Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó Giám đốc Công an TP.HCM khẳng định 50% vụ án buôn lậu có bóng dáng Hải quan |
Kê khai tài sản xong đút vô ngăn kéo
Chiều 8/3, phát biểu tại hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2015 và triển khai nhiệm vụ 2016 do Thành ủy TP.HCM tổ chức, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho rằng phòng chống tham nhũng trong năm qua có nhiều kết quả tốt, tuy vậy, vẫn còn một số bất cập khiến việc này chưa hiệu quả. Theo ông Minh, một số biện pháp phòng chống tham nhũng chưa có tác dụng răn đe, thậm chí không có hiệu quả. Điển hình là việc kê khai tài sản hiện nay chỉ là hình thức.
Theo quy định, trong biên chế của Công an TP.HCM, hơn 1/3 cán bộ phải kê khai tài sản nhưng kê khai xong đút vô ngăn kéo. Còn kê khai có hợp lý không, đúng không thì không ai biết. Ở một số nước, diện kê khai tài sản hẹp hơn nhưng hiệu quả.
Ngoài ra, ông Phan Anh Minh cũng chỉ ra 5 lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao nhất trong thời gian tới gồm: Xuất nhập khẩu, ngân hàng, đền bù GPMB, phê duyệt dự án, quản lý quỹ xóa đói giảm nghèo ở phường xã. Trong đó lĩnh vực xuất nhập khẩu liên quan đến cán bộ Hải quan có khả năng tham nhũng nhiều nhất.
Dẫn chứng cụ thể, ông Minh cho biết 50% số vụ án buôn lậu phát hiện tại TP.HCM đều có bóng dáng của nhân viên Hải quan đằng sau. Trong một vụ án do Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương chuyển cho Công an TP điều tra về buôn lậu và lừa đảo thuế giá trị gia tăng có hơn 20 cán bộ Hải quan bị khởi tố. Một vụ án khác do cơ quan công an Kiên Giang điều tra, gần như toàn bộ nhân viên Hải quan cửa khẩu Khánh Bình (Kiên Giang) bị khởi tố hoặc bắt tạm giam. Hiện nay, nhiều vụ việc gian lận bằng hình thức chuyển giá đều có móc nối thông qua Hải quan.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã thực hiện lệnh bắt tạm giam để điều tra đối với Lê Nguyễn Thị Ái Trâm, cán bộ hải quan sân bay Tân Sơn Nhất về hành vi buôn lậu. Ảnh: CAND |
"Luật sao mà ngộ vậy?"
Nói về một số bất cập trong việc xử lý các vụ án tham nhũng, ông Minh cho biết việc xử lý án tham nhũng hiện nay rất chậm. Trong các loại án bị trả điều tra bổ sung thì án tham nhũng đứng đầu. Thậm chí có vụ án bị điều tra bổ sung đến 3 – 4 lần. Sở dĩ có tình trạng này vì cán bộ xử lý vụ án thận trọng đối với vụ án tham nhũng.
Ngoài ra, TP.HCM còn vướng thêm cơ chế ủy quyền công tố. Tức là Trung ương phát hiện tham nhũng, lập án xong đưa về TP xử lý. Trong khi hồ sơ vụ án vài trăm nghìn trang mà thời gian nghiên cứu án chỉ trong vòng 2 tháng. Điều đó tác động đến niềm tin của người dân. Họ đặt câu hỏi vì sao vụ án xảy ra lâu mà chưa xử? Xử xong rồi thì hủy để xử lại? Xử lần sau có khi nhẹ hơn lần trước...
“Nhiều trường hợp ở TP bị hủy án, công an phải chấp hành nhưng trong thâm tâm tôi không tin việc hủy án đó là đúng. Chẳng hạn như vụ án Vũ Quốc Hảo ở Công ty cho thuê tài chính 2, chỉ có một cái mạng đó mà cứ xét xử hoài từ vụ này tới vụ kia, đợi hoài cũng không thấy tử hình. Là người dân tôi cũng đặt câu hỏi luật sao mà ngộ vậy?”, ông Minh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận