Ngày 11/4, TAND TP.HCM tuyên án bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác sau một tuần nghị án.
Theo hội đồng xét xử, tại phiên tòa, các bị cáo dù có nhận thức khác nhau về hành vi phạm tội nhưng đều thừa nhận hành vi phạm tội.
Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng, bà chỉ đưa tài sản vào cho Ngân hàng SCB để phục vụ tái cơ cấu, cáo trạng quy kết bà sở hữu 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB là không đúng, mà bà chỉ sở hữu gần 5% cổ phần.
Theo HĐXX, căn cứ tài liệu và lời khai của các bị cáo khác tại phiên tòa, thể hiện bị cáo Lan là người sở hữu thực sự và chi phối hơn 91,5% cổ phần SCB, là người thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB; tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB.
Do đó HĐXX không chấp nhận lời bào chữa của bị cáo Lan và các luật sư về việc bị cáo Lan thực tế chỉ có 15% cổ phần, bao gồm của bị cáo và 2 người con gái. Quá trình điều tra, những người đứng tên trên 75% cổ phần tại SCB đều thừa nhận đứng tên giúp Trương Mỹ Lan.
Bà Trương Mỹ Lan cũng cho rằng, Ngân hàng SCB hoạt động theo quy định pháp luật, bản thân bà không đưa người thân tín vào các vị trí quan trọng tại ngân hàng.
Bà Lan cũng phủ nhận việc chỉ đạo cấp dưới lập công ty "ma" để lập khống hồ sơ vay vốn. Bà khẳng định không móc nối các công ty thẩm định giá để nâng khống tài sản.
Bà Lan xác nhận thông qua Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng Văn, 2 lần gặp bà Đỗ Thị Nhàn (cựu trưởng đoàn thanh tra) để xin sớm kết luận thanh tra nhưng không thừa nhận chỉ đạo Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng Văn đưa hối lộ cho bà Nhàn.
Theo HĐXX, bị cáo Trương Mỹ Lan là Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trước khi hợp nhất đã tiến hành thu mua cổ phần của ba ngân hàng: Ngân hàng SCB, Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng Đệ Nhất.
Khi Ngân hàng Nhà nước cho phép hợp nhất ba ngân hàng, bị cáo Lan đã lợi dụng chính sách tái cơ cấu lại ngân hàng thâu tóm số lượng lớn cổ phần của Ngân hàng SCB sau hợp nhất. Tính đến tháng 10/2022, bị cáo Lan nắm giữ khoảng 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB.
Dù bị cáo Lan không nắm giữ các chức vụ tại SCB nhưng bị cáo này gián tiếp sở hữu trên 91% cổ phần của ngân hàng nên bị cáo Lan có quyền chi phối, quyết định các vấn đề của ngân hàng này.
Do đó bị cáo Lan thỏa mãn là chủ thể của tội tham ô tài sản. Từ đó, HĐXX không chấp nhận quan điểm bào chữa của các luật sư là "bị cáo Lan không cấu thành tội tham ô tài sản".
Trong 10 năm, từ 2012 - 2022, SCB đã giải ngân cho nhóm bị cáo Trương Mỹ Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng.
Đến năm 2022, nhóm bị cáo Lan còn 1.284 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (gần 484.000 tỷ đồng dư nợ gốc, hơn 193.000 tỷ tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.
HĐXX cho rằng, các bị cáo này thực hiện hành vi phạm tội trong một thời gian dài, trong khi Bộ luật Hình sự có sự thay đổi cơ bản về đường lối xử lý tại thời điểm trước và sau ngày 1/1/2018.
Theo đó, Bộ luật Hình sự 1999 không quy định tội tham ô tài sản đối với các pháp nhân ngoài nhà nước, nên những hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 1/1/2018 bị xử lý theo điều, khoản tương ứng (điều 179) Bộ luật Hình sự năm 1999.
Những hành vi phạm tội xảy ra sau ngày 1/1/2018 bị xử lý theo các điều, khoản (điều 353, điều 206) Bộ luật Hình sự năm 2015, có xem xét đến nguyên tắc có lợi cho các bị cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận