Tương lai Syria phụ thuộc vào hòa đàm đang diễn ra |
Thất bại sẽ không có giải pháp thay thế
Người phát ngôn của Ủy ban đàm phán cấp cao HNC - đại diện cho một liên minh rộng lớn gồm nhiều nhóm đối lập ở Syria, ông Salem al-Meslet tuyên bố lực lượng này sẵn sàng đối thoại trực tiếp với chính quyền Damascus nếu các cuộc hòa đàm tại Geneva đạt tiến triển.
Theo ông Meslet, nếu vòng đàm phán hiện nay đạt kết quả và hai bên có thể đạt được thỏa thuận về cách thức đàm phán mới, phiên đàm phán tiếp theo dự kiến kéo dài trong 2 tuần sẽ được khởi động lại ngay sau đó với mô hình giống như tại “Geneva 2” diễn ra hồi năm 2014, khi đó hai bên cùng ngồi trong một phòng và tiến hành đối thoại với sự trung gian của Đặc phái viên Liên hợp quốc.
Trong diễn biến mới nhất, cả Chính phủ Syria và HNC ngày 16/3 trao văn bản liên quan đến các điều kiện đàm phán hòa bình cho Đặc phái viên Liên hợp quốc Staffan de Mistura.
Ông Mistura cho biết, văn bản mà ông nhận được từ HNC là một loạt các yêu cầu liên quan đến việc chuyển giao quyền lực cũng như yêu cầu Chính phủ thả các tù nhân - một trong những biện pháp xây dựng lòng tin theo thỏa thuận ngừng bắn. Trong khi đó, văn bản mà Chính phủ Syria đưa ra là một bản đề xuất gồm 8 điểm. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp kéo dài 1 tiếng rưỡi với HNC, ông Mistura xác nhận: “Tôi đã nhận được các văn bản từ Chính phủ cũng như từ nhóm đối lập.
Chúng tôi sẽ phân tích các văn bản này, để đưa ra một văn bản cuối cùng trên quan điểm của Liên hợp quốc hoặc có thể bổ sung thêm các điều khoản khác vào các văn bản mà họ đã gửi. Đó là nguyên tắc của các cuộc đàm phán theo cách này”. Ông Mistura cũng cho biết, cuộc hòa đàm lần này có thể kéo dài tới 10 ngày, đồng thời cảnh báo, nếu đàm phán lần này thất bại thì sẽ chẳng có giải pháp thay thế nào để giải quyết xung đột tại Syria.
Vẫn còn sớm để đánh giá việc Nga rút quân
Bên cạnh thái độ tích cực của cả hai bên trong thực thi thỏa thuận ngừng bắn từ ngày 27/2 vừa qua cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy hòa đàm, khi tình hình tại Syria mấy ngày qua tương đối yên ắng và chưa có báo cáo nào liên quan đến việc vi phạm ngừng bắn.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, đã nhận thấy những thiện chí của Mỹ về việc sử dụng ảnh hưởng đối với các nhóm đối lập tại Syria để họ tham gia một cách hợp tác vào các cuộc hòa đàm cũng như đảm bảo thực hiện thỏa thuận ngừng bắn. “Có nhiều lý do để nghĩ là các đối tác của Nga hiểu được sự cần thiết phải gây ảnh hưởng đối với phe đối lập để họ phải hợp tác trong đàm phán. Ít nhất là từ phía Mỹ - một nước chủ chốt trong nhóm quốc tế hỗ trợ Syria, chúng tôi đã nhìn thấy thiện chí này”, ông Lavrov nói.
Những diễn biến tích cực trên diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Nga quyết định rút quân khỏi Syria. Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết, Tổng thống Putin quyết định rút quân không phải để làm ai đó hài lòng, mà nhằm đạt được tiến bộ trong việc giải quyết hòa bình Syria. Ông nhấn mạnh, quyết định này bắt nguồn từ lợi ích của người dân Syria, của khu vực Trung Đông, từ mục tiêu huy động tối đa sự hỗ trợ quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố. Hiện, quân đội Syria tái kiểm soát được nhiều vị trí then chốt của mình. Và ông Lavrov đang chờ đợi thông tin chính xác từ Mỹ về các nhóm tham gia ngừng bắn tại Syria.
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhận định với việc Nga rút quân khỏi Syria cùng với việc nối lại các cuộc hòa đàm tại Geneva, thế giới có thể đã có cơ hội tốt nhất để chấm dứt cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ 6. Đồng thời, Nhà Trắng đang theo dõi việc Nga rút quân; nhưng còn quá sớm để đánh giá về ảnh hưởng của động thái này đối với cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông nói riêng, hay đối với khu vực nói chung.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận