Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội trả lời chất vấn tại phiên họp HĐND TP Hà Nội |
Sáng ngày làm việc thứ ba, Phiên họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội bước vào phiên chất vấn, trong đó, vấn đề nổi cộm được nhiều ĐB quan tâm chất vấn chính là tình trạng nợ thuế của DN và việc xuất hiện tràn lan các công ty “ma” khiến nợ thuế ngày càng cao.
Ngồi tù, “xe ôm”… cũngcó thể làm giám đốc
Mở đầu phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 14, các ĐB HĐND TP Hà Nội đặt nhiều câu hỏi cho ông Hà Minh Hải, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội liên quan tới tình trạng trốn, nợ thuế trên địa bàn Thủ đô khi số nợ thuế đã lên tới 21 nghìn tỷ đồng. ĐB Phạm Thanh Mai (Hà Đông) đề nghị nêu rõ tình trạng nợ thuế gia tăng và nguyên nhân nợ khó đòi từ 12 nghìn DN bỏ địa chỉ kinh doanh trong 10 tháng qua. ĐB Lê Văn Thành (Thanh Xuân) chất vấn về tình trạng thất thu thuế từ việc thành lập công ty “ma” để mua bán hóa đơn, trong khi công an chưa xử lý đến nơi, đến chốn, Sở KH&ĐT chưa thẩm định kỹ nên có DN để “xe ôm” làm giám đốc. ĐB này cũng lấy ví dụ một công ty bóng đá mua rất nhiều hóa đơn trái phép, đã bị công an phát hiện, song không xử lý và họ lại thành lập công ty khác.
Trả lời chất vấn của các ĐB, ông Hà Minh Hải cho biết, số tiền nợ thuế hiện gia tăng theo cấp số cộng trong từng năm. Để thu hồi nợ, Cục Thuế Hà Nội đã có 6 đợt công khai nợ hàng tháng của từng DN. Đến ngày 30/11, có 59 nghìn DN được ra thông báo nợ thuế với số tiền 1.567 tỷ đồng, trong đó có 246 doanh nghiệp nợ trên 1 tỷ. Ông Hải cũng cho biết, thời gian qua Cục đã phát hiện các ổ nhóm tội phạm thuê “xe ôm” hoặc sử dụng CMND của tù nhân để lập DN rồi mua bán hóa đơn, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước. Nhiều DN thành lập để buôn bán hóa đơn, làm ăn bất hợp pháp nên lập xong thì giải thể ngay, rất khó phát hiện. Cục Thuế đã phát hiện gần 400 tỷ nợ thuế của nhóm DN hoạt động theo kiểu này và đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.
Cũng theo lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội, cơ quan công an mất rất nhiều thời gian mới tiếp cận được các giám đốc DN, nhưng họ lại là “xe ôm”, được thuê làm giám đốc hoặc có người còn đang trong tù, người mất CNND nên xử lý rất khó. Muốn phát hiện, công an phải bắt quả tang để xử lý.
Công an khẳng định, có sự tiếp tay của cán bộ thuế
Được chủ tọa yêu cầu giải trình việc xử lý DN lập mua bán hóa đơn cũng như việc dễ dàng thành lập các công ty “ma”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã trả lời thêm về chất vấn của các ĐB đã nêu.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho hay, thời gian qua, công an thành phố và Cục Thuế đã xác minh hàng trăm công ty bỏ trốn khỏi đơn vị kinh doanh, trong đó điển hình có đối tượng “lách luật” và cho thành lập tới 16 công ty khác nhau. Qua thực tiễn, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, hoạt động quản lý các DN hiện đang bộc lộ sơ hở, như việc xác minh nhân thân với những người thành lập công ty chưa chặt chẽ. Điển hình như đối tượng thành lập 16 công ty nêu trên đã thuê các lái “xe ôm” với giá 1 triệu đồng để đem CMND lên Sở KH&ĐT đăng ký thành lập DN. Sau đó, đối tượng đứng ra điều hành DN để mua bán hóa đơn khống. “Bên cạnh đó, việc quản lý của các Chi cục Thuế còn lỏng lẻo, Công an TP đã phát hiện hành vi tiếp tay của một số cán bộ thuế”, Tướng Chung khẳng định và cho rằng, cơ chế quản lý tiền mặt trong hệ thống ngân hàng hiện còn lỏng lẻo, để DN rút tiền mặt quá quy định; Việc quản lý hóa đơn do DN tự in còn sơ hở.
“Sắp tới, khi TP Hà Nội có mạng dùng chung để quản lý hóa đơn của các DN sẽ giúp việc quản lý DN chặt chẽ hơn và các vi phạm cũng sẽ giảm, đặc biệt sẽ phát hiện sơ hở, thiếu xót trong quản lý liên hóa đơn mà các công ty tự in”, tướng Chung khẳng định và đề nghị Cục Thuế kiến nghị với Bộ Tài chính cần thiết lập mạng dùng chung để quản lý việc sử dụng hóa đơn của các DN chặt chẽ hơn.
Hôm nay, bầu tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hôm nay (4/12), trong ngày làm việc thứ tư của Phiên họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội, ngoài việc thông qua các nghị quyết về kế hoạch sử dụng biên chế hành chính, sự nghiệp của TP Hà Nội năm 2016; Thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND TP Hà Nội năm 2016, phiên họp cũng bàn về công tác nhân sự, trong đó có nội dung bầu Chủ tịch UBND thành phố mới. Sau đó, tân Chủ tịch sẽ phát biểu và bế mạc kỳ họp. Trước đó, thông tin tại buổi họp báo trước kỳ họp, Trưởng ban Pháp chế HĐND Nguyễn Hoài Nam cho biết, lần này HĐND chỉ bầu một chức danh Chủ tịch UBND thành phố. Theo ông Nam, Chủ tịch thành phố đương nhiệm, ông Nguyễn Thế Thảo đã có đơn xin thôi chức vụ và được T.Ư đồng ý. Thành ủy đã kiện toàn, được Bộ Chính trị đồng ý để giới thiệu ông Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy, Giám đốc Công an TP Hà Nội để HĐND bầu vào chức danh Chủ tịch UBND thành phố, nhưng ông Chung có trúng cử hay không, có giới thiệu thêm người ứng cử chức danh Chủ tịch UBND thành phố hay không, hoàn toàn do HĐND quyết định. Hoài Vũ |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận