Hàng không

Tuyên Quang bất ngờ xin đầu tư PPP xây sân bay Na Hang

12/09/2022, 16:18

UBND tỉnh Tuyên Quang đề xuất xây dựng sân bay Na Hang theo hình thức đối tác công tư PPP.

Sân bay cấp 4C rộng 350ha

UBND tỉnh Tuyên Quang vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính Phủ xem xét, chấp thuận, tổng hợp bổ sung một vị trí cảng hàng không, sân bay tại tỉnh Tuyên Quang vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

img

Vị trí đề xuất xây dựng sân bay Na Hang

Văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn ký, đề xuất xây dựng Cảng hàng không Na Hang tại xã Năng Khả, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

Theo lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, đây là vị trí dân cư thưa thớt, diện tích đất rộng lớn, địa chất vững chắc, bằng phẳng, đồng thời gần Khu Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình, gần các tuyến giao thông quan trọng như Quốc lộ 279, Quốc lộ 2C, Quốc lộ 280 và kết nối thuận lợi với trung tâm và cửa khẩu các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kan,….

Quy mô đề xuất là khoảng 350 ha, trong đó quy mô cảng hàng không, sân bay cấp 4C diện tích khoảng 280 ha và sân bay quân sự cấp II diện tích khoảng 70 ha.

UBND tỉnh Tuyên Quang cũng dự kiến quá trình phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, đến năm 2030 sẽ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trên cơ sở chủ động kêu gọi xã hội hóa đầu tư sân bay chuyên dùng (thực hiện khai thác các tuyến bay nội địa hàng không thường kỳ và khai thác một số tuyến bay quốc tế, phục vụ tìm kiếm cứu nạn và quốc phòng an ninh).

Giai đoạn 2, sau năm 2030, sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh thành cảng hàng không cấp 4C.

Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý chủ trương cho phép cập nhật Cảng Hàng không Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 và cho phép tiến hành các thủ tục đầu tư đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Đồng thời, giao UBND tỉnh Tuyên Quang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện Dự án theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Đến 2025, dự kiến đón 3 triệu khách du lịch

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Tuyên Quang là tỉnh có vị trí địa lý trọng yếu và bề dày truyền thống lịch sử, một vùng đất chiến khu cách mạng và ngày nay trở thành “địa chỉ đỏ” ghi dấu những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

img

Đường lên Tuyên Quang hiện nay chủ yếu là đường bộ, dù tỉnh này có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Ảnh minh họa

Tại Tuyên Quang hiện có hơn 500 di tích lịch sử, trong đó có 180 di tích đã được xếp hạng quốc gia như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình…

Ngoài ra, tỉnh này còn có nhiều tiềm năng về tự nhiên, có cảnh quan đẹp, khí hậu tốt, địa hình phong phú, có 22 dân tộc giàu bản sắc truyền thống dân tộc và hệ thống hạ tầng kinh tế du lịch khá phong phú nên có nhiều lợi thế để phát triển du lịch.

Hiện nay, khu Danh lam thắng cảnh Na Hang - Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là khu danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt, kết nối với Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình (tỉnh Tuyên Quang) và Vườn Quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

“Với hệ sinh thái đa dạng, nhiều loài động, thực vật quý hiếm, hệ thống hang động độc đáo, một số tập đoàn lớn đã và đang nghiên cứu đầu tư để phát triển và bảo tồn khu Danh lam thắng cảnh quốc gia.

Đồng thời, tỉnh Tuyên Quang đang phối hợp với tỉnh Bắc Kạn hoàn thiện hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới Khu Di sản thiên nhiên Vườn Quốc gia Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) - Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) trình UNESCO công nhận theo quy định”, ông Sơn thông tin.

Cũng theo ông Sơn, đến năm 2025, Tuyên Quang phấn đấu đón trên 3 triệu lượt khách du lịch. Tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt trên 4.800 tỷ đồng, đóng góp của VA du lịch trong tổng GRDP đạt từ 6% trở lên.

Đến năm 2030, phấn đấu đón trên 5,5 triệu lượt khách du lịch, đóng góp của VA du lịch trong tổng GRDP đạt trên 10% trở lên. Trong đó, phấn đấu thu hút khách du lịch quốc tế đến năm 2025 đạt ít nhất 250 nghìn lượt; đến năm 2030 khoảng 550 nghìn lượt.

Cùng đó, tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp với nhiều khu, cụm công nghiệp đã và đang dần hình thành phát triển, tăng cường hợp tác đầu tư nước ngoài, do vậy số lượng người nước ngoài đến tỉnh công tác, làm việc sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh này cho biết, khoảng cách từ trung tâm các thành phố lớn trong nước, các sân bay lớn trong nước đến thành phố Tuyên Quang, các khu, cụm công nghiệp, khu di tích và điểm du lịch trong tỉnh có khoảng cách lớn, nhưng chưa có sự đa dạng về các hình thức giao thông vận tải.

Các khách du lịch, chuyên gia, công nhân trong nước và nước ngoài đến tham quan, công tác và làm việc tại Tuyên Quang chủ yếu di chuyển bằng hình thức giao thông đường bộ, mất tương đối nhiều thời gian và không thuận lợi, gây mệt mỏi trong việc di chuyển, làm tăng áp lực vận tải lên hệ thống đường bộ và làm hạn chế khả năng khai thác và phát triển du lịch Tuyên Quang nói riêng, sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.

Văn phòng Chính phủ cũng đã có thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang trong đó có giao Bộ GTVT nghiên cứu kiến nghị của tỉnh trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.