả 2 trận, ghi tới 23 bàn và không thủng lưới lần nào.
Trong chiến tích này, tiền đạo Phạm Hải Yến đóng góp công lớn nhất với 8 pha lập công, 6 vào lưới Maldives và 2 vào lưới Tajikistan. Sau vòng loại, Hải Yến được Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) chọn là một trong 6 cầu thủ xuất sắc nhất.
Nhưng cô gái sinh năm 1994 cho rằng, những gì cô đạt được là chiến công của tập thể.
Vài nét về Phạm Hải Yến
- Sinh ngày: 9/11/1994.
- Quê quán: Nghiêm Xá, Nghiêm Xuyên, Thường Tín, Hà Nội.
- CLB thi đấu: Hà Nội 1.
- Khoác áo đội tuyển quốc gia từ năm 2011.
Thành tích đáng chú ý:
- Vô địch AFF Cup 2019; SEA Games 2017, 2019 cùng đội tuyển Việt Nam.
- Vô địch quốc gia các năm 2011, 2013, 2014 cùng CLB Hà Nội 1.
- Quả bóng Bạc Việt Nam 2020.
- Vua phá lưới Giải vô địch quốc gia
các năm 2015, 2018, 2019.
“Nếu không có sự hỗ trợ từ đồng đội, tôi sẽ không thể ghi bàn. Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ cho giải đấu, cùng nhau chiến đấu và giành chiến thắng. Đây mới là điều ý nghĩa nhất”, Hải Yến chia sẻ.
Với những ai quan tâm tới bóng đá nữ Việt Nam, Hải Yến không còn là cái tên xa lạ. Cô là chân sút chủ lực của CLB Hà Nội 1, nỗi khiếp sợ của mọi hàng thủ tại Giải bóng đá nữ Vô địch quốc gia.
Ở tuổi 27, cô gái quê Thường Tín, Hà Nội đã có thâm niên 10 năm ăn cơm tuyển, đá trận ra mắt khi đội tuyển quốc gia khi mới 17 tuổi.
Suốt chặng đường đó, Yến cùng đồng đội giành 1 chức vô địch Đông Nam Á, 2 HCV SEA Games.
Đặc biệt, tại SEA Games 30 diễn ra năm 2019, nữ tuyển thủ sinh năm 1994 là tác giả pha đánh đầu quyết định giúp Việt Nam hạ Thái Lan để bước lên ngôi cao nhất.
Tài năng, bản lĩnh và đóng góp nhiều cho bóng đá Việt Nam, nếu Yến là một nam cầu thủ, cuộc sống của cô đã rất khác.
Tuy nhiên, sự quan tâm của xã hội với bóng đá nữ quá ít khiến cô cùng nhiều đồng nghiệp chịu thiệt thòi. Theo lời kể của một đồng nghiệp, ngay cả sau trận chung kết SEA Games 30, căn nhà nhỏ của Yến ở Nghiêm Xuyên, Thường Tín vẫn lặng yên.
Cô nói, đôi lúc cũng cảm thấy chạnh lòng nhưng cảm giác tiêu cực này nhanh chóng bị đẩy lùi bởi đam mê trái bóng tròn: “Tôi vui vì được sống với đam mê và tự thấy mình may mắn hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa đang vất vả mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau, hoặc nhiều đồng đội ở đội trẻ phải từ bỏ bóng đá. Quan điểm của tôi là sống hết mình và cháy với đam mê. Khi đã xác định bước vào con đường này tôi đã quyết tâm phải đi đến cùng, không để bản thân bị phân tâm bởi những thứ khác. Tôi không chơi bóng vì những lời tung hô”, tiền đạo tuyển nữ Việt Nam bộc bạch.
Nhắc tới Hải Yến, giới chuyên môn ấn tượng với một cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn nhưng mang tinh thần của một chiến binh khi đứng trên sân.
Cô chỉ cao 1m62 nhưng dũng mãnh thực hiện pha đánh đầu trước hàng thủ cao to bên phía Thái Lan trong trận chung kết SEA Games 30. Ngoài ra, cầu thủ sinh ra ở ngoại thành Hà Nội còn nổi bật bới khả năng chọn vị trí và dứt điểm đa dạng.
Đánh giá về cô học trò nhỏ, HLV Mai Đức Chung cho rằng, Hải Yến luôn tập luyện chăm chỉ, có tinh thần thi đấu tốt và đặc biệt có sự nhạy cảm đặc biệt trong săn bàn.
“Một điểm nữa tôi ấn tượng với Yến là em luôn chơi vì tập thể, biết gò mình vào tập thể, chưa bao giờ mang tư tưởng ngôi sao”, ông Chung nói.
Thành danh từ lớp học đặc biệt
Hải Yến giành HCV SEA Games năm 2019
Sở hữu sự nghiệp đáng mơ ước ở tuổi 20, Hải Yến có thể coi là hình mẫu cho đàn em noi theo. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để đến được với trái bóng tròn, cô gái này đã phải trải qua rất nhiều vất vả.
Cô sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, Hà Nội. Bố mẹ luôn mơ ước cô học hành đến nơi đến chốn để có công việc ổn định, không phải cơ cực mưu sinh.
Ngặt nỗi, dường như số phận của Yến đã gắn chặt với trái bóng từ khi còn nhỏ. Nơi cô sinh ra có một lớp dạy bóng đá nữ rất đặc biệt do thầy Dương Khắc Kiểm tự đứng ra tổ chức.
Hồi lên 4 tuổi, nữ tuyển thủ Việt Nam đã chập chững ra xem các chị lớn chơi bóng. Lớn hơn một chút, cô gái nhỏ thó ra sân học theo các chị rồi được thầy thu nhận.
Năm Yến học lớp 4, cô tham gia giải bóng đá của trường. Dù nhỏ tuổi nhất nhưng cô lại chơi rất nổi bật. Từ đó, cô càng có động lực để ra sân tập mỗi buổi chiều.
Thấy vậy, bố mẹ cô không đồng ý vì nhà neo người, theo bóng đá lại vất vả nên muốn con ở nhà phụ giúp việc gia đình và chuyên tâm cho việc học.
Ngày đó, nhà cô nuôi cá, buổi sáng học ở trường, trưa ăn cơm xong Yến liền tranh thủ đi cắt cỏ cho cá ăn để được tập bóng đá vào buổi chiều.
Theo lời kể của ông Phạm Văn Mười, con gái có hôm còn đi bắt cua, cá về bán lấy tiền đỡ đần bố mẹ, đổi lại mong bố mẹ cho theo đuổi trái bóng. Sau này, thấy con kiên trì, ông Mười bàn với vợ để con được sống trọn đam mê.
Tính cách mạnh mẽ dường như được hình thành trong con người Hải Yến từ lúc nhỏ xíu. Ông Mười nhớ lại, con gái sinh ra chỉ nặng 2,8kg, cơ địa yếu nên thường xuyên bị ho. Nhưng không giống những đứa trẻ khác, cô rất giỏi trong việc uống thuốc, dù đắng đến mấy.
Năm 2008, Hà Tây (cũ) tuyển sinh lứa cầu thủ nữ để làm lực lượng kế cận. Hải Yến được thầy Kiểm giới thiệu, thi đỗ và bắt đầu cuộc sống tự lập khi mới 14 tuổi.
Đội nữ Hà Tây tập luyện tại sân Hà Đông nên cô phải chuyển hẳn lên ăn ở, tập luyện cùng đội. Ban đầu, cô và các bạn đồng trang lứa chỉ được trợ cấp vài trăm nghìn đồng nhưng cô luôn cố gắng chắt chiu để trang trải chứ nhất định không xin tiền bố mẹ.
Sau khi Hà Tây sáp nhập địa giới vào Hà Nội, Hải Yến cũng chuyển sang đầu quân cho CLB Hà Nội 1 và gắn bó từ đó tới nay. Dưới màu áo đội bóng Thủ đô, cô giành hàng loạt danh hiệu lớn nhỏ.
So với thời điểm mới bước chân theo bóng đá chuyên nghiệp, thu nhập của Yến hiện nay đã khá hơn. Tuy mặt bằng vẫn thua xa các cầu thủ nam nhưng nhờ đức tính tiết kiệm của con nhà nông, cô vừa có thể trang trải cuộc sống, vừa đóng tiền học phí (Đại học Thể dục thể thao) và còn dành một chút gửi về giúp đỡ bố mẹ.
Cô kể thêm, giờ mỗi lần có dịp về quê, cô đều tranh thủ ra đồng cắt cỏ cho cá, dù bố mẹ không cho làm. Theo nhà vô địch AFF Cup và SEA Games, cô làm phần vì muốn đỡ đần bố mẹ, phần vì muốn nhắc nhở bản thân không quên những ngày gian khó, từ đó luôn hướng về phía trước.
Nhắc đến người thày đặc biệt từng nâng đỡ ước mơ chơi bóng, truyền cảm hứng để mình đến với bóng đá, Hải Yến cho hay thày không chỉ là thày mà còn là người bạn lớn.
“Trước đây, mỗi lần về quê tôi đều tới thăm thày. Nhưng thày mới ra đi đầu năm nay, giờ những bài học của thày chỉ còn là ký ức với tôi”, giọng nữ tuyển thủ trầm xuống.
Lỡ “chuyến tàu” sang châu Âu chơi bóng
Hồi tháng 9/2020, Hải Yến cùng Tuyết Dung và Huỳnh Như là ba tuyển thủ được một CLB ở Bồ Đào Nha đánh tiếng chiêu mộ.
Tưởng chừng chân trời mới sẽ mở ra trước mắt cô gái sinh năm 1994. HLV Mai Đức Chung cũng đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến xuất ngoại này nhưng vì nhiều lý do khác nhau, cả ba tuyển thủ đều chưa thể tới châu Âu chơi bóng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận