Xã hội

Tướng Đồng Sỹ Nguyên: Vị tướng hậu cần lỗi lạc, thần tượng của chiến sĩ trẻ

05/04/2019, 09:59

Trong mắt Đại tá Vũ Tang Bồng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một cán bộ quân sự đáng kính, là vị tướng hậu cần lỗi lạc với tính toán thiên tài.

img
​Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (trái) đi kiểm tra tuyến đường Trường Sơn - Ảnh Tư liệu​

11h42 ngày 4/4, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. Ông ra đi ở tuổi 96 và để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng những đồng chí, đồng đội và nhân dân.

Vị tướng hậu cần lỗi lạc

Gặp Đại tá, Tiến sĩ Vũ Tang Bồng, nguyên cán bộ Viện Khoa học Lịch sử quân sự Việt Nam tại nhà riêng, khi chúng tôi nhắc đến tên Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, ông bất ngờ bật khóc. “Tôi ngỡ ngàng, khi nghe tin ông ra đi”, Đại tá Bồng thổ lộ.

Điều đặc biệt được ông chia sẻ ngay sau đó, là dù không phải cán bộ trực tiếp làm việc dưới quyền tướng Đồng Sỹ Nguyên, nhưng qua nhiều lần gặp gỡ với vị tướng ấy đã để lại trong ông những ấn tượng sâu đậm và không bao giờ quên.

“Ông là cán bộ quân sự rất đáng kính. Là một lãnh đạo xuất sắc, là một vị tướng hậu cần lỗi lạc với những tính toán thiên tài về chiến thuật”- Đại tá Bồng nhận xét.

Nhớ lại lần gặp gỡ đầu tiên với tướng Nguyên, ông Bồng ấn tượng trước dáng hình của một vị tướng cao lớn, trông có vẻ rất nghiêm khắc. Nhưng về sau này, qua nhiều cuộc gặp, ông mới cảm nhận hết sự nhẹ nhàng, tấm lòng vì mọi người của vị Trung tướng lỗi lạc.

Ông Bồng kể về những câu chuyện khi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đi thăm các nơi để tìm hiểu về cuộc sống của cán bộ chiến sĩ. Thấy các chiến sĩ, đặc biệt là những thanh niên xung phong, chiến sĩ nữ sống thiếu thốn quá, ông lệnh cho đơn vị chăm lo cho chị em từ những thứ nhỏ nhất như xà phòng gội đầu. “Phong cách tướng Đồng Sỹ Nguyên là thế đấy. Quan tâm từ những chi tiết nhỏ ấy nhưng rất cảm động, không phải vị tướng nào cũng làm được” – ông Bồng nói, giọng nghẹn ngào.

Nhắc về dấu ấn đặc biệt nhất của tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn với tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, Đại tá Vũ Tang Bồng cho rằng, từ khi có Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thì vận chuyển cơ giới quy mô lớn mới có thể phát triển được.

Theo ông, vào năm 1961 chúng ta chỉ có 2 xe, từ năm 1962-1963 ta có vài chục xe, từ 1964-1965 ta đã có trên 1.000 xe. Nhưng chiến tranh ác liệt, ta thường xuyên bị đich đánh phá. Mùa đầu tiên, địch bắn cháy mất 48% tổ chức xe của ta, đến mùa sau 52% xe bị bắn cháy. Rồi thời kỳ cao điểm, ác liệt nhất năm 1967-1968, địch bắn cháy mất 68% xe của ta.

Ông Đồng Sỹ Nguyên, tên thật là Nguyễn Hữu Vũ, sinh năm 1923 trong một gia đình trung lưu ở Quảng Trạch, Quảng Bình.

Ông từng kinh qua nhiều trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Ông cũng là 1 trong 2 vị tướng QĐND Việt Nam được phong quân hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng.

Ông là một trong những người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng Đường Hồ Chí Minh thành con đường vận tải chiến lược, góp phần quyết định thắng lợi của chiến tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc.

Lúc đó, có ý kiến của một lãnh đạo của Chính phủ đề xuất chúng ta chuyển sang vận tải bằng hình thức gùi thồ như giai đoạn đầu. Nhưng chúng ta cho rằng, dù tổn thất đến đâu cũng phải tìm cách đẩy mạnh vận tải đường bộ, có như thế thì mới đảm bảo vận chuyển được. Ý kiến của lãnh đạo đảng và nhà nước, đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đó là vẫn phải duy trì vận chuyển cơ giới.

Trên cơ sở ấy, tướng Nguyên đã có những chỉ đạo sáng suốt. Nếu như trước đây chúng ta vận chuyển từng xe riêng lẻ nhưng theo chiến thuật của tướng Nguyên, chúng ta chuyển sang đi theo đội hình, từng tiểu đội, trung đội, đại đội rồi tiểu đoàn, rồi đến cấp sư đoàn.

Đội hình vận tải ô tô "không nơi nào có được"

Cũng theo Đại tá Bồng, thời điểm đó, chúng ta xây dựng được 2 sư đoàn ô tô vận tải mà lịch sử quân sự thế giới chưa có nước nào tổ chức được.

Ông miêu tả, đội hình sư đoàn ô tô vận tải đi hành quân gồm khoảng 2.600 xe.

Trên đường chiến trường, trong bối cảnh chiến tranh, mỗi ô tô phải cách nhau ít nhất 25m, mỗi tiểu đội cách nhau 50m, mỗi trung đội cách nhau 100m, mỗi đại đội cách nhau 300m, mỗi tiểu đoàn cách nhau 500m…

Cứ như thế, đoàn vận chuyển kéo dài 700km, tức là gấp 5 lần quãng đường từ Hà Nội đi Hải Phòng.

