Theo thông cáo ngày làm việc thứ năm của Hội nghị Trung ương 8, sáng 6/10, Ban chấp hành Trung ương Đảng thảo luận tại hội trường tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27 của Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai thay mặt Bộ Chính trị điều hành thảo luận.
Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, Trung ương đã bầu bổ sung 3 ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII, gồm các ông: Đào Thế Hoằng (Vụ trưởng Vụ Địa bàn VI, Ủy ban Kiểm tra Trung ương); Lê Nguyễn Nam Ninh (Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ủy ban Kiểm tra Trung ương) và Thiếu tướng Vũ Hồng Văn (Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an).
Sau khi được kiện toàn, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII gồm có 24 thành viên. Trong đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương là ông Trần Cẩm Tú, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng.
Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương là ông Trần Văn Rón, ủy viên Trung ương Đảng.
Bảy Phó chủ nhiệm khác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm các ông, bà: Trần Tiến Hưng (ủy viên Trung ương Đảng); Hoàng Văn Trà; Nghiêm Phú Cường; Nguyễn Minh Quang; Trần Thị Hiền, Hoàng Trọng Hưng và Nguyễn Văn Quyết.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban chấp hành Trung ương, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Điều lệ Đảng; tham mưu, giúp Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Cơ quan này có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý kịp thời với tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; kiểm tra, giám sát việc kê khai, công khai tài sản và thu nhập của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thể đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc yêu cầu tổ chức và cá nhân có thẩm quyền thi hành kỷ luật, thay đổi hình thức kỷ luật Đảng, chính quyền, đoàn thể đối với đảng viên.
Hàng năm, cuối nhiệm kỳ hoặc khi có yêu cầu, đột xuất, cơ quan này sẽ báo cáo Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, về hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận