Sáng 4/9, tại phiên họp toàn thể thứ 13 của Uỷ ban Tư pháp, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội liên quan đến công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng.
Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, một trong những yêu cầu đầu tiên Trung ương đặt ra là phải thu hồi tài sản, phát hiện các hành vi tham nhũng gắn liền với các vi phạm.
Ông Lê Quý Vương phân tích, tham nhũng hay lẩn vào các vụ án kinh tế, có vi phạm về kinh tế mới ra tham nhũng được; tội phạm kinh tế và tham nhũng thường gắn với nhau và rất khó điều tra.
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, hành vi tham nhũng đã khó điều tra, nhưng việc đưa và nhận hối lộ còn khó chứng minh hơn. Bởi trong tham nhũng thì chủ yếu là tham ô. Hành vi phạm tội này dễ làm rõ bởi có sổ sách, hoặc căn cứ để các đối tượng lấy tiền chia nhau. Nhưng việc đưa hối lộ và nhận hối lộ rất khó chứng minh.
“Như vụ Mobifone, lực lượng điều tra và viện kiểm sát phải hết sức cố gắng. Vì xung quanh việc nhận và đưa hối lộ chỉ có người nhận, người đưa, chỉ có anh biết, tôi biết và trời biết nên rất khó. Trong quá trình này phải đấu tranh”, Tướng Vương lý giải.
Ngoài ra, ông cũng nhận định trong thương vụ Mobifone mua AVG, “các đối tượng rất thành khẩn”, nếu không sẽ gặp nhiều khó khăn để chứng minh hành vi phạm tội.
Ông Vương cũng cho biết chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là tập trung vào những vụ “tham nhũng vặt mà không vặt”. Dẫn chứng vụ thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt mới đây, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: “Mấy cán bộ thanh tra, một ngày xuống địa phương mà kiếm mấy tỷ. Trong một ngày hẹn bốn chục xã và công ty, cứ thế đưa phong bì rồi nhận đưa vào tủ, rất đơn giản. Đây không phải tham nhũng vặt”.
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp. HCM) phản ánh thực tế một số vụ rất to nhưng khi xử lại là tội cố ý làm trái hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn chứ không thấy tội tham nhũng. Chỉ vụ AVG có bị can bị khởi tố về tội danh liên quan tham nhũng, còn nhiều vụ nằm trong diện của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương cũng không thấy hành vi này.
Còn nguyên Chánh tòa Hình sự Nguyễn Đức Sáu cho biết suốt quá trình điều tra án tham nhũng và hình sự, đây là lần đầu tiên có bị can khai đã nhận hối lộ 3 triệu USD. “Đây là kết quả của quá trình đấu tranh bằng nhiều kỹ năng và thu thập chứng cứ tốt, giỏi", ông Sáu đánh giá.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra đại án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG và đề nghị truy tố 14 bị can với 3 tội danh: "Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng"; "Nhận hối lộ" và "Đưa hối lộ".
Theo kết luận điều tra, đầu năm 2015, ông Lê Nam Trà, thời điểm đó là Tổng Giám đốc, kiêm Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Mobifone làm văn bản gửi Bộ Thông tin và truyền thông xin phê duyệt chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình theo phương thức mua lại Công ty CP Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) do Phạm Nhật Vũ là Chủ tịch HĐQT.
Thời điểm này, ông Nguyễn Bắc Son làm Bộ trưởng, ông Trương Minh Tuấn giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông. Dưới sự chỉ đạo của ông Son, ông Tuấn đã ký quyết định phê duyệt đầu tư dự án với mức 8.900 tỉ đồng khi chưa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng.
Sau khi hoàn thành dự án, Mobifone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, ông Phạm Nhật Vũ đã đến nhà riêng đưa cho ông Son 3 triệu USD. Ngoài ra, ông Son còn nhận của ông Cao Duy Hải, cựu Tổng giám đốc Mobifone số tiền 200 triệu đồng dịp 30/4/2015 và 200.000 USD của ông Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone dịp Tết âm lịch 2016.
Ông Phạm Nhật Vũ cũng đã đến cơ quan Bộ Thông tin và truyền thông đưa cho ông Trương Minh Tuấn 200 ngàn USD. Ông Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch HĐTV Mobifone thừa nhận được ông Phạm Nhật Vũ "lót tay" 2,5 triệu USD; ông Cao Duy Hải, nguyên Tổng Giám đốc Mobifone cũng thừa nhận được ông Vũ "bôi trơn" 500 ngàn USD...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận