HĐXX TAND TP Hà Nội hôm nay đã tuyên án sơ thẩm với 7 bị cáo vụ PVN góp vốn 800 tỷ vào Oceanbank - Ảnh: TTXVN |
Chiều nay (29/3), sau 5 ngày nghỉ nghị án, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm với 7 bị cáo trong vụ án Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỷ vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).
Đủ căn cứ buộc tội Cố ý làm trái
Liên quan đến việc mua OceanBank với giá 0 đồng, HĐXX cho rằng giai đoạn 2009 đến 2013, OceanBank đã kinh doanh thua lỗ, lỗ lũy kế dẫn đến âm vốn chủ sở hữu. Số liệu trước và sau thanh tra là một khoảng cách biệt rất lớn, từ có lợi nhuận cho đến âm vốn chủ sở hữu cho thấy báo cáo tài chính hàng năm của OceanBank là không chính xác, phản ánh không đầy đủ và không trung thực hoạt động tài chính, đặc biệt là không phản ánh các sai phạm trong việc cấp tín dụng cũng như huy động vốn tại OceanBank.
Đặc biệt, chủ trương chi lãi ngoài của Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm đã gây thiệt hại cho khách hàng hơn 69 tỉ đồng, cho các cổ đông của OceanBank là 1.576 tỉ đồng, trong đó PVN là 49 tỉ đồng. Do vậy lợi nhuận cũng như cổ tức có được theo báo cáo tài chính là ảo, không đúng sự thật với hoạt động của OceanBank.
HĐXX cho rằng có căn cứ xác định hành vi cố ý làm trái của PVN vào OceanBank do bị cáo Đinh La Thăng và các bị cáo trong vụ án thực hiện đã gây hậu quả mất số vốn góp 800 tỷ đồng.
HĐXX bác quan điểm bào chữa của các bị cáo và luật sư cho rằng số tiền 800 tỉ đồng góp vốn không bị mất sau khi Ngân hàng nhà nước (NHNN) mua bắt buộc OceanBank với giá 0 đồng. OceanBank vẫn giữ nguyên vốn điều lệ 4.000 tỉ đồng, chỉ là sự chuyển giao vốn nhà nước từ PVN sang NH Thương mại TNHH MTV Đại Dương và việc PVN mất 800 tỉ là do NHNN mua bắt buộc toàn bộ cổ phần các cổ đông OceanBank với giá 0 đồng và do CP yêu cầu PVN dừng thoái vốn. HĐXX khẳng định việc NHNN mua bắt buộc cổ phần của các cổ đông OceanBank là quan hệ mua bắt buộc giữa NHNN và các cổ đông của OceanBank, không phải là quan hệ chuyển giao vốn nhà nước từ cổ đông là DNNN PVN sang NH Thương mại TNHH MTV Đại Dương.
Theo quy định của Luật DN và Luật các tổ chức tín dụng, vốn điều lệ là vốn cổ đông thực góp, được ghi nhận tại điều lệ và đăng ký kinh doanh của DN. Quá trình hoạt động, DN có thể có lãi hoặc bị lỗ, khi có lãi thì làm tăng giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ. Ngược lại khi bị lỗ làm giảm giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ.
Trong mọi trường hợp, theo quy định của pháp luật, vốn điều lệ vẫn được ghi nhận tại điều lệ và đăng ký kinh doanh của DN theo đúng giá trị các cổ đông đã góp trước đây. Trong trường hợp này, dù vốn điều lệ của NH thương mại TNHH MTV Đại Dương ghi 4.000 tỉ đồng nhưng giá trị thực của vốn điều lệ này âm rất lớn.
Các bị cáo liên đới bồi thường cho PVN 800 tỷ
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền 800 tỉ đồng cho PVN. Trong đó, bị cáo Đinh La Thăng phải bồi thường 600 tỉ đồng, Ninh Văn Quỳnh bồi thường 100 tỉ đồng, Nguyễn Xuân Sơn bồi thường 15 tỉ đồng...
Về trách nhiệm hình sự, HĐXX tuyên án với từng bị cáo. Cụ thể, các mức án được tuyên như sau.
Bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch PVN bị tuyên mức án 18 năm tù.
Bị cáo Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng kiêm trưởng ban tài chính kế toán và kiểm toán PVN bị tuyên 7 năm tù về tội cố ý làm trái, 16 năm tù về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt chung với bị cáo Quỳnh là 23 năm tù.
Bị cáo Vũ Khánh Trường - nguyên Thành viên Hội đồng thành viên PVN bị tuyên 5 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó Tổng giám đốc PVN bị tuyên 30 tháng tù.
Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng - nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN bị tuyên 22 tháng tù.
Bị cáo Nguyễn Thanh Liêm - nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN bị tuyên 20 tháng cải tạo không giam giữ.
Bị cáo Phan Đình Đức - nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN bị tuyên 15 tháng cải tạo không giam giữ.
Theo cáo trạng, nguyên Chủ tịch PVN Đinh La Thăng đã ký Thỏa thuận tham gia góp vốn 800 tỷ đồng với cựu chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm nhưng không thông qua HĐQT. Ông Thăng cùng ông Nguyễn Xuân Sơn (cựu phó tổng giám đốc), Ninh Văn Quỳnh (cựu kế toán trưởng) cùng các ông Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Phan Đình Đức (cựu thành viên Hội đồng thành viên) biết năng lực yếu kém của Oceanbank song vẫn góp vốn khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng, không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính về đảm bảo các điều kiện về góp vốn. Mặt khác, Luật Tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”. Nhưng PVN vẫn duy trì 20% vốn ở Oceanbank, không thực hiện việc thoái vốn vào năm 2011. Theo cáo buộc, việc làm trên của các bị cáo khiến 800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại với giá 0 đồng. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận