Sáng 13/6, nhân kỷ niệm 95 Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2020), Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu”.
187 nhà báo, người làm báo là những cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tiêu biểu đang công tác tại các cơ quan báo chí trong cả nước cùng 7 nhà báo lão thành được tuyên dương tại Hội nghị.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thư chúc mừng Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có các Ủy viên Bộ Chính trị: Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng, 95 năm qua, kể từ ngày Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số đầu tiên khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng, nhân dân vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội.
“Từ những ngày đầu non trẻ, báo chí đã khẳng định tính cách mạng, không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, trở thành vũ khí sắc bén của Đảng, các nhà báo là các chiến sĩ trên mặt trận ấy. Nhiều tác phẩm báo chí thực sự trở thành lời hiệu triệu cách mạng, tiếng gọi non sông, thúc giục đồng bào cả nước đứng lên phá bỏ xiềng xích nô lệ, đấu tranh giành chính quyền, làm nên cuộc cách mạng tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa dân tộc Việt Nam bước ra kỷ nguyên mới”, ông Hùng nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho biết, đất nước bước vào thời kỳ cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta tự hào có nhiều nhà báo bằng tâm huyết, trí tuệ và tấm lòng cao cả, đầy trách nhiệm với Đảng, với Tổ quốc đã dày công nghiên cứu, tìm tòi trong thực tiễn để có những tác phẩm báo chí có giá trị cao, góp phần giải quyết kịp thời những bức xúc kinh tế - xã hội…
Học tập tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là phong cách làm báo Hồ Chí Minh, tiếp bước các thế hệ cha anh, đội ngũ những người làm báo hôm nay đã và đang phát huy vai trò xung kích, không quản khó khăn, gian khổ xông pha nơi “đầu sóng, ngọn gió”, tham gia công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo; đưa tin về các sự kiện nóng; bền bỉ tổ chức các tuyến bài điều tra về các vụ án hình sự, tham nhũng, tiêu cực…
Theo ông Vượng, bối cảnh hiện tại đặt ra cho báo chí cách mạng Việt Nam những nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Để báo chí hoàn thành tốt “sứ mệnh lịch sử” của mình, đề nghị các cơ quan chỉ đạo, quản lý, các cơ quan báo chí đặc biệt là mỗi nhà báo hãy học và noi gương Bác Hồ - một nhà báo lớn về phong cách và đạo đức làm báo.
“Phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” và “Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng”, ông Trần Quốc Vượng nói và nhấn mạnh, báo chí phải là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch. Các nhà báo cần không ngừng học, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng phản ánh thông tin thiếu khách quan, trung thực; xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp… gây ảnh hưởng tới niềm tin, hoài nghi về đội ngũ người làm báo.
Thường trực Ban Bí thư cho rằng, báo chí phải là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với những quan điểm sai trái trên Internet, mạng xã hội. Báo chí cần kịp thời phát hiện, cổ vũ, giới thiệu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, góp phần xây dựng, củng cố, vun đắp bản lĩnh, trí tuệ, văn hóa, đạo đức, tinh thần, ý chí và khí phách con người Việt Nam.
Các nhà báo cần không ngừng học, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh khoa học-công nghệ phát triển không ngừng; thực hiện nghiêm 10 quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng phán ánh thông tin thiếu khách quan, trung thực; xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp một bộ phận người làm báo, cùng với những sai sót về tư tưởng chính trị, lịch sử trong ấn phẩm, ảnh hưởng tới niềm tin, gây tâm lý băn khoăn, hoài nghi về đội ngũ người làm báo trong xã hội…
Ông Trần Quốc Vượng cũng bày tỏ tin tưởng, đội ngũ nhà báo hôm nay bằng tình cảm, lương tâm, trách nhiệm với sự nghiệp báo chí cách mạng, nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội, sẽ tiếp nối được truyền thống của các thế hệ đi trước, góp phần quan trọng vào phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Tại hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư đã biểu dương một số cơ quan báo chí đã chủ động trong công tác tuyên truyền, đấu tranh với các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, trong đó có Báo Công an Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam...
Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tặng hoa, bằng khen vinh danh những nhà báo tiêu biểu đến từ các cơ quan báo chí trên toàn quốc. Đại diện hơn 70 phóng viên, biên tập viên Báo Giao thông, nhà báo Nguyễn An Na - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thời sự - nội chính được nhận bằng khen tại hội nghị tuyên dương những người làm báo tiêu biểu lần này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận