Không áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro về lưu lượng
Ông Lê Đức Thọ - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn CIENCO4: Quốc hội đã thông qua Luật PPP, vậy các quy định của Luật này có được áp dụng vào hồ sơ mời thầu các dự án cao tốc Bắc - Nam hay không?.
Ông Lê Kim Thành - Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT): Theo quy định tại khoản 3, điều 101, Luật PPP, trường hợp đã có kết quả lựa chọn nhà đầu tư nhưng việc đàm phán ký kết hợp đồng được thực hiện sau ngày Luật PPP có hiệu lực (từ 1/1/2021) thì cơ quan ký kết hợp đồng có trách nhiệm tổ chức đám phán, ký kết hợp đồng căn cứ vào kết quả lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ dự thầu, hồ sơ mời thầu theo quy định của Luật này nhưng không dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư và báo cáo nghiên cứu khả thi đã được duyệt.
Như vậy, nếu chúng ta ký kết hợp đồng sau thời điểm Luật PPP có hiệu lực sẽ tiến hành đàm phán các nội dung chưa phù hợp, tuy nhiên, tất cả nội dung đàm phán không làm thay đổi chủ trương đầu tư và báo cáo nghiên cứu khả thi đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Ông Dương Văn Mậu - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex): Luật PPP có quy định về chia sẻ rủi ro của dự án PPP, tuy nhiên, trong hồ sơ mời thầu chưa có bất kỳ nội dung nào liên quan đến vấn đề này, đề nghị Bộ GTVT làm rõ?
Ông Lê Kim Thành: Luật PPP ra đời nhưng tại Điều 82 của Luật có quy định, nếu dự án muốn được chia sẻ rủi ro thì phải được đưa vào phê duyệt từ bước chủ trương đầu tư, nhưng các dự án của chúng ta không nằm trong quy định đó. Chúng tôi phải trả lời thẳng thắn là các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam không được áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro về lưu lượng. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã làm rất kỹ càng các số liệu đầu vào, kiểm soát chặt chẽ từng công đoạn của dự án.
Vấn đề rủi ro khác được các nhà đầu tư quan tâm là khi đưa vào khai thác, dự án này hoàn thành sớm, dự án kia hoàn thành muộn ảnh hưởng thế nào đến phương án tài chính. Phải nói thẳng, khi phân chia dự án, chúng tôi đã tính toán, dự án nào hoàn thành trước cũng sẽ đủ điều kiện để vận hành khai thác độc lập mà không phụ thuộc vào các dự án bên cạnh. Việc này đã được Bộ GTVT xem xét, tính toán từ bước nghiên cứu khả thi, mỗi dự án dài 50km, 70km, 100km đều được thiết kế các nút giao phù hợp ra QL1 đảm bảo đủ điều kiện để khai thác độc lập.
Ông Dương Văn Mậu: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nếu nhà đầu tư, ngân hàng tổ chức đo đếm lưu lượng xe trong thời điểm này thì kết quả sẽ càng xấu đi vì thời điểm này lượng xe đi lại trên đường rất ít. Đề nghị Bộ GTVT xem xét cấp hồ sơ gốc về kết quả đo đếm lưu lượng xe của các dự án cao tốc Bắc - Nam cho các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu?
Ông Lê Kim Thành: Ngay ở bước nghiên cứu khả thi, tư vấn đã tiến hành nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học là các thuật toán, phần mềm để xác định lưu lượng xe phân lưu và cập nhật lại ở bước thiết kế kỹ thuật. Đơn vị tư vấn đã rà soát và khẳng định lại tính chính xác của các số liệu trước khi phê duyệt phương án tài chính để mời thầu nhà đầu tư. Qua đây, tôi đề nghị các ban quản lý dự án, bên mời thầu cung cấp hồ sơ về dữ liệu đếm xe cho các nhà đầu tư. Chúng ta công khai chứ không có gì phải giấu diếm. Đòi hỏi của nhà đầu tư là hoàn toàn chính đáng, bởi đây là một bộ phận của hồ sơ mời thầu.
Tăng phí đúng lộ trình theo hồ sơ mời thầu
Ông Phùng Tiến Thành - Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả: Vấn đề các ngân hàng tài trợ tín dụng hiện đang quan tâm đến các tồn tại cũ tại các dự án BOT giao thông mà các nhà đầu tư đã từng tham gia. Bộ GTVT sẽ xử lý các vướng mắc, tồn tại của các dự án BOT giao thông thế nào?
Ông Lê Kim Thành: Bộ GTVT đang tập trung xử lý các vấn đề tồn tại của BOT giao thông trong thời gian qua. Ngày 9/7/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tổ chức họp về vấn đề này. Hiện nay, Bộ GTVT đang hoàn thiện báo cáo cuối cùng để trình Thủ tướng Chính phủ xử lý triệt để các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc của các dự án BOT giao thông.
Ông Phùng Tiến Thành: Các dự án BOT giao thông trước đây, trong hợp đồng đã quy định rõ giá vé và lộ trình tăng phí 3 năm/lần nhưng thực tế điều này không được thực hiện đúng theo cam kết từ phía cơ quan nhà nước. Sắp tới, các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam thực hiện thế nào?
Ông Lê Kim Thành: Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam, trong Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội và Nghị quyết 20/2018 của Chính phủ đã khẳng định rõ là xác định giá vé cho từng thời điểm, có điểm khởi đầu và điểm kết thúc, ở từng giai đoạn sẽ có bước nhảy. Hiện nay, trong phương án tài chính của các dự án, bên mời thầu khi phê duyệt đều theo đúng theo lộ trình bước nhảy đó. Chúng ta sẽ áp dụng theo đúng quy định của hợp đồng.
Nhà đầu tư được toàn quyền sử dụng giá trị dự phòng
Ông Muôn Văn Chiến - Phó Tổng giám đốc Công ty CP FECON: Đơn giá vật tư, vật liệu đưa vào trong hồ sơ mời thầu cao tốc Bắc - Nam rất thấp so với mặt bằng thị trường bởi thời điểm phê duyệt phương án tài chính các dự án, nhiều loại nguyên liệu đầu vào chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến giá xuống rất thấp, thậm chí xăng dầu lúc đó chạm đáy. Đề nghị Bộ GTVT cập nhật lại giá vật liệu xăng dầu, nhựa đường và các vật liệu khác tại thời điểm 28 ngày trước ngày đấu thầu.
Ông Nguyễn Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải: Hệ số trượt giá trong xây dựng được lấy từ giá trị của những năm gần nhất để tính cho các năm tiếp theo. Dự phòng trượt giá của các dự án cao tốc Bắc - Nam quy định từ 3 – 5% là quá thấp, điều này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư. Chúng tôi đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh nội dung này trong hồ sơ mời thầu theo hướng giá cả sau này đi lên hay giảm xuống đều được điều chỉnh phương án tài chính, để nhà nước không bị ảnh hưởng và nhà đầu tư cũng không bị thiệt.
Ông Lê Kim Thành: Trong các quy định của pháp luật, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP có thể tổ chức được ngay ở bước nghiên cứu khả thi, thậm chí là tiền khả thi. Tuy nhiên, đối với các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đã làm rất kỹ lưỡng, xong thiết kế kỹ thuật và dự toán mới tổ chức đấu thầu. Số liệu ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật đã chính xác hơn rất nhiều và giá trị dự phòng trượt giá của từng dự án dự kiến từ 3 - 5% được xây dựng căn cứ trên các số liệu thống kê.
Các nhà đầu tư đề nghị cập nhật lại giá dự toán trước 28 ngày mở thầu, điều này quy định của pháp luật không cấm. Tuy nhiên, khi cập nhật lại giá trị dự toán có thể tăng lên hoặc giảm xuống, chính vì thế chúng ta đã có phần dự phòng khối lượng ở trong đó. Cái này hoàn toàn khác với đấu thầu xây lắp, bởi dự phòng khối lượng trong đấu thầu xây lắp chỉ sử dụng khi được cấp thẩm quyền phê duyệt vào hạng mục gì đó khi thay đổi trong quá trình thực hiện. Nhưng dự phòng trong các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam là trọn gói.
Nhà đầu tư toàn quyền được sử dụng trong quá trình thi công, không phải hỏi ai cả, khi đã đấu thầu là lời ăn lỗ chịu. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã có ý kiến, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các ban quản lý dự án, tư vấn rà soát cập nhật lại dự toán để xem mức độ thay đổi thế nào, có cần thiết phải điều chỉnh hay không.
Trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư làm cao tốc Bắc - Nam
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, hiện nay, Bộ GTVT đang tập trung xử lý các vấn đề tồn tại của BOT giao thông trong thời gian qua. “Chúng tôi đang hoàn chỉnh hồ sơ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý triệt để những vướng mắc của các dự án BOT giao thông”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, sắp tới, Bộ GTVT tiếp tục làm việc với các ngân hàng để hỗ trợ nguồn vốn tín dụng cho các dự án PPP cao tốc Bắc – Nam. “Đây là dự án trọng điểm quốc gia, công tác GPMB đã xong 87%, dự kiến hoàn thành toàn bộ trong tháng 10/2020. Chúng tôi cam kết khi nhà đầu tư trúng thầu là có đầy đủ mặt bằng triển khai thi công các dự án. Sau một tháng nữa, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đối thoại, trao đổi với các nhà đầu tư. Bộ GTVT hết sức cầu thị, lắng nghe và luôn trải thảm đỏ để các nhà đầu tư tham gia vào dự án cao tốc Bắc - Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận