Thưa ông, ông có thể cho biết Lễ hội thành Tuyên được bắt đầu tổ chức từ khi nào, do ai khởi xướng?
Lễ hội thành Tuyên bắt đầu từ năm 2004, mang tính chất tự phát của cộng đồng người dân tại thành phố Tuyên Quang.
Từ năm 2008 đến 2014, Lễ hội thành Tuyên chính thức được nâng lên cấp thành phố và từ năm 2014 đến nay Lễ hội được nâng lên cấp tỉnh.
Lễ hội thành Tuyên thường kéo dài trong bao nhiêu lâu và có những hoạt động chính nào?
Lễ hội thường kéo dài trong vòng 2 tháng. Bên cạnh hoạt động diễn diễu mô hình đèn trên các tuyến phố tại trung tâm thành phố Tuyên Quang, Lễ hội thành Tuyên còn có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, như: Trưng bày, giới thiệu văn hóa, ẩm thực đặc sắc của địa phương; Hội chợ thương mại - du lịch; Hội thảo xúc tiến đầu tư, liên kết phát triển du lịch vùng, miền; Cuộc thi Người đẹp Xứ Tuyên...
Đến đêm chính hội tại khu vực Quảng trường Nguyễn Tất Thành, các tổ dân phố cùng nhau bày chung một mâm cỗ trung thu khổng lồ.
Sau khi diễu hành qua các tuyến phố chính của thành phố Tuyên Quang, nhân dân tập trung về trước Trung tâm hội nghị tỉnh để nhận giải thưởng. Sau lễ trao giải là chương trình phá cỗ với rất nhiều phần quà.
Một trong những điểm nhấn của Lễ hội thành Tuyên là những chiếc đèn lồng khổng lồ. Vậy ý nghĩa của những chiếc đèn khổng lồ này là gì, thưa ông?
Với sự sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú, đôi bàn tay khéo léo và đặc biệt là với tình cảm, tình yêu thương đối với con trẻ, người dân Tuyên Quang đã làm nên những chiếc đèn ông sao, mô hình các con vật gần gũi với các cháu thiếu niên, nhi đồng như: mô hình đèn tôm, cá, voi, mèo đuổi chuột đến các nhân vật trong chuyện cổ tích, truyền thuyết, lịch sử như: Tấm Cám, Thánh Gióng, Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận, Trần Quốc Toản…
Mục đích chính của các mô hình đèn là tạo ra không khí vui vẻ và hứng thú cho trẻ nhỏ, đồng thời qua đó góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc.
Ông có thể cho biết, năm nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang có những chuẩn bị gì cho ngày hội sắp diễn ra?
Năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh Tuyên Quang triển khai thực hiện Đề án đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên giai đoạn 2023-2025 với mục tiêu trọng tâm là xây dựng, phát triển Lễ hội trở thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu quốc gia và quốc tế.
Lễ khai mạc chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" lần thứ XIV và Lễ hội Thành Tuyên năm 2023 khai mạc lúc 20h10, ngày 22/9/2023, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành.
Chương trình có sự tham gia của 6 tỉnh Việt Bắc, tỉnh Bình Thuận và một số địa phương nước ngoài có quan hệ hợp tác, hữu nghị với Tuyên Quang gồm: Xiêng Khoảng (Lào), Imsil (Hàn Quốc), châu Vân Sơn (Trung Quốc)…
Tỉnh Tuyên Quang xác định việc đổi mới, phát triển nhưng phải giữ được bản sắc Lễ hội. Để phù hợp với nhu cầu của khách du lịch trong giai đoạn hiện nay.
Lễ hội thành Tuyên được bổ sung những yếu tố hiện đại; chú trọng phát triển hệ thống dịch vụ lưu trú, homestay, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn toàn tỉnh, nâng cao chất lượng các dịch vụ đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách, tạo ấn tượng tốt đẹp về một hình ảnh Tuyên Quang thân thiện, giàu lòng hiếu khách...
UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các cơ quan liên quan đã tiến hành rà soát, kiểm tra, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, các cơ sở lưu trú du lịch, ăn uống nâng cao chất lượng phục vụ, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, không tăng giá các dịch vụ trước, trong và sau thời gian diễn ra lễ hội.
Để đảm bảo chỗ nghỉ cho du khách, UBND thành phố đã vận động các hộ gia đình có đủ điều kiện tích cực tham gia làm dịch vụ lưu trú cộng đồng (homestay) trong những ngày cao điểm của lễ hội. Ngoài ra, trên địa bàn các huyện tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn để thu hút du khách, giảm gánh nặng cho thành phố.
Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị từ nội dung, cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh trật tự… đều đang được triển khai tích cực và gấp rút hoàn thiện, sẵn sàng cho các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận