Giao thông

Tường minh nhiều câu hỏi về BOT giao thông

03/06/2016, 09:08

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường và các đại biểu tham dự đã giải đáp thỏa đáng nhiều vấn đề được dư luận quan tâm...

1
Trong năm 2016, các trạm thu phí trên QL1, 14 sẽ hoàn toàn thực hiện thu phí tự động không dừng. Khi đó việc kiểm soát tiền thu được sẽ chính xác tuyệt đối (Trạm thu phí không dừng Km 604+700 QL1, Quảng Bình thu phí hoàn vốn Dự án BOT mở rộng QL1 qua Quảng Bình) - Ảnh: Tiến Mạnh

Chủ trì buổi tọa đàm trực tuyến “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý các dự án BOT giao thông” do Báo Giao thông tổ chức chiều qua (2/6), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường và các đại biểu tham dự đã giải đáp thỏa đáng nhiều vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua về suất đầu tư, quy trình lựa chọn nhà đầu tư,… đến công tác kiểm soát nguồn thu tại các trạm thu phí BOT.

Không có chuyện dự án BOT bị đội vốn

Trả lời câu hỏi của độc giả về việc các công trình BOT có bị đội vốn hay không? Và vì sao suất đầu tư của các dự án BOT lại cao hơn các công trình sử dụng ngân sách dù cùng quy mô, tiêu chuẩn thiết kế, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, quy trình đầu tư dự án BOT giao thông được thực hiện rất bài bản, chặt chẽ ở tất cả công đoạn, từ công tác lập danh mục đầu tư, công bố danh mục các dự án chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, triển khai xây dựng, nghiệm thu công trình đến quá trình dự án đi vào khai thác vận hành.

“Quy trình đầu tư các dự án BOT không khác gì các công trình sử dụng vốn ngân sách. Tất cả các khâu thiết kế, thi công, định mức dự toán, công tác thanh tra, kiểm toán,… của dự án BOT đều được các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt, nhà đầu tư chỉ việc thực hiện. Do vậy, không có chuyện dự án BOT bị đội vốn so với tổng mức đầu tư được phê duyệt”, Thứ trưởng Trường khẳng định.

Đề cập tới suất đầu tư của các dự án BOT, theo Thứ trưởng Trường, để triển khai một dự án BOT, thông thường nhà đầu tư sẽ góp vốn chủ sở hữu từ 10-20% trong tổng mức đầu tư, còn lại 80-90% là vốn của ngân hàng tài trợ tín dụng. “Phương án tài chính của các dự án BOT bao gồm cả chi phí lãi suất rất lớn của ngân hàng, trong khi với dự án sử dụng ngân sách sẽ không phải chịu lãi suất này, nên suất đầu tư BOT sẽ cao hơn so với công trình sử dụng ngân sách cùng quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật”, Thứ trưởng Trường lý giải.

Về cách thức lựa chọn nhà đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, giai đoạn trước khi Nghị định 108 về đầu tư theo hình thức BOT được Chính phủ ban hành, có rất ít dự án giao thông được triển khai bởi không hấp dẫn nhà đầu tư. Kể từ khi Nghị định 108 có hiệu lực, Bộ GTVT đưa ra nhiều danh mục dự án và có tính hấp dẫn hơn, nhưng thực tế vẫn không có nhiều nhà đầu tư tham gia. Thậm chí, 10 dự án được công bố nhưng chỉ có 8 nhà đầu tư tham gia, khi đó, Bộ GTVT phải tiến hành đánh giá, xem xét năng lực để lựa chọn nhà đầu tư cho dự án.

“Sau này, với các dự án BOT có thêm nhiều nhà đầu tư đăng ký tham gia hơn, Bộ GTVT tiến hành xem xét, đánh giá năng lực tài chính, năng lực thi công của từng nhà đầu tư. Lúc này, nhiều đơn vị có tiềm lực mạnh về tài chính liên danh với đơn vị có năng lực thi công tốt thành liên danh làm nhà đầu tư để thực hiện một dự án. Hình thức này diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua”, Thứ trưởng nói và khẳng định, việc lựa chọn nhà đầu tư đều rất minh bạch trên cơ sở tự nguyện.

“Bộ GTVT không thể bắt các nhà đầu tư làm dự án BOT, bởi doanh nghiệp phải nhìn thấy lợi nhuận họ mới tham gia. Chẳng hạn, Bộ GTVT đã kêu gọi các nhà đầu tư triển khai các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam nhưng đến nay không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia. Vì thế, thời gian tới, Bộ GTVT phải nghiên cứu đầu tư các dự án theo hình thức PPP theo hướng tăng tỷ lệ vốn góp của Nhà nước để hấp dẫn các nhà đầu tư”, Thứ trưởng Trường nhấn mạnh.

2

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường lần lượt giải đáp các câu hỏi tại buổi tọa đàm trực tuyến - Ảnh: Ngô Vinh 

Thu phí BOT được kiểm soát chặt chẽ

Liên quan đến các câu hỏi về sự thiếu minh bạch trong quản lý thu phí các dự án BOT, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, thời gian qua, các trạm thu phí BOT đã được áp dụng theo công nghệ thu phí một dừng, sử dụng mã vạch hiện đại. “Công nghệ này có thể lưu trữ kiểm soát được các loại xe qua trạm, biển số xe, chủng loại xe, mệnh giá vé. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thanh tra, kiểm soát hậu kiểm và bản thân các nhà đầu tư muốn kiểm soát doanh thu để thu hồi vốn”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, Tổng cục Đường bộ VN cũng thường xuyên tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo minh bạch doanh thu tại các dự án. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Khoa học - Công nghệ tiến hành kết nối các trạm thu phí trong cả nước qua phần mềm để đưa doanh số từ các trạm thu phí lên trang web của Tổng cục để người dân theo dõi, giám sát.

Cho ý kiến về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện có 4 cơ quan theo dõi, giám sát quá trình thu phí hoàn vốn tại các trạm thu phí BOT gồm: Bộ GTVT, ngân hàng tài trợ vốn, nhà đầu tư và các cơ quan thuế. Ngoài ra, các cơ quan chức năng khác như: Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính… thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra giám sát, vì thế chúng ta không phải quá lo lắng về việc thất thoát thu phí.

“Trong hoạt động kinh tế, doanh nghiệp bao giờ cũng muốn đạt được doanh thu cao nhất, nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là phải kiểm soát chặt doanh thu tại các dự án. Đối với công nghệ thu phí một dừng, thông qua phần mềm có thể biết được có bao nhiêu xe đi qua trạm, loại xe gì và thu bao nhiêu tiền đều có thể kiểm soát được. Vé không xé chỉ giúp cho nhà xe, chứ không thể quay vòng được. Công nghệ một dừng đã kiểm soát khá chặt chẽ số lượng xe ra vào tại các trạm thu phí BOT. Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai thu phí không dừng, công nghệ này không có sự can thiệp của con người nên không thể thất thoát một xu nào khi xe qua trạm”, Thứ trưởng Trường nói.

Trả lời câu hỏi của độc giả về việc đi đường cải tạo nâng cấp hay đi đường làm mới hoàn toàn cũng bị thu 35.000 đồng, vì đâu có sự bất hợp lý này? Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, rất chia sẻ với băn khoăn về mức phí dự án BOT từ người dân. Bộ Tài chính ban hành mức khung thu phí đối với từng dự án cụ thể dựa trên cơ sở tính toán từng chi phí đầu tư, lưu lượng phương tiện để đảm bảo phương án thu hồi vốn. Dự án làm mới hay tăng cường (thảm mặt đường) đều là hoạt động đầu tư được tính toán trên cơ sở phí đầu tư và lưu lượng và thời gian thu phí cụ thể.

Ở một góc độ khác, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, hợp đồng BOT có 3 vai, thứ nhất là cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương. Vai thứ hai là chủ đầu tư. Vai thứ ba, người sử dụng công trình BOT này. Vậy chủ đầu tư muốn gì khi đầu tư dự án BOT? “Nếu tỷ suất lợi nhuận BOT như các doanh nghiệp BOT nói, thì họ làm BOT chẳng qua là do thời điểm đó không có dự án nào cho tỷ suất lợi nhuận cao hơn, cực chẳng đã mới làm BOT. Vậy khi có dự án cho tỷ suất lợi nhuận cao hơn, đương nhiên doanh nghiệp bỏ BOT, khi đó ngành GTVT lại phải loay hoay tìm chủ đầu tư cho BOT. Đây là chủ đầu tư trong nước, chưa nói các anh nước ngoài, chưa nói tới PPP là câu chuyện phức tạp hơn. Do đó, tôi cho rằng nên có cơ chế đảm bảo lợi ích hài hòa giữa cả ba vai”, ông Ánh nói. 

3

 

Ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT CTCP TASCO:
Sợ thất nghiệp nên mới làm BOT

Thời gian qua, vốn ngân hàng không ai vay, không ai làm gì thì các nhà đầu tư mới quan tâm đến các dự án BOT giao thông. DN đi làm để lấy công làm lãi, khai thác nhân công, không bị thất nghiệp thôi. Chứ lợi nhuận tính cho nhà đầu tư chỉ khoảng 10 - 12% trên vốn chủ sở hữu là không hấp dẫn. Do đó, với các dự án BOT chúng tôi phải quản lý chặt chẽ, khắt khe hơn nhiều so với các dự án ngân sách mới có thể có lãi. Trong thời điểm khó khăn, chúng tôi chấp nhận làm BOT để có việc làm, dù lợi nhuận thấp, công sức bỏ ra nhiều. Tôi khẳng định, các dự án BOT hiện đang được quản lý rất chặt chẽ. Mỗi dự án BOT đều được kiểm toán Nhà nước, các cơ quan thanh tra kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ nên không thể xảy ra thất thoát.

4

 

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cienco4:
Không có chuyện ăn gian ở dự án BOT

Có những công trình giao thông phải mất 10 năm mới quyết toán được nên dự án mới làm xong không thể nói là đội vốn được. Khi dự án có giá trị cuối cùng, các cơ quan chức năng mới có cơ sở điều chỉnh thời gian thu phí và mức phí. Vì thế không thể nói có chuyện ăn gian ở đây.

Chúng tôi đang muốn tiếp tục triển khai các dự án BOT, nhưng nếu tình hình như thế này thì rất lo. Thời gian thu phí có thể chậm, kéo dài ra, nhưng các chính sách phải ổn định, chắc chắn để nhà đầu tư yên tâm. Chúng tôi khẳng định, nếu làm sai gì, cơ quan kiểm toán, quản lý Nhà nước cứ thanh tra, xử lý. Chúng tôi cũng mong cơ quan báo chí cần có cách nhìn khách quan, đánh giá đầy đủ, toàn diện cả về cơ chế, chính sách của Nhà nước để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

5

 

Ông Lê Quỳnh Mai, Phó Tổnggiám đốc CT CP đầu tư Đèo Cả: 
Đề xuất thu phí theo đặc thù từng công trình

Công ty CP Đầu tư Đèo Cả là nhà đầu tư các dự án hầm đường bộ có quy mô, suất đầu tư rất lớn, thời gian thu phí rất dài nên có tính chất rất khác các dự án BOT khác. Điều này cũng khiến nhà đầu tư phải đối mặt với những bất lợi lớn hơn các nhà đầu tư khác. Vì thế, chúng tôi đề xuất xem xét việc thu phí theo đặc thù của từng công trình thay vì mặt bằng chung như hiện nay. Công trình nào phức tạp, mức đầu tư lớn phải khác so với các công trình đơn giản, mức đầu tư thấp hơn.

Đ.Q

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.