Chiều nay (3/1), Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.
Trung tướng Tô Ân Xô –-Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an
Tại đây, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin về tiến độ điều tra 2 vụ trọng án là Việt Á và chuyến bay giải cứu.
Theo ông Tô Ân Xô, vụ án Việt Á và chuyến bay giải cứu, cơ quan điều tra sẽ cố gắng phấn đấu kết thúc điều tra trong quý 1/2023.
Người phát ngôn Bộ Công an cũng cho biết, vụ Việt Á đến nay đã khởi tố 29 vụ với 102 bị can, vụ chuyến bay giải cứu đến nay đã khởi tố 39 bị can.
Số tiền đã bị kê biên, phong tỏa các bị can đã nộp để khắc phục hậu quả là: Vụ Việt Á hơn 1,6 nghìn tỷ đồng; vụ chuyến bay giải cứu là 80 tỷ đồng.
"Rất nhiều khả năng số bị can của 2 vụ án này sẽ tăng trong thời gian tới", ông Xô nói.
Phát hiện nhiều sai phạm trong cấp giấy chứng nhận đăng kiểm
Cũng tại buổi họp báo, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, cơ quan điều tra đã phát hiện nhiều sai phạm, tiêu cực trong việc cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cho các phương tiện tại nhiều trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.
Tại TP. HCM, cơ quan công an đã điều tra 12 trung tâm đăng kiểm và khởi tố 6 vụ án. Các Trung tâm này đã bỏ qua các lỗi phương tiện thông qua công đoạn kiểm tra thủ công, cho thuê phụ tùng như: Lốp, thùng, đèn... Đặc biệt, sử dụng phần mềm để can thiệp vào các thông số.
"Đến nay, ước tính hơn 70.000 phương tiện được làm luật để được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm", Trung tướng Tô Ân Xô nói và cho biết một số Trung tâm còn lập kiểm định viên ảo để thực hiện đăng kiểm xe cơ giới. Tức là theo quy định một dây chuyền phải có 3 kiểm định viên với các bậc khác nhau nhưng thực tế một số trung tâm đăng kiểm không có những kiểm định viên này.
Đáng chú ý, người phát ngôn Bộ Công An còn tiết lộ, khi bị bắt, Giám đốc tại Trung tâm đăng kiểm 50-17D Nhà Bè (TP. HCM) không biết chữ, không đọc được và mới chỉ học lớp 3 cách đây 50 năm.
Vụ án Việt Á liên quan Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Tháng 4/2020, công ty này được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành kit xét nghiệm Covid-19.
Việt và các thuộc cấp đã lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu xét nghiệm Covid-19 của người dân, lợi dụng việc sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 nằm trong danh mục được áp dụng chỉ định thầu rút gọn... để chủ động cung ứng trước các sản phẩm y tế cho các bệnh viện, CDC các tỉnh thành.
Phan Quốc Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị trên hợp thức hóa hồ sơ chỉ định thầu để hoàn thiện các giấy tờ, hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá công ty đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Bộ Công an cho biết, Công ty Việt Á thu lời khoảng 4.000 tỷ đồng và chi ra hơn 800 tỷ đồng để "bôi trơn" cho lãnh đạo các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành.
Ngày 17/12/2021, Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và Phạm Duy Tiến, Giám đốc CDC Hải Dương bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Sang năm 2022, liên quan vụ án Việt Á, Cơ quan điều tra Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Công an các tỉnh thành đã khởi tố trên 100 bị can, trong đó có 3 ủy viên Trung ương Đảng, gồm các ông: Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Y tế; Chu Ngọc Anh, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Hàng loạt lãnh đạo cấp sở, nhân viên y tế của ít nhất 24 tỉnh, thành phố cũng nằm trong số những người bị khởi tố.
Còn liên quan vụ án chuyến bay giải cứu, từ ngày 27/1/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 cán bộ Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) về tội "Nhận hối lộ", trong đó có Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan, Phó Cục trưởng Đỗ Hoàng Tùng.
Ngày 14/4, Bộ Công an tiếp tục khởi tố ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cùng 2 cán bộ khác tại Bộ Y tế và Bộ Công an về tội "Nhận hối lộ".
Từ ngày 6/5 đến 25/7, Bộ Công an khởi tố thêm 8 người, trong đó có 3 lãnh đạo doanh nghiệp và 5 cán bộ, nguyên cán bộ Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT và Bộ Y tế.
Trong nửa cuối năm 2022, vụ án chuyến bay giải cứu được tiếp tục được điều tra mở rộng và khiến 19 người khác vướng vòng lao lý, trong đó có Nguyễn Quang Linh, Trợ lý Phó Thủ tướng; Nguyễn Thanh Hải, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ; các cán bộ, nguyên cán bộ tại các lãnh sự quán Việt Nam ở Osaka (Nhật Bản), Angola, Nga.
Theo Bộ Công an, mỗi chuyến bay giải cứu sau khi trừ các chi phí có thể đem lại số tiền lợi nhuận cho các bị can đến vài tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận