Tại cuộc tọa đàm “Cách nào đẩy nhanh tiến độ thu phí không dừng” do Báo Giao thông tổ chức hôm qua (2/4), hàng loạt câu hỏi liên quan tới các vấn đề đang được dư luận quan tâm như: Tài khoản giao thông có được trả lãi, kết nối giữa tài khoản giao thông và tài khoản cá nhân hay dòng tiền thu phí không dừng...
Tài khoản giao thông vì sao không được tính lãi?
Liên quan đến tài khoản giao thông có được tính lãi, ông Trần Văn Thế, Phó TGĐ Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đặt câu hỏi: Muốn lưu thông, khách hàng phải trả trước cho công ty thu phí không dừng bằng cách nạp tiền vào tài khoản giao thông. Lượng khách hàng trả tiền trước trên toàn quốc rất lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Vậy, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC có trả lãi cho người dùng không hay sẽ tính toán như thế nào việc sử dụng vốn này trong phương án tài chính?
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, theo quy định, VETC không phải tổ chức tín dụng nên không được phép trả lãi các khoản tiền người chuyển khoản trả trước cho VETC. Hơn nữa, người sử dụng chuyển tiền vào tài khoản trả trước để sử dụng dịch vụ trước hết phục vụ lợi ích cho chính người sử dụng dịch vụ đó, người sử dụng sẽ có nhiều lợi ích hơn so với thanh toán bằng tiền mặt. Vì khi đi qua trạm thu phí không dừng giúp giảm thiểu thời gian lưu thông, thời gian chờ cũng như giảm ô nhiễm môi trường.
Hiện, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho các trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ. Đây là tiền điện tử có hình thức trả trước và các công ty trung gian không được phép trả lãi. Liên quan đến phần lãi của VETC với ngân hàng, ông Sơn cho rằng, với một doanh nghiệp khi đầu tư vào hệ thống thu phí không dừng thì việc trả lãi hay không trả lãi với khoản tiền gửi tại ngân hàng là bình thường. Tương tự với trường hợp thu phí không dừng, việc người dân, người sử dụng chuyển tiền trả trước là chuyện bình thường, cũng giống như nạp tiền điện thoại trả trước cũng không được tính lãi.
Tiếp tục băn khoăn về doanh thu thu phí sau 1 ngày sẽ hoàn trả về nhà đầu tư BOT, ông Trần Văn Thế hỏi: Số tiền thu phí lên tới hàng nghìn tỷ, vậy tiền lãi qua đêm của số tiền này ai sẽ được hưởng? Đây là lãi phát sinh doanh thu là tiền của nhà đầu tư BOT, trong khi VETC chỉ là đơn vị cung cấp công nghệ thu phí nhưng lại được hưởng khoản lãi đó. Ai sẽ là người quản lý, thụ hưởng khoản lãi này?
Lý giải vấn đề này, ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC khẳng định, lãi suất của doanh thu thu phí là của nhà đầu tư. VETC chỉ là dịch vụ thu phí hộ. Hiện, VETC chuyển tiền cho nhà đầu tư BOT ngay trong ngày, không để qua đêm, nên các trạm thu phí 6h sáng chốt doanh thu, 9h sáng chuyển tiền cho chủ đầu tư BOT. Nếu chuyển tiền nhiều lần trong ngày, chi phí để tính toán và chuyển tiền sẽ quá lớn. Vì thế, trong quá trình đàm phán, VETC và các nhà đầu tư BOT đã thống nhất chốt doanh thu và chuyển tiền cho nhà đầu tư BOT 1 lần/ngày.
Ông Nghiêm Thanh Sơn cho biết thêm, với khoản lãi nếu có phát sinh, gọi là “lãi qua đêm”, lãi suất rất thấp. Các ngân hàng thương mại khác nhau có mức lãi suất khác nhau. Lãi suất tiền gửi không thời hạn bây giờ chỉ khoảng 0,1%/năm.
Nhà đầu tư có mất quyền kiểm soát?
Ông Trần Văn Thế cũng nêu ra nhiều bất cập khác khi bàn giao trạm thu phí cho VETC theo Quyết định 07 vào cuối năm nay. Ông Thế đặt câu hỏi: Trách nhiệm giải quyết phát sinh trong quá trình vận hành, quản lý trạm thu phí sẽ thế nào? Bản thân VETC cũng là một doanh nghiệp. Nếu VETC không có đủ tiền thanh toán với ngân hàng trong trường hợp các khoản nợ đầu tư công nghệ thu phí không dừng thì liệu có chuyện VETC sử dụng tiền có sẵn trong tài khoản của khách hàng trả cho ngân hàng hay không?
Trả lời cho băn khoăn này, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư PPP (Bộ GTVT) cho rằng, nhiều nhà đầu tư hiểu là chuyển cho VETC thì mất quyền kiểm soát trạm và chuyển tài khoản tại ngân hàng. Tôi khẳng định không có chuyện đó vì trạm vẫn thuộc kiểm soát của nhà đầu tư. Ở đây chỉ bàn giao dịch vụ thu phí, áp dụng công nghệ vào, sử dụng công nghệ không dừng. Còn trạm vẫn thế chấp ngân hàng vay vốn, nên nay phải phối hợp các bên để thực hiện thu phí. Việc giải quyết ùn tắc tại trạm còn quan trọng hơn. Nên lúc bàn giao phải thể hiện rõ ràng trong hợp đồng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, hiện nhiều nhà đầu tư băn khoăn khi VETC xuất hiện, thẩm quyền của mình còn đến đâu, chủ động hay không. Tôi khẳng định, Chính phủ, xã hội đang rất cần minh bạch trong thu phí. Nguồn thu không chỉ được một chủ thể quản lý mà là nhiều chủ thể, trong đó có cả sự quản lý giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước.
“Chúng ta đang làm đúng chỉ đạo của Chính phủ, ngoài nhà đầu tư còn có ngân hàng, người dân giám sát. Đã đến lúc phải công khai minh bạch, rõ ràng rành mạch để dư luận xã hội giám sát và khi nói đến BOT không còn gì gợn nữa. Với VETC, trước đây cơ chế chưa thực sự rõ ràng. Vừa qua, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng ban hành cơ chế để VETC được hưởng chi phí tổ chức thu từ nguồn độc lập, được trích từ doanh thu thu phí của dự án, không liên quan và ảnh hưởng gì đến quyền lợi của các nhà đầu tư BOT”, Thứ trưởng Thọ nói.
Liên quan đến việc kiểm soát dòng tiền, nguyên tắc chuyển tiền giữa VETC và nhà đầu tư, Thứ trưởng Thọ cho rằng, đây là vấn đề sẽ tiếp tục bàn bạc để đi đến thống nhất cuối cùng, nhưng mục tiêu phải hoàn thành được thu phí không dừng đúng thời hạn Thủ tướng giao, nhưng cũng tạo thuận lợi nhất cho tất cả các chủ thể, từ nhà đầu tư, ngân hàng, người dân.
“Chúng ta cũng chấp nhận có một giai đoạn quá độ để hoàn thiện, khi chuẩn rồi sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Khó mà bàn sẽ ra việc. Khó mà không bàn, không làm thì sẽ là rào cản. Trong quá trình triển khai, vấn đề gì chưa đầy đủ, chưa phù hợp, phải bổ sung, hoàn thiện. Trước đây, phí dịch vụ của VETC, chúng ta giao VETC thoả thuận với nhà đầu tư để hưởng chi phí. Tuy nhiên, điều này ảnh hưởng đến nhà đầu tư nên chúng tôi kiến nghị có cơ chế riêng. Còn dòng tiền chuyển như thế nào, nhà đầu tư, ngân hàng và VETC phải thống nhất để sao cho hiệu quả nhất”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Ông Nguyễn Viết Thanh, Phó Vụ trưởng vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Đường bộ VN:
Tháo gỡ vướng mắc trong Quyết định 07
Sau thời gian thực hiện dự án, Tổng cục Đường bộ VN nhận thấy một số nội dung trong Quyết định 07 của Thủ tướng không còn phù hợp, hiện tổng cục đang đề xuất sửa đổi một số nội dung để tăng trưởng lượng phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí không dừng. Trong đó, tập trung vào 3 nội dung như: Nghiên cứu sử dụng tài khoản thu phí theo cả 2 hình thức vừa trả trước vừa trả sau.
Đối với thắc mắc của người dân về liên thông tài khoản giao thông và tài khoản cá nhân, Tổng cục Đường bộ VN đang nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của NHNN. Theo đó, NHNN cần ban hành các quy định hướng dẫn về mở tài khoản thu phí thế nào, liên kết tài khoản ra sao và xử lý lãi phát sinh ở các tài khoản thế nào?... Chúng tôi mong NHNN sẽ có hướng dẫn, quy định cụ thể. Cùng với đó, nhằm nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông khi sử dụng dịch vụ thu phí không dừng thì có nghiên cứu các làn ưu tiên và các phương tiện dán thẻ thì được lưu thông trên làn đó.
Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP thanh toán quốc gia
Việt Nam:
Kết nối với trung gian thanh toán Napas
Hiện, VETC chưa phải là trung gian thanh toán. Chúng tôi chỉ kết nối VETC với tư cách là doanh nghiệp, có vai trò là đơn vị chấp nhận thanh toán. Nếu là trung gian thanh toán, chúng tôi có thể hỗ trợ VETC nhiều hơn nữa.
Như vậy, VETC có thể kết nối với Napas với vai trò có thể là đơn vị thanh toán ví điện tử để quản lý tài khoản thanh toán phí. Hành lang pháp lý quản lý tiền trong ví điện tử của VETC sẽ tốt hơn, có khung pháp lý. Hướng này sẽ giải toả được băn khoăn của nhà đầu tư BOT.
Ông Trần Văn Thế, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả:
Hiệu quả chưa cao vì thói quen dùng tiền mặt
Chúng tôi khẳng định hoàn toàn không có chuyện các nhà đầu tư không muốn áp dụng công nghệ thu phí không dừng. Về chủ trương của Chính phủ, Nhà nước trong việc áp dụng công nghệ thu phí mới, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Công nghệ này giúp tránh được những bất cập của việc thu phí thủ công hiện nay như ùn tắc giao thông, chi phí nhân công nhiều và đảm bảo văn minh, thuận tiện cho người tham gia giao thông.
Trong việc triển khai dự án thu phí không dừng trên toàn quốc nảy sinh một số bất cập như người dân có thói quen tiêu dùng tiền mặt rất lớn. Do đó, cần tính toán lộ trình phù hợp chuyển đổi từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán qua tài khoản.
Hải Nam (Ghi)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận