Bóng đá

Tuyển Việt Nam có nên dùng thêm cầu thủ nhập tịch?

16/01/2025, 06:30

Sau khi tiền đạo Nguyễn Xuân Son tỏa sáng giúp đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2024, việc có nên tiếp tục mở cửa cho cầu thủ nhập tịch lên tuyển hay không trở thành vấn đề được bàn luận sôi nổi trên khắp các diễn đàn.

Hiệu ứng Xuân Son

Ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2024, tiền đạo Nguyễn Xuân Son dính chấn thương nặng ở đầu hiệp 2 và buộc phải rời sân. Tuy nhiên, hành trình lên ngôi của đội tuyển Việt Nam mang đậm dấu chân tiền đạo gốc Brazil. Anh ghi 7 bàn thắng, trong đó có cú đúp ở trận chung kết lượt đi trên sân Việt Trì.

Tuyển Việt Nam có nên dùng thêm cầu thủ nhập tịch?- Ảnh 1.

Tiền đạo Xuân Son thi đấu xuất sắc trong màu áo đội tuyển Việt Nam.

Chân sút sinh năm 1997 cho thấy khả năng tác chiến đa dạng, hiệu quả nhờ nền tảng thể lực sung mãn. Anh chính là mẫu tiền đạo đội tuyển Việt Nam khao khát lâu nay.

Chứng kiến Xuân Son bùng nổ trong màu áo đội tuyển quốc gia, một bộ phận không nhỏ người hâm mộ rất hào hứng và bày tỏ quan điểm muốn Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tiếp tục tạo điều kiện cho các cầu thủ nhập tịch có năng lực lên tuyển.

Ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng, không nên dùng nhiều cầu thủ nhập tịch bởi như vậy sẽ hạn chế sự phát triển của cầu thủ gốc Việt.

Một trong những người phản đối việc đưa cầu thủ nhập tịch lên tuyển Việt Nam ồ ạt là chuyên gia Steve Darby - cựu HLV trưởng đội tuyển nữ Việt Nam. Trả lời báo giới, vị chiến lược gia này cho hay, trường hợp Xuân Son chỉ nên coi là phương án tạm thời. Còn về lâu dài, đội tuyển Việt Nam không thể đặt vận mệnh vào cầu thủ gốc nước ngoài.

Cũng theo ông Darby, nhập tịch cầu thủ sẽ hạn chế sự phát triển của cầu thủ bản địa: "Các tiền đạo nội như Tiến Linh và nhiều cầu thủ khác vốn đã không có nhiều thời gian chơi bóng tại V-League vì các ngoại binh, nay lại còn ít cơ hội thể hiện trên tuyển vì Xuân Son. Điều này rõ ràng bất cập".

Chuyện không hiếm gặp

Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore là nền bóng đá đi đầu trong trào lưu nhập tịch cầu thủ và đã giành nhiều thành công với chính sách này. Tuy nhiên, hiện tại, đảo quốc sư tử đã chuyển hướng, tập trung đào tạo trẻ, dùng nguồn lực tại chỗ. Indonesia thời gian quan ồn ào khi nhập tịch cầu thủ ồ ạt nhằm tăng cường sức mạnh. Có thời điểm, đội tuyển Indonesia ra sân mà không có cái tên bản địa nào. Chính những cầu thủ trưởng thành ở châu Âu đã giúp đội bóng xứ vạn đảo gia tăng sức mạnh đáng kể, bằng chứng là thày trò HLV Shin Tae-yong đang chơi tốt tại vòng loại thứ 3 World Cup 2024.

Trên thế giới, câu chuyện nhập tịch cầu thủ càng phổ biến. Trong đó, rất nhiều cái tên lừng lẫy như Miroslav Klose, Lukas Podolski (gốc Ba Lan, chơi cho đội tuyển Đức); Mesut Ozil (gốc Thổ Nhĩ Kỳ, chơi cho tuyển Đức); Pepe, Deco (gốc Brazil, chơi cho đội tuyển Bồ Đào Nha); Patrick Vieira (gốc Senegal, chơi cho tuyển Pháp)…

Việt Nam nên ứng xử thế nào?

Trong cuộc trò chuyện với Báo Giao thông mới đây, HLV Kim Sang-sik khẳng định, việc sử dụng cầu thủ nhập tịch phù hợp với dòng chảy thời đại và ông để ngỏ khả năng tiếp tục triệu tập cầu thủ nhập tịch lên tuyển để tăng cường sức mạnh.

Điểm chung của các đội bóng Đông Nam Á khi dùng cầu thủ nhập tịch là đều thấy đuối với cầu thủ bản địa. Tại AFF Cup 2024, nếu không có Xuân Son, tuyển Việt Nam rất khó vô địch.

Nhưng chẳng đội bóng nào có thể vươn tầm, phát triển bền vững với cầu thủ nhập tịch, cốt lõi vẫn phải là cải thiện khả năng đào tạo, huấn luyện để thúc đẩy tối đa năng lực cầu thủ bản địa.

Chuyên gia Lê Thế Thọ

Trong khi đó, ông Trần Anh Tú, Phó chủ tịch VFF cũng nhấn mạnh, tổ chức này vẫn chủ trương tạo điều kiện cho các cầu thủ nhập tịch có nguyện vọng và khát khao được cống hiến cho đội tuyển. Tuy nhiên, việc lựa chọn cầu thủ nào là quyết định của HLV trưởng và phải giữ được bản sắc.

"Trong tương lai, bóng đá Việt Nam vẫn cần tập trung công tác đào tạo trẻ, đây mới là hướng đi lâu dài và bền vững", ông Tú nói.

Đồng quan điểm, bình luận viên Vũ Quang Huy cho rằng, đội tuyển Việt Nam có thể sử dụng thêm cầu thủ nhập tịch nhưng nên hạn chế khoảng 3-4 vị trí, còn lại vẫn phải bồi đắp nội lực.

"Chúng ta không nên nhập tịch ồ ạt mà chỉ tập trung vào những vị trí thực sự cần. Ví dụ như vị trí tiền đạo lâu nay các HLV đều than không có chân sút tốt, ngoài Xuân Son vẫn cần thêm một cái tên nữa để chia lửa. Ở hàng tiền vệ, chúng ta cũng cần thêm một tiền vệ chơi mạnh mẽ, toàn diện cả công và thủ. Tương tự là hàng thủ, nên bổ sung thêm một trung vệ cao to, tì đè và không chiến tốt", ông Huy nói.

Ở góc độ khác, chuyên gia Lê Thế Thọ đánh giá, việc sử dụng cầu thủ nhập tịch ở đội tuyển Việt Nam không thể so sánh với các quốc gia khác: "Đơn cử thế này, một cầu thủ da màu hoàn toàn có thể được chào đón tại tuyển Anh hay tuyển Pháp bởi sắc tộc của họ không rõ ràng.

Nhưng với tuyển Việt Nam thì khác bởi tính dân tộc của chúng ta rất cao. Bởi vậy, việc nhập tịch cầu thủ giống như đánh bạc, nếu họ chơi tốt thì không sao nhưng họ chơi dở là sẽ bị lên án, chỉ trích. Trường hợp Xuân Son được ca ngợi vì cậu ấy gánh cả hàng công nhưng không ai đảm bảo các cầu thủ nhập tịch kế tiếp lên tuyển sẽ đá hay".

Từ phân tích như vậy, ông Thọ kết luận, hiện việc dùng cầu thủ nhập tịch là vào cái thế phải vậy, càng không vi phạm quy định của FIFA, luật pháp Việt Nam nên đội tuyển có thể sử dụng nếu nhận thấy có nhu cầu.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.