Để tổ chức được đội hình vận tải này, theo Đại tá Bồng, là nhờ vào tính toán, mưu lược thiên tài của vị Tư lệnh Trường Sơn khi ấy là tướng Đồng Sỹ Nguyên.

So sánh với các nước thời điểm đó, ông Bồng cho rằng chưa nước nào tổ chức được đội hình như vậy. Ông dẫn chứng, Mỹ trong 16 năm chiến tranh Việt Nam chủ yếu lựa chọn phương thức vận chuyển bằng đường biển. Vì thế, trên Đại Tây Dương và Thái Bình Dương trong suốt khoảng thời gian đó, lúc nào cũng có 500 tàu biển của Mỹ chuyển hàng vào Việt Nam. Liên Xô trong 4 năm chiến tranh vệ quốc chủ yếu sử dụng tàu hoả. Theo thống kê, Liên Xô đã sử dụng 42 triệu toa tàu để chở hàng. Và chỉ có Việt Nam khi đó tổ chức vận chuyển quy mô lớn, trong điều đặc biệt của nước ta thì đường bộ là phương án tối ưu nhất, dù chúng ta cũng chịu nhiều hy sinh mất mát.

Cái khó nhất của việc này, theo Đại tá Bồng, là tổ chức lại hệ thống đường sá đảm bảo cơ động. Cùng với đó, bảo đảm hoạt động chiến đấu bảo vệ khi đoàn xe bị tấn công. Để làm được điều đó, cần có là sự hiệp đồng chặt chẽ của tất cả các lực lượng, binh chủng trên tuyến đường Trường Sơn.

img
Đại tá, Tiến sĩ Vũ Tang Bồng, nguyên cán bộ Viện Khoa học Lịch sử quân sự Việt Nam

Về chiến thuật, Đại tá Bồng cho biết, trước năm 1965 chúng ta phòng là chính. Nhưng từ năm 1965 trở đi, khi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh thì ông đề ra phương châm tác chiến tổ chức vận chuyển là: “Bám thùng, bám đường, đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Theo đó, pháo cao xạ phải bám mặt đường bảo vệ các đoàn xe. Công binh không thể ở cách đường quá xa được mà phải bám sát mặt đường vài chục mét…

Để đáp ứng được yêu cầu vận chuyển, tuyến đường này được liên tục mở rộng, tạo thành trận đồ bát quái xuyên rừng rậm. Mỹ tìm mọi cách hủy diệt, ngăn chặn tuyến đường, ném bom rải thảm rất kinh khủng… nhưng đành bó tay trước chiến thuật, đội hình chặt chẽ của ta.

“Thần tượng” của các chiến sĩ trẻ

Không chỉ có tài mưu lược, theo Đại tá Vũ Tang Bồng, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên khi ấy còn đặc biệt quan tâm đến cán bộ chiến sĩ, đặc biệt là sinh mạng người chiến sĩ lái xe.

Nhiều lần chứng kiến sự hy sinh của lái xe trên chính cabin, tướng Đồng Sỹ Nguyên đã nghĩ ra cách trang bị áo giáp và mũ sắt cho các chiến sĩ, khi ngồi trong cabin họ cũng phải mặc. Bản thân ông, dù đi đâu cũng đội chiếc mũ sắt. “Chỉ có từ thời tướng Nguyên, các chiến sĩ lái xe mới được trang bị áo giáp và mũ sắt, những thứ này đều phải đặt từ nước ngoài về” – Đại tá Bồng thông tin.

Cùng với đó, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên yêu cầu nguỵ trang cho chính những chiếc xe làm nhiệm vụ vận tải. Ông cho làm những tấm giáp bằng tre, nứa lắp vào trên nóc cabin và hai bên thành xe để chống bom bi, làm áo giáp cho xe để tránh sát thương cho các chiến sĩ.

Rồi từ những điều tưởng như nhỏ nhất là bữa cơm của chiến sĩ lái xe cũng được Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên rất quan tâm. Ông chỉ đạo luôn phải để các lái xe được ăn cơm nóng hổi, chính vì vậy mới có mô hình “quán ăn Trường Sơn”. Ở đó, mỗi lái xe được phát một chiếc tem phiếu và đều được phục vụ ăn miễn phí.

Trong cuộc sống hàng ngày, ông nhẹ nhàng, tình cảm với cấp dưới và người đồng cấp, tuyệt đối chấp hành cấp trên, nhưng không hề chấp hành theo lối làm việc “máy móc”.

Nghẹn ngào khi nhắc về nhân cách Đồng Sỹ Nguyên, Đại tá Vũ Tang Bồng kể ông nhớ như in thời điểm khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, tướng Đồng Sỹ Nguyên trả lời truyền hình chỉ nói vỏn vẹn một câu ngắn gọn “Anh mất vừa thương, vừa tiếc”. Chỉ câu nói ấy thôi cũng làm nhiều người rơi nước mắt.

Chính vì lối sống ấy, ông được cấp trên tin yêu, trọng dụng. Cấp dưới đối với ông luôn một lòng tin tưởng, kính trọng và cảm phục.

Thậm chí, nhiều cán bộ chiến sĩ trẻ thời ấy coi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên như một “thần tượng” trong lòng họ. Tấm gương và nhân cách của ông cũng chính là động lực để lớp trẻ khi đó nỗ lực phấn đấu, noi theo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.