ĐH Bách Khoa Hà Nội: Một số ngành hạ nhiệt
Sau khi có điểm tốt nghiệp THPT năm 2023, ĐH Bách khoa Hà Nội đã có bảng dự báo điểm chuẩn xét tuyển đại học.
Theo đó, chương trình đào tạo có điểm chuẩn cao nhất thuộc về lĩnh vực Công nghệ thông tin với ngành Khoa học máy tính (IT1), Kỹ thuật máy tính (IT2) và Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo (IT-E10) với điểm chuẩn dự kiến 27,5+… Năm 2023, khoa Kỹ thuật máy tính có điểm chuẩn cao nhất trong các ngành đào tạo của ĐH Bách Khoa Hà Nội với 28,29 điểm.
Điểm chuẩn dự báo theo kết quả tốt nghiệp THPT bao gồm cả điểm ưu tiên (điểm khu vực, đối tượng).
ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin dự báo điểm chuẩn tuyển sinh năm 2023
So với điểm chuẩn năm 2022, dự báo năm nay có một số nhóm ngành có điểm chuẩn dự kiến hạ nhiệt hơn từ 1-2 điểm như: Kỹ thuật môi trường (EV1), Quản lý tài nguyên môi trường (EV2).
Bên cạnh dự báo điểm chuẩn, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng lưu ý các thí sinh đăng ký vào chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi Đánh giá tư duy cần đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng tiếng Anh từ B1 trở lên với chứng chỉ VSTEP; hoặc từ 5.0 trở lên với chứng chỉ IELTS; hoặc từ 6,5 điểm trở lên với điểm thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
ĐH Bách khoa Hà Nội cũng khuyên thí sinh nên căn cứ vào điểm, khoảng điểm chuẩn dự báo và điểm chuẩn năm ngoái để đăng ký phù hợp. Thí sinh cũng có thể mạnh dạn xếp các nguyện vọng yêu thích lên cao vì thứ tự nguyện vọng không ảnh hưởng đến kết quả đỗ vào các nguyện vọng bên dưới.
Các thí sinh bắt đầu lựa chọn đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học năm 2023.
Lưu ý các mốc thời gian tuyển sinh đại học năm 2023:
- Thí sinh đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học đến 17h ngày 30/7 và không giới hạn số lần. Từ ngày 31/7 đến 17h ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến.
- Bộ GD&ĐT và các trường bắt đầu quy trình xét tuyển và xử lý nguyện vọng đại học từ ngày 12 đến 20/8, qua đó xác định nguyện vọng cao nhất thí sinh trúng tuyển.
- Từ 17h ngày 22/8, các trường thông báo điểm chuẩn, danh sách trúng tuyển đợt một. Thí sinh xác nhận nhập học trước 17h ngày 6/9.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân: Tăng, giảm điểm chuẩn biên độ rất nhỏ
Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng quản lý đào tạo Trường đại học Kinh tế quốc dân, với mức độ đề thi có tính phân hoá cao hơn so với năm ngoái, dự kiến điểm chuẩn năm nay khả năng giảm hơn so với năm ngoái là không lớn, nếu có sự tăng/giảm thì thay đổi biên độ rất nhỏ, từ 0,25-0,5 điểm, tùy mã ngành.
Với các ngành "hot" như marketing, kinh doanh quốc tế, logistics và quản lý chuỗi cung ứng… năm 2022 điểm chuẩn trên 28, năm nay khó tăng cao hơn, tuy nhiên thí sinh phải đạt trên 28 điểm mới có cơ hội trúng tuyển.
Trường ĐH Giao thông vận tải (GTVT): Các ngành “hot” giảm nhẹ điểm chuẩn
Năm nay, trường ĐH GTVT cơ bản giữ nguyên các hình thức tuyến sinh như năm trước, bổ sung thêm xét tuyển kết hợp với học bạ. Tỷ trọng tuyển sinh cao nhất vẫn dành cho xét điểm thi tốt nghiệp.
Sau nghiên cứu phổ điểm các khối thi, TS Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học GTVT đã đưa ra dự báo biến động điểm chuẩn năm 2023 của nhà trường, cụ thể: Với nhóm ngành “hot” có điểm chuẩn năm trước từ 25-27 sẽ giảm 0,5-1 điểm; nhóm điểm chuẩn 22-25 điểm, sẽ giảm nhẹ 0,25 điểm; nhóm ngành dưới 20, điểm chuẩn giữ nguyên như trước.
Điểm sàn xét tuyển của trường ĐH GTVT giao động từ 16-22 điểm.
Trường ĐH KH-XH Nhân văn TP.HCM: Dự kiến điểm chuẩn giảm 0,5-2 điểm
Theo thống kê của trường ĐH KH-XH Nhân văn TP.HCM, năm 2022 có 65% số tổ hợp xét tuyển có điểm chuẩn từ 24 trở lên, 35% có điểm chuẩn dưới 24. 10 ngành có tổ hợp điểm chuẩn cao nhất gồm: Báo chí, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Truyền thông đa phương tiện, Tâm lý học, Quản lý thông tin, Quản trị văn phòng, Quan hệ quốc tế, Ngôn ngữ Anh, Nhật Bản học, Việt Nam học.
Dự kiến điểm chuẩn các ngành sẽ có xu hướng thấp hơn so với năm 2022, trong khoảng từ 0,5-2 điểm.
Trường ĐH Công thương TP.HCM: Ngành “hot” nhất dự kiến điểm chuẩn 22 điểm
Trường ĐH Công thương TP.HCM đã có dự báo điểm chuẩn tuyển sinh năm 2023 để thí sinh cân nhắc lựa chọn.
Cụ thể, các ngành có điểm chuẩn cao nhất dự kiến là Marketing và Ngôn ngữ Trung Quốc với mức khoảng 22 điểm.
Các ngành như Kinh doanh quốc tế, Kế toán, Tài chính ngân hàng, Công nghệ thông tin và Ngôn ngữ Anh có mức điểm chuẩn dự kiến từ 21 điểm trở lên.
Các ngành như Quản trị kinh doanh, Luật kinh tế, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành điểm chuẩn dự kiến 20-21 điểm.
Các ngành như Công nghệ thực phẩm, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Quản trị khách sạn có mức điểm chuẩn dự kiến là 20 điểm.
Ngành An toàn thông tin dự kiến có điểm chuẩn là 19-20 điểm, Quản trị kinh doanh thực phẩm có mức điểm chuẩn dự kiến là 18,5 -19 điểm.
Các ngành như Công nghệ sinh học, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hoá có điểm chuẩn dự kiến là 18-19 điểm.
Ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm dự kiến có mức điểm chuẩn là 18,5 điểm.
Ngành Kinh doanh thời trang và dệt may, Công nghệ dệt may với mức khoảng 17 điểm.
Và các ngành còn lại có mức điểm chuẩn dự kiến khoảng 16 điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận