Vận tải

Tuyến phà biển Cần Giờ - Gò Công Đông dự kiến khai thác cuối năm 2022

08/09/2022, 06:33

So với đi đường bộ, tuyến phà biển Cần Giờ - Gò Công Đông (Tiền Giang) rút ngắn quãng đường khoảng 100 km và giảm kẹt xe vào giờ cao điểm.

UBND huyện Cần Giờ vừa đề xuất UBND TP.HCM làm việc với tỉnh Tiền Giang về hình thành tuyến phà biển Cần Giờ qua Gò Công Đông.

img

TP.HCM sẽ có tuyến phà biển Cần Giờ - Gò Công Đông (Tiền Giang)

Công ty TNHH MTV Quốc Chánh, đơn vị đề xuất khai thác tuyến phà biển Cần Giờ - Gò Công Đông (Tiền Giang) cho biết, thuận lợi là cả hai địa phương đều ủng hộ chủ trương kết nối tuyến này. Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên của dòng chảy quanh năm ổn định, thuận lợi để khai thác phát triển vận tải đường thủy. Công ty có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm để khai thác, hiện công ty đã chuẩn bị sẵn phà, nhân lực chỉ còn chờ thủ tục và xây dựng 2 đầu bến, cầu bến, nhà chờ, phòng bán vé.

“Khi tuyến phà biển đi vào hoạt động, vận chuyển hàng hóa đi lại nhanh hơn, rút ngắn so với đường bộ khoảng 100km, vì nếu quãng đường đi từ Gò Công Đông mà đi cao tốc mất khoảng 50km, từ cao tốc lại đi Nhà Bè xuống dưới Cần Giờ tính ra là trên 100km. Như vậy so với đi đường bộ, đi phà biển không những giảm quãng đường mà không bị kẹt xe vào giờ cao điểm, giảm áp lực giao thông cho đường bộ”, đại diện công ty cho hay.

Theo công ty Quốc Chánh, dự kiến sẽ có 2 phà đưa vào hoạt động trên tuyến này, mỗi phà chở từ 20-30 phương tiện và khoảng 200 hành khách. Về giá vé, hiện công ty đang nghiên cứu sau khi có kế hoạch phương án cụ thể mới đưa ra được mức vé phù hợp. Nếu mọi thủ tục nhanh thì dự kiến có thể triển khai vào cuối năm nay.

Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, Sở đã khảo sát tuyến phà biển Cần Giờ - Gò Công Đông (Tiền Giang), các địa phương đã thống nhất chủ trương để sớm đưa vào hoạt động góp phần phát triển kinh tế và du lịch.

Về phía Tiền Giang đã thống nhất được vị trí Gò Công, còn huyện Cần Giờ chưa thống nhất được điểm vị trí ở xã Lý Nhơn hay Cần Thạnh. Hiện huyện đang cân nhắc về cự ly di chuyển của 2 vị trí này. Khi 2 địa phương TP.HCM - Tiền Giang cùng ký kết, thành phố sẽ có văn bản kiến nghị Bộ GTVT mở tuyến đường thủy phà biển để sớm đưa vào khai thác.

Theo ông An, cái khó là tìm kiếm doanh nghiệp đầu tư, khi có nhà đầu tư rồi sẽ tính đến phương án xây dựng bến, thống nhất vị trí bến, công bố luồng tuyến… Sau khi chuẩn bị xong công tác luồng bến, dự kiến dịp Tết Nguyên đán 2022 có thể khai thác được tuyến này.

Về phía địa phương, ông Trương Tiến Triển, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, phà Bình Khánh hiện cần thiết phải tăng công suất hoạt động. Huyện đã đề xuất bổ sung thêm 2 phà và đang được TP xem xét.

Theo ông Triển, thương mại - dịch vụ của huyện Cần Giờ chiếm 50%, nếu phà Bình Khánh không đáp ứng được sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đợt lễ 2/9 vừa qua, cao điểm lên đến 45.000 người qua phà, huyện Cần Giờ phải tăng cường 2 phà từ Cát Lái qua mới đáp ứng được nhu cầu đi lại.

“Trước đây huyện Cần Giờ chỉ có một cửa ngõ là phà Bình Khánh, sau đó có các cửa ngõ qua Long An, Vũng Tàu. Huyện Cần Giờ đề xuất TP.HCM làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang để mở thêm cửa ngõ thứ 4 là tuyến phà biển từ Cần Giờ qua huyện Gò Công Đông. Về phía UBND tỉnh Tiền Giang đã sẵn sàng”, ông Triển nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.