Chương trình diễn ra tại chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), được phát sóng trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Ninh Bình và tiếp sóng ở một số đài truyền hình địa phương khác.
Vì hạnh phúc của người ở lại
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, chủ trì buổi lễ. Ngoài ra, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và hơn 2.500 người dân, học sinh, sinh viên, người thân bị TNGT trên địa bàn tỉnh cũng tham dự.
Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết: "Mỗi năm, hàng triệu người trên khắp thế giới đã phải lìa xa gia đình, bạn bè, người thân trong những TNGT bất ngờ. Tại Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm, có hơn 9.061 người ra đi, không trở về nhà chỉ vì TNGT.
Tai nạn giao thông là kẻ thù và sau những vụ TNGT là những câu hỏi "giá như". Giá như đi đúng phần đường, giá như không lạng lách, đánh võng, giá như không sử dụng rượu bia, giá như không phóng nhanh vượt ẩu... giá như, giá như. Và giá như những câu hỏi đó thành hiện thực để không phải hỏi giá như".
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nêu rõ, những bi kịch của TNGT sẽ không dừng lại nếu chúng ta không hành động mạnh mẽ hơn.
Một hành động nhỏ, một quyết định đúng đắn như không lái xe khi đã uống rượu bia; tuân thủ giới hạn tốc độ; không phóng nhanh, vượt ẩu; không sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện; nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông - tưởng chừng như đơn giản nhưng có thể cứu sống một mạng người, giữ lại hạnh phúc cho một gia đình.
ATGT không chỉ là trách nhiệm của những người thực thi pháp luật, mà là sự lựa chọn của mỗi chúng ta, để từ đó xây dựng xã hội an toàn, nhân văn hơn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu Bộ Công an, Bộ GTVT tập trung hoàn thiện Luật Đường bộ, Luật TTATGT. Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, nhất là sử dụng rượu bia khi lái xe, đua xe, phóng nhanh vượt ẩu.
Từ năm 2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức công nhận và chọn Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hằng năm là "Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông" trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, lần đầu tiên Ủy ban ATGT Quốc gia phát động kế hoạch hưởng ứng "Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông" là 19/11/2012, từ năm 2013 đến nay được tổ chức thường niên trong phạm vi cả nước.
Đây là năm thứ 13 chương trình tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT được tổ chức tại Việt Nam, mong muốn bày tỏ sự xót thương sâu sắc với các nạn nhân, gia đình nạn nhân và lan tỏa thông điệp an toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có kế hoạch tuyên truyền, xây dựng gia đình văn hóa giao thông, làng, xóm văn hóa, trường học văn hoá...
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các ngành chức năng tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, liên kết vùng, tạo mạch thông suốt, tích cực xóa điểm đen.
Ở khu vực đô thị, đầu tư phát triển tiện ích giao thông công cộng; áp dụng trí tuệ nhân tạo trong việc phát hiện, xử lý các vi phạm giao thông. Nghiêm cấm hành vi can thiệp vào xử lý vi phạm giao thông.
"Thay mặt Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tôi xin gửi lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc nhất đến tất cả gia đình có thân nhân không may tử vong do TNGT tại Việt Nam. Tôi kêu gọi mỗi người chúng ta hãy cùng giúp đỡ, sẻ chia, cùng chung tay xoa dịu những nỗi đau mà tai nạn giao thông đã gây ra cho các nạn nhân và gia đình của họ.
Vì niềm xót thương những người đã mất, từng người một, chúng ta hãy chấp hành luật lệ, hãy lái xe có trách nhiệm, hãy làm gương để những thế hệ tương lai có thể sống trong môi trường giao thông lành mạnh, an toàn hơn", Phó Thủ tướng nói.
Hãy thượng tôn pháp luật
Tại buổi lễ tưởng niệm, chương trình hoạt cảnh lồng ghép lời hát "Ba kể con nghe" để lại nhiều cảm xúc. Tiết mục được lấy cảm hứng xây dựng từ câu chuyện tình cảm gia đình với sự song hành trên từng bước đường đời của một đứa trẻ luôn có hình bóng của người cha, người mẹ.
Thông qua những lời ca tiếng hát mộc mạc trên nền đệm đàn ghita, những dấu chân ký ức từ thời thơ ấu cho tới khi trưởng thành hiện lên đầy tình cảm tựa như tình yêu và ước mơ về một tương lai dành cho đứa con của những bậc làm cha, mẹ.
Tiếp đến, phóng sự ngắn kể về câu chuyện đau lòng của gia đình bà Nguyễn Thị Phượng (ở Hà Nội), khi vụ TNGT ập đến gia đình bà hôm 3/11 vừa qua. Con gái bà Phương vừa tròn 27 tuổi, tham gia giao thông thì bất ngờ bị nhóm "quái xế" tông, dẫn tới tử vong.
"Bố mẹ không còn cơ hội gặp con nữa. Nuôi cháu được hai mươi mấy năm nay. Từ nhỏ cho đến lớn, lúc nào cháu cũng tâm sự với mẹ. Nhưng giờ đây, không được nghe tiếng con gọi mẹ ăn cơm. Gia đình dự định sang năm tổ chức đám cưới cho con nhưng giờ đều dang dở. Tôi không thể chấp nhận sự thật này", bà Phượng nghẹn ngào trong nước mắt.
Một câu chuyện khác về "quái xế" 17 tuổi cùng nhóm bạn chạy xe lạng lách trên đường, gây tai nạn. Đến nay, thanh niên này, ngoài bị thương ở chân, còn phải đối diện mức án tù.
Câu chuyện về gia đình trong lễ tưởng niệm khiến mọi người đều xúc động song cũng là lời nhắc nhở mỗi cá nhân cần thượng tôn pháp luật, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về TTATGT, để ngăn những nỗi đau do TNGT gây ra.
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 10 tháng đầu năm 2024, toàn quốc xảy ra 19.711 vụ TNGT, làm chết 9.061 người, bị thương 14.685 người. So với 10 tháng đầu năm 2023, tăng 1.334 vụ (7,26%), giảm 844 người chết (-8,52%), tăng 2.137 người bị thương (17,03%).
Những con số "biết nói" và đau lòng này thực sự khiến chúng ta phải nghiêm túc suy ngẫm. Mỗi ngày vẫn còn rất nhiều người ra khỏi nhà nhưng vĩnh viễn không được trở về. Nhiều người mang thương tật suốt đời. Không ít gia đình hạnh phúc, ấm êm bỗng lâm vào thảm cảnh vợ chồng chia lìa, cha mẹ mất con, trẻ thơ côi cút... chỉ vì TNGT.
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cho biết, đây là sự kiện rất nhiều ý nghĩa, nhân văn và thiết thực, là dịp để tưởng nhớ những người không may qua đời khi tham gia giao thông, nhắc nhở chúng ta về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống, cũng như kêu gọi sự chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng đến những nạn nhân và gia đình nạn nhân tai nạn giao thông.
Mỗi người hãy tự giác, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về TTATGT; từng gia đình, nhà trường cần giáo dục con em mình ngay từ khi còn bé về ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông, vì an toàn cho bản thân và cho cộng đồng, vì tương lai của con cháu mình, vì sự phát triển của quê hương, đất nước, xây dựng môi trường tham gia giao thông an toàn và văn minh.
"Nhân dịp này, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới tất cả gia đình nạn nhân bị tử vong vì tai nạn giao thông. Hãy vì niềm thương cảm những người đã mất mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống. Hãy hành động và vận động người thân, bạn bè, cộng đồng cùng hành động với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại", nhằm mục tiêu tính mạng con người là trên hết", ông Ngọc nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận