Thượng tướng Võ Trọng Việt nêu ra những thực trạng nhức nhối trong quản lý và bảo vệ rừng. |
Thực trạng nhức nhối trong việc quản lý và bảo vệ rừng được Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh thẳng thắn chỉ ra khi góp ý vào Dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều 16/3.
Theo báo cáo thẩm tra, qua tổng kết 12 năm thực hiện luật (từ năm 2004) cho thấy, rừng đã được bảo vệ và phát triển tốt hơn, đã đóng góp tích cực, có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, luật cũ đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế trong việc ngăn chặn tình trạng phá rừng, suy giảm rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng…
Là một người từng gắn bó với nhiều vùng đất biên phòng, hiểu rất rõ các hoạt động của lực lượng kiểm lâm gắn với công tác bảo vệ rừng, Thượng tướng Võ Trọng Việt thẳng thắn đề cập đến thực trạng vô cùng nhức nhối hiện nay, đó là việc rừng đang bị tàn phá nặng nề.
“Rừng núi ở trên cao, chính sách đầu tư ở dưới thấp”, Thượng tướng Võ Trọng Việt nói và chia sẻ : "Ngồi nghĩ lại mới thấy, lâu nay chúng ta chỉ toàn lấy của rừng về thôi, chứ chưa đầu tư cho rằng được bao nhiêu. Ở bên Lào, cứ chặt một cây phải trồng lại một cây, còn mình thì chặt trăm cây trồng lại được nửa cây, còn đâu lấy hết. Bao nhiêu khoáng sản quý, gỗ quý, thú quý…. đều lấy hết của rừng. Ngày xưa rừng là vàng, rừng che bộ đội, rừng vây quân thù, nhưng bây giờ thì rừng làm giàu cho lâm tặc”.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh cũng chia sẻ câu nói của một đồng chí lãnh đạo về thực trạng của rừng, đó là: “bên ngoài xanh tốt thế thôi, nhưng bên trong viêm đại tràng nặng rồi, bao nhiêu cái quý đều mất hết”.
Về cơ chế cho lực lượng kiểm lâm được quy định trong luật, ông Việt cho rằng nếu áp dụng thì kiểm lâm sẽ “lực bất tòng tâm”, không thể bảo vệ được rừng. “Kiểm tra khảo sát rừng, các kỹ sư 4-5 năm về điều tra rừng vẫn thua mấy ông lâm tặc. Có đoàn kiểm lâm có máy móc định vị đi trong rừng vẫn bị lạc, thế mà mấy ông lâm tặc nghe cây quý ở đâu, chặt về đưa về mất mấy ngày đều tính toán rất tốt. Từ rừng về thành phố biết bao nhiêu trạm cũng qua hết”, tướng Việt nêu thực trạng và cho rằng phải tạo cơ chế là hành lang pháp lý cho cơ quan công quyền xử lý, ngăn chặn thực trạng này.
"Gần đây lâm tặc quá lộng hành, nhiều kiểm lâm hy sinh nên mới giao súng cho kiểm lâm. Giờ mà để lâm tặc lộng hành là có tội với dân với nước”, ông Việt nhấn mạnh và cho rằng, luật được ban hành cùng với việc giải quyết những hạn chế trên cũng phải làm sao để người dân ở rừng có thể làm giàu từ rừng.
Xem thêm Video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận