Tuyến đường sắt từ Trung Quốc tới châu Âu trên con đường tơ lụa, đi qua Trung Á. |
Trung Quốc: Không úp mở với“Con đường tơ lụa”
Trong thời gian diễn ra chiến tranh Afghanistan, ba cường quốc nói trên coi Trung Á là khu vực xung đột nhưng khi cuộc chiến ở đây tạm dừng thì cả ba lại quan tâm nhiều đến tiềm năng kinh tế. Sự chuyển đổi này giúp Trung Á hội nhập nhanh với nền kinh tế toàn cầu và giúp ba cường quốc này thay đổi mối quan hệ, tìm cách hợp tác với nhau.
Trong chuyến thăm Kazakhstan hồi năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không úp mở công bố tầm nhìn Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa (SREB). Ngay sau đó, khái niệm Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI cũng được ông Tập đưa ra giới thiệu tại Jakarta, Indonesia. Sau đó kết hợp hai sáng kiến trên là một, cả trên đất liền lẫn trên biển thành ý tưởng "Một vành đai, một con đường” (OBOR). Ý tưởng này sẽ tạo ra những hành lang thương mại kết nối Đông Á và Đông Nam Á với các vùng còn lại của châu Á, châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Tầm nhìn của Trung Quốc còn bao gồm các việc phát triển tuyến đường sắt, đường bộ, đường không, đường biển và đường ống để phát triển các nền kinh tế dọc hành lang. Nguồn tài chính cho kế hoạch này do Quỹ Con đường tơ lụa cung cấp, trị giá 40 tỷ USD, và các tổ chức đa bên do Trung Quốc đứng đầu tham gia như Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) và Ngân hàng Phát triển mới (BRICS).
Với tầm nhìn này, Bắc Kinh hơn ai hết nhận thức khá rõ lợi ích khu vực Trung Á mang lại. Đặc biệt, SREB sẽ giúp Trung Quốc phát triển kinh tế ở khu vực Tân Cương nơi đang có nhiều vấn đề bất ổn chưa giải quyết được, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu tới khu vực Trung Á và nhiều lợi ích khác, góp phần gia tăng ảnh hưởng về kinh tế, chính trị của Trung Quốc tại khu vực, đồng thời giúp đối phó với ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực.
Nga: Bảo hộ thương mại, liên kết kinh tế Á - Âu
Nếu tầm nhìn của Trung Quốc là OBOR thì với Nga lại là liên kết kinh tế Á - Âu. Nga có cách tiếp cận hướng nội và bảo hộ thương mại, trọng tâm tới Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU) được thành lập từ tháng 1/2015. Tầm nhìn của Nga là muốn thành lập một khu vực Á - Âu do Nga lam trụ cột và coi đây như một cực trong trật tự đa cực mới của thế giới, tồn tại song song với hai cực là phương Tây do Mỹ dẫn đầu và châu Á được dự đoán do Trung Quốc dẫn đầu.
Không giống tầm nhìn của Trung Quốc hay của Mỹ, Nga xem EEU là bước đi quan trọng nhằm hoàn thiện giấc mơ Liên minh Á - Âu hợp nhất hơn, động lực để thúc đẩy hợp tác kinh tế và chính trị trong khu vực và giúp Nga tự bảo vệ mình trong bối cảnh thế giới đa cực. Nền tảng của EEU là một liên minh thuế quan, trong đó những thành viên EEU tiến hành cắt giảm thuế và nâng thuế đối với những thành viên không nằm trong EEU. Như vậy, những quốc gia nhỏ hơn trong EEU sẽ phải phụ thuộc hơn vào Nga. Mỹ phản đối việc thành lập Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU) coi đây là một dự định tái thiết lập một liên minh kiểu Liên Xô cũ.
Mỹ: Tự do hóa thị trường
Khác với Nga và Trung Quốc, tầm nhìn của Mỹ là thúc đẩy phát triển thương mại, khuyến khích sự tự do hóa thị trường và một nền chính trị đa đảng. Sáng kiến Con đường tơ lụa mới lần đầu tiên được nữ Ngoại trưởng Hillary Clinton đề xướng trong bài phát biểu tại Chennai, Ấn Độ. Sáng kiến này nhằm biến Afghanistan thời hậu chiến thành một trung tâm thương mại kết nối giữa Trung và Nam Á, tuy nhiên, do không có đủ các thông tin chi tiết và thiếu sự ủng hộ chính trị và tài chính ở trong nước lẫn khu vực Trung và Nam Á nên ý tưởng trên không trở thành hiện thực.
Mỹ hiện đang có kế hoạch cho ra đời một chiến lược mới về Trung Á. Theo thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken tiết lộ hồi cuối tháng 3/2015, thì Mỹ muốn Trung Á hội nhập dựa trên nguyên tắc đặc biệt giống như WTO. Theo đề xuất này, Mỹ muốn giảm sự chú ý của dư luận vào vấn đề Afghanistan mà thay vào đó là đề cao vai trò của kinh tế tư nhân.
Tiếng nói chung: Chuyện không đơn giản
Theo các chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và Viện Nghiên cứu hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) thì ở thời điểm hiện nay, triển vọng của ba cường quốc đều chưa rõ ràng. Lợi ích của khu vực Trung Á sẽ được phát huy tốt nhất nếu như ba cường quốc tìm cách hài hòa tầm nhìn, thay vì biến nơi đây thành một sân chơi cạnh tranh chiến lược.
Cũng phải nói thêm rằng để tìm được tiếng nói chung là chuyện không mấy đơn giản. Ví dụ trong sáng kiến AIIB của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối ngay lập tức của Mỹ. Mỹ luôn coi Trung Quốc có quyền lợi sát sườn với Trung Á, nếu hợp tác Washington sẽ không chiều được ông bạn khó tính đang muốn “bá quyền” này. Thậm chí Trung Quốc còn gợi ý Mỹ nên hợp tác với Trung Quốc tại lục địa Á - Âu để bù lại cho sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa họ tại khu vực phía Tây Thái Bình Dương.
Nếu hợp tác với Nga sẽ làm cho cả Mỹ lẫn Trung Quốc “khó ăn, khó nói”. Nga vẫn lo ngại về sự chênh lệch sức mạnh ngày càng tăng và những dự án hạ tầng của Trung Quốc có nguy cơ vượt mặt Nga. Chưa kể, căng thẳng giữa Nga và Mỹ về vấn đề Ukraine đã làm cho mối quan tâm của Mỹ đối với EEU và các nước trong khu vực nguội dần.
Tuy nhiên, theo giới thạo tin thì cơ hội phát triển Trung Á đang bị bỏ ngỏ, bởi các nước quá tập trung vào vấn đề an ninh ở Afghanistan. Bắc Kinh, Moscow và Washington vẫn cần một khu vực Trung Á thịnh vượng và ổn định. Vì vậy, ba cường quốc vẫn cần có sự hợp tác nhất định, sự hợp tác này còn có tác dụng giúp các quốc gia Trung Á tiếp cận nhanh với thương mại toàn cầu, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang hội nhập với tốc độ chóng mặt như hiện nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận