Chuyện dọc đường

Tướng Trần Thế Quân: "CSGT ít ra đường, sẽ hết xin xỏ, tiêu cực"

09/01/2017, 12:46
image

Thiếu tướng Trần Thế Quân khẳng định, nếu CSGT ít ra đường, chắc chắn sẽ hạn chế được tiêu cực hay xin xỏ.

gọi điện người thân

Một trường hợp vượt đèn đỏ tại ngã tư Láng - Cầu Giấy bị lực lượng CSGT Đội 6 (Công an TP Hà Nội) yêu cầu xuất trình giấy tờ nhưng liên tục gọi điện cầu cứu người thân. Ảnh: Tạ Tôn.

 Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm TTATGT mới diễn ra, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã lưu ý thái độ làm việc nghiêm túc trong xử lý vi phạm giao thông, hạn chế tình trạng cứ vi phạm là gọi điện thoại cho người quen can thiệp.

Quan điểm này được nhân dân đồng tình ủng hộ, vì nó không chỉ tạo nên sự nghiêm túc trong thực thi pháp luật, mà quan trọng hơn, nó khiến người dân “tâm phục, khẩu phục” khi tạo được sự công bằng trong xã hội. Đã tham gia giao thông thì người nào cũng giống nhau, xe biển xanh cũng giống xe biển trắng, không thể có chuyện xe biển trắng vi phạm thì bị phạt, xe biển xanh lại được tha. Cũng không thể có chuyện người vi phạm này bị xử phạt, mà người vi phạm khác do quen biết, xin xỏ nên được bỏ qua.

Trần Thế Quân

Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính tư pháp- Bộ Công an.

Tư tưởng này cũng được ngành Công an quán triệt một cách nghiêm túc đến các cấp, các cán bộ bên dưới và những người thực thi nhiệm vụ, tuy nhiên, chưa thể thực hiện một cách triệt để. Điều quan trọng bây giờ là phải kiên quyết, nghiêm túc. Đặc biệt, các yếu tố này phải được thể hiện gương mẫu ngay ở những người đứng đầu ngành, đứng đầu địa phương và cả ở các cấp chính quyền.

Bởi, thực tế có những nơi, giám đốc công an tỉnh hoặc giám đốc công an thành phố quán triệt rất nghiêm việc không xin xỏ khi vi phạm giao thông, nhưng nếu người đứng đầu tỉnh, thành phố đó như bí thư hoặc chủ tịch mà không nghiêm túc, vẫn muốn “can thiệp” thì rất khó. Bởi vậy, trước hết cần sự nghiêm túc và gương mẫu ở chính những người đứng đầu, nếu họ không có tư tưởng sẽ can thiệp thì chắc chắn bên dưới sẽ không ai dám xử lý hời hợt, lỏng lẻo.

Về phía các cán bộ thực thi nhiệm vụ cũng phải được tuyên truyền, giáo dục, quán triệt làm sao để việc áp dụng pháp luật được nghiêm. Để làm được như vậy cũng cần phải có cơ chế quản lý, giám sát việc thực thi này, có chế tài xử lý nghiêm khắc, nếu phát hiện cán bộ chiến sĩ bỏ qua vi phạm cho những người “xin xỏ” thì xử lý cán bộ đó thật nghiêm.

Mọi quy định của pháp luật, mọi cơ chế giám sát, xử lý chúng ta cũng đều đã có đầy đủ, vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở yếu tố con người. Tôi cho rằng, để giải quyết triệt để tình trạng này, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng quan trọng nhất là tiến tới việc trang bị, cung cấp đồng bộ hệ thống xử phạt qua camera, áp dụng đồng bộ hệ thống khoa học kỹ thuật trong xử lý vi phạm, hạn chế tối đa việc CSGT ra đường. CSGT ít ra đường, chắc chắn sẽ hạn chế được tiêu cực hay xin xỏ.

Nếu chúng ta có một hệ thống đồng bộ, tự động trong việc giám sát, xử lý, với cơ chế làm việc tự động của máy móc thì không ai có thể can thiệp, xin xỏ được. Còn chừng nào để con người tham gia phần lớn trong việc này, chừng đó khó đảm bảo giải quyết triệt để được. 

Thiếu tướng Trần Thế Quân (Phó Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính- Bộ Công an)

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.