Sau thế hệ vàng như Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Xuân Trường, Công Phượng... làm mưa làm gió ở các giải đấu trẻ khu vực và vào đến vòng chung kết U20 thế giới, thì các trận thua liên tiếp gần đây của các đội tuyển trẻ Việt Nam ở các giải đấu quốc tế, mới nhất là đội tuyển U18 Việt Nam có trận thua bẽ bàng trước tuyển Campuchia ngay trên sân nhà và phải dừng bước ngay từ vòng bảng Giải Vô địch bóng đá U18 Đông Nam Á, khiến người hâm mộ không khỏi lo lắng.
Lỗ hổng sau thế hệ vàng
Bóng đá trẻ Việt Nam vừa nhận hai thất bại liên tiếp khi U18 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng Giải U19 Đông Nam Á 2019. Riêng U15 Việt Nam thua ở bán kết giải U15 Đông Nam Á 2019. Ngoài kết quả, lối chơi của cả hai đội bóng này đều không để lại dấu ấn, đặc biệt là U18 Việt Nam. Đoàn quân dưới quyền HLV Hoàng Anh Tuấn trình diễn bộ mặt nhợt nhạt, thiếu kết dính, kém đường nét.
Đáng nói hơn, năm 2017 và 2018, khi Liên đoàn Bóng đá châu Á chưa đổi thể thức, giải khu vực vẫn dành cho lứa U19, Việt Nam cũng đều bị loại ngay từ vòng bảng. Tại Giải U19 châu Á 2018, U19 Việt Nam đứng bét bảng C, không giành được điểm số nào. Như vậy, sau chiến tích giành vé dự U20 World Cup 2017, U19 Việt Nam gần như thất bại ở tất cả các đấu trường quốc tế tham dự.
Theo bình luận viên Ngô Quang Tùng, việc bóng đá trẻ Việt Nam thời gian qua thất bại nhiều hơn thành công không phải là việc gì khó hiểu. “Có hai yếu tố chúng ta phải lưu ý. Thứ nhất, chúng ta đang ảo tưởng rằng chúng ta đã có một hệ thống đào tạo trẻ tốt, đủ sức sản xuất ra nhiều thế hệ cầu thủ tài năng. Nhưng thực tế không phải như vậy. Ngoài một vài trung tâm đào tạo hoạt động bài bản, đa phần còn manh mún, thiếu chiều sâu. Thứ hai, ngay kể cả khi có hệ thống đào tạo trẻ tốt thì cũng không thể đảm bảo sẽ có liên tiếp những lứa cầu thủ xuất sắc. Làm bóng đá trẻ giống như đi câu, ngay cả những lò đào tạo lừng danh trên thế giới cũng rơi vào giai đoạn thiếu nhân tài”, ông Tùng phân tích.
Trong khi đó, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho rằng, nói bóng đá trẻ Việt Nam không thành công sau lứa Quang Hải, Công Phượng chưa thực sự chính xác: “Các đội trẻ của Việt Nam đều giành quyền dự vòng chung kết châu Á, điều này rất đáng ghi nhận. Còn giải Đông Nam Á, tuy thành tích chưa đáp ứng kỳ vọng của người hâm mộ nhưng nếu nhìn đây là những cữ rượt cho giải châu Á thì chúng ta sẽ thấy mọi trận đấu đều bổ ích. Bên cạnh đó, cầu thủ trẻ còn nhiều cái chưa hoàn thiện, đặc biệt là tư duy chiến thuật nên việc nay các em chơi nay tốt mai không tốt cũng hết sức bình thường”.
Nói là vậy nhưng do U19 Việt Nam kể từ sau lứa 1995-1996 (Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn, Văn Thanh…) và lứa 1997-1999 (Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu, Tiến Linh…) chơi không tốt, không giới thiệu được gương mặt nào thực sự sáng giá nên HLV Park Hang-seo hiện tại đang rất đau đầu lựa chọn nhân sự tham dự SEA Games 30.
Về phần đội tuyển, nòng cốt của đội tuyển quốc gia hiện tại là sự kết hợp của hai lứa 1995-1996 và 1997-1999. Đây cũng được coi là thế hệ vàng mới của bóng đá Việt Nam với những thành tích vang dội suốt gần 2 năm qua. Tuy nhiên, phía sau thế hệ vàng này đang là lỗ hổng khá lớn. Thời điểm hiện tại, không nhiều cầu thủ thuộc lứa U23 đủ tốt để chen chân vào đội hình đội tuyển quốc gia. Cộng thêm những thất bại của U19 Việt Nam 2 năm gần đây, người hâm mộ rõ ràng có lý do để lo lắng cho tương lai bóng đá Việt Nam.
Không nên tạo ra nhiều áp lực
Đem những lo lắng trên trao đổi với HLV Phan Thanh Hùng, vị thuyền trưởng CLB Than Quảng Ninh khẳng định, dư luận đang tạo ra quá nhiều áp lực lên vai các cầu thủ trẻ. “Đào tạo trẻ của chúng ta vẫn đang làm tốt nhưng những cầu thủ như Quang Hải, Công Phượng, Đình Trọng, Văn Thanh… đều là của hiếm và không phải lúc nào cũng xuất hiện. Không thể nhìn vào lứa này để yêu cầu lứa sau cũng phải như vậy. Đúng là bóng đá trẻ Việt Nam hiện tại đang thiếu đi những nhân tố nổi bật nhưng lo lắng từ bây giờ là hơi xa bởi phần lớn các tuyển thủ Việt Nam đều phải thi đấu được ít nhất từ 5-7 năm nữa. Trong khoảng thời gian này, các cầu thủ trẻ nếu được chăm sóc tốt hoàn toàn đủ khả năng trưởng thành, kế thừa chuyên môn đàn anh để lại”, ông Hùng khẳng định.
Quan điểm của HLV Phan Thanh Hùng nghe qua có vẻ hợp lý nhưng nó cũng đặt ra một vấn đề khác, đó là bóng đá Việt Nam phải chăm sóc các mầm non như thế nào để lấp đầy lỗ hổng phía sau thế hệ vàng? Bình luận viên Ngô Quang Tùng cho rằng, cách duy nhất là để các cầu thủ trẻ được thi đấu cạnh tranh nhiều hơn, từ đó sẽ sớm trưởng thành. “Hệ thống thi đấu của bóng đá trẻ Việt Nam còn nhiều bất cập khi các cầu thủ được thi đấu ít, các giải trẻ thường càng ở cấp dưới lại càng ít đội. Đó là chưa kể gần như các em không có được những trận cọ xát với các đối thủ mạnh bên ngoài biên giới Việt Nam, điều mà lứa Công Phượng, một phần lứa Quang Hải từng được tạo điều kiện”, ông Tùng nhận xét.
Về việc này, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh thừa nhận, từ lứa U17 trở xuống, các cầu thủ trẻ có ít cơ hội thi đấu tích lũy kinh nghiệm, rèn giũa chuyên môn: “VFF cũng trăn trở phải làm sao để tạo ra nhiều sân chơi cho các em nhưng vì nhiều yếu tố khách quan nên chưa thể thực hiện. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, kêu gọi sự ủng hộ để cải thiện môi trường bóng đá trẻ”.
Ngoài hệ thống các giải trẻ, bình luận viên Quang Tùng còn chỉ ra điểm hạn chế trong việc phát triển cầu thủ trẻ, đó là các CLB chuyên nghiệp rất ít sử dụng cầu thủ lứa U23 chứ chưa nói tới lứa U19. “Ở V-League sẽ rất khó để ràng buộc các đội bóng bởi áp lực thành tích quá lớn. Nhưng ở những giải đấu thấp hơn, nên chăng chúng ta phải có những quy định bắt buộc về việc để cầu thủ trẻ ra sân. Như vậy sẽ giúp các em có thêm trải nghiệm”, ông Tùng nêu ý kiến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận