Hạ tầng

Tuyên Quang: Khởi công 50 cầu dân sinh trị giá 192 tỷ đồng

21/09/2017, 16:57

Ngày 21/9, tại Tuyên Quang diễn ra lễ khởi công hợp phần 3 dự án 50 cầu dân sinh trị giá 192 tỷ đồng.

Tuyen-Quang

Lễ động thổ khởi công các cầu dân sinh trên địa bàn Tuyên Quang

Ngày 21/9, Ban Quản lý dự án 3 (PMU3) và UBND huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) tổ chức lễ động thổ dự án đầu tư xây dựng các cầu dân sinh (Lramp) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Lễ động thổ được tổ chức tại vị trí xây cầu Guồng, xã Hào Phú, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang.

Ông Lê Đức Lộc, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA 3 (đại diện chủ đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang) cho biết, dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (dự án Lramp) được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 622/QĐ-BGTVT ngày 2/3/2016 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, đảm bảo ATGT cho người dân tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có điều kiện đi lại khó khăn, đặc biệt là trong vùng mưa lũ; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo của các vùng đặc biệt khó khăn.

“Qua quá trình đăng ký, rà soát, sàng lọc, tỉnh Tuyên Quang có 50 cầu được phê duyệt nằm trên địa bàn các huyện Hàm Yên, Yên Sơn, Chiêm Hóa, Sơn Dương, Na Hang, Lâm Bình và được chia làm 7 dự án thành phần. Dự án động thổ hôm nay là dự án thành phần 3 tỉnh Tuyên Quang gồm: 4 cầu thiết kế vĩnh cửu tuổi thọ 50 năm bằng bê tông cốt thép, bề rộng cầu từ 3,5-4m. Đây là những công trình có tính cấp thiết phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, tôi đề nghị đơn vị thi công, thiết kế, tư vấn giám sát triển khai thi công công trình đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng”, ông Lộc nói.

Ông Vũ Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Hào Phú cho biết, những cây cầu dân sinh đang khởi công sẽ kết nối giao thông, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. “Như cây cầu Guồng hiện tại cũ nát, chỉ rộng hơn 1m nên chỉ xe máy, xe đạp có thể đi qua. Do mặt cầu nằm thấp so với đường dẫn hai đầu cầu khiến mỗi khi mưa lũ, nước dâng ngập cầu chia cắt nhiều thôn bên kia sông.

“Người dân muốn mang mía sang bán cho Nhà máy mía đường Sơn Dương cũng chỉ vận chuyển được ít một, rất khó khăn. Vào ngày mưa lũ, không thể vận chuyển, đi lại được. Có người cố băng qua cầu thời điểm mưa lũ đã bị cuốn trôi cả người và xe. Ngành GTVT đưa cầu về đã thỏa ước mong bao đời của người dân nơi đây”, ông Hòa tâm sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.