Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng Hezbollah có thể tiến hành các đợt tấn công dồn dập với nhiều loại vũ khí khác nhau vào Israel đặc biệt là sau vụ nổ hàng loạt thiết bị nhắn tin được trang bị cho các chiến binh của tổ chức này khiến gần 3000 người thương vong trong ngày 16/9.
Dù Israel không lên tiếng nhận trách nhiệm trong vụ việc nói trên, hãng tin Reuters dẫn thông tin từ một quan chức cao cấp của Lebanon cáo buộc cơ quan tình báo Israel Mossad đã cài thuốc nổ vào máy nhắn tin nói trên và kích nổ từ xa.
Trong tuyên bố được đưa ra ngày 17/9, Hezbollah nhấn mạnh: "Cuộc chiến của chúng ta sẽ vẫn tiếp diễn. Chiến dịch của chúng ta là nhằm thể hiện sự ủng hộ với Dải Gaza, người dân ở đó và hoàn toàn tách biệt với đòn trừng phạt mạnh mẽ mà kẻ thù Israel sẽ sớm phải đón nhận sau vụ thảm sát ngày 16/9".
Con số tổng quan
Vậy kho vũ khí mà Hezbollah sở hữu có gì để có thể giáng đòn trừng phạt về phía Israel? Theo số liệu từ cuốn sách World Factbook do Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) công bố, lực lượng Hezbollah được Iran hậu thuẫn sở hữu khoảng 150.000 tên lửa và rocket.
Hezbollah cho biết, các loại tên lửa và rocket mà họ sở hữu có thể tấn công mọi khu vực trên khắp Israel. Số tên lửa và rocket này chủ yếu là loại không dẫn đường. Song, Hezbollah được cho là có cả những loại tên lửa, máy bay không người lái, vũ khí chống tăng, phòng không và diệt hạm dẫn đường có độ chính xác cao.
Thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah hồi năm 2021 cho biết tổ chức này có khoảng 100.000 chiến binh. Tuy nhiên, sách World Factbook năm 2022 thông tin, Hezbollah chỉ có khoảng 45.000 chiến binh. Trong đó, chỉ 20.000 là binh sĩ thường trực.
Rocket và tên lửa mặt đất
Trong cuộc chiến năm 2006 với Israel, Hezbollah đã phóng khoảng 4.000 quả rocket Katyusha với tầm bắn khoảng 30km về phía Israel. Đây là loại rocket không dẫn đường vốn chiếm đa số trong kho vũ khí của Hezbollah thời điểm đó.
Sau đó, theo thủ lĩnh Nasrallah, Hezbollah đã có sự thay đổi lớn nhất trong kho vũ khí với việc mở rộng số lượng hệ thống rocket và tên lửa dẫn đường có độ chính xác cao. Hiện Hezbollah có thể tự cải hoán các loại tên lửa truyền thống thành tên lửa dẫn đường hiện đại ngay tại Lebanon.
Ngoài ra, Hezbollah được cho là đã sở hữu các loại rocket do Iran cung cấp như Raad (Thần sấm), Fajr (Bình minh) và Zilzal (Động đất) với sức công phá và tầm bắn mạnh hơn rocket Katyusha.
Kể từ khi xảy ra xung đột với Israel ở Dải Gaza hồi tháng 10/2023, Hezbollah đã phóng nhiều loại rocket và tên lửa về phía Israel, bao gồm rocket Katyusha và tên lửa Burkan (Núi lửa) với đầu đạn có trọng lượng từ 300-500kg.
Tên lửa chống tăng
Trong cuộc chiến năm 2006, Hezbollah đã sử dụng lượng lớn tên lửa chống tăng dẫn đường, bao gồm cả tên lửa Kornet do Nga sản xuất và hiện đang triển khai trở lại loại vũ khí đáng gờm này.
Ngoài ra, theo thông tin từ hãng truyền thông thân Iran al-Mayadeen, Hezbollah còn sử dụng tên lửa chống tăng al-Mas do Iran chế tạo. Một trong những tính năng đặc biệt của tên lửa al-Mas là nó có thể bắn trúng mục tiêu ở ngoài tầm nhìn do có quỹ đạo bay theo hình vòng cung.
Theo Trung tâm Giáo dục và Nghiên cứu Alma của Israel, tên lửa al-Mas là một trong những loại vũ khí do Iran chế tạo.
Tên lửa phòng không
Hezbollah từng sử dụng tên lửa đất đối không đánh chặn các máy bay không người lái Hermes 450 và Hermes 900 của Israel trong các cuộc giao tranh gần đây. Dù được cho là đã sở hữu tên lửa phòng không từ lâu nhưng đó mới là lần đầu tiên Hezbollah triển khai loại vũ khí này trên chiến trường.
Mới đây, Hezbollah cho biết đã phóng tên lửa phòng không nhắm vào các máy bay chiến đấu của Israel buộc chúng phải rời khỏi không phận Lebanon. Tuy nhiên, Hezbollah từ chối tiết lộ loại tên lửa mà họ sử dụng và các quả tên lửa đó có bắn trúng mục tiêu hay không.
Máy bay không người lái
Hezbollah từng tiến hành các đợt tấn công sử dụng máy bay không người lái cảm tử và máy bay không người lái thả bom vào các mục tiêu ở Israel rồi quay lại Lebanon.
Bên cạnh đó, Hezbollah cũng sử dụng máy bay không người lái để gây nhiễu loạn hệ thống phòng không của Israel mở đường cho các loại vũ khí khác tiếp cận mục tiêu.
Hiện kho vũ khí của Hezbollah sở hữu 2 loại máy bay không người lái Ayoub và Mersad do lực lượng này tự chế tạo. Theo các nhà phân tích, đây là 2 loại máy bay không người lái rẻ tiền và khá dễ sản xuất.
Tên lửa diệt hạm
Năm 2006 cũng là thời điểm Hezbollah chứng minh lực lượng này đã sở hữu tên lửa diệt hạm khi phóng một quả tên lửa đánh trúng tàu chiến của Israel nằm ở ngoài khơi cách đó khoảng 16km khiến 4 binh sĩ Israel thiệt mạng và chiếc tàu chiến bị hư hại nặng.
Theo một nguồn tin thân cận, kể từ thời điểm đó, Hezbollah được cho là đã tiếp nhận tên lửa diệt hạm Yakhont do Nga cung cấp với tầm bắn khoảng 300km. Tuy nhiên, Hezbollah đã từ chối xác nhận thông tin họ sở hữu loại vũ khí này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận