Các bệnh viện sẵn sàng, không đùn đẩy bệnh nhân trong ngày Tết |
Tết Nguyên đán bắt đầu nghỉ từ 26/1 đến ngày 1/2, thời gian nghỉ kéo dài 7 ngày nên các bệnh viện phải lên kế hoạch trực Tết để khám, cấp cứu cho người bệnh.
Những ngày này, Bệnh viện E đã ban hành kế hoạch và lịch trực Tết của các điều dưỡng, bác sĩ nhằm chăm sóc điều trị bệnh nhân nặng không thể về nhà, để người bệnh có cái Tết ấm áp ngay tại viện. Công tác chuyên môn, khám chữa bệnh của nhân viên y tế trong 5 ngày nghỉ Tết cũng được đảm bảo để "không một bệnh nhân nào bị từ chối điều trị, khám bệnh".
Theo BS Trần Quốc Khánh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện E, năm nay, bệnh viện bố trí khoảng từ 120-150 cán bộ trực Tết nhằm đảm bảo công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh phục vụ người bệnh và an ninh trật tự tại BV. Tuy nhiên, so với mọi năm, cơ số trực có cả bác sĩ, điều dưỡng được tăng cường gấp từ 3-5 lần cho các khoa trọng điểm như Khoa Cấp cứu ban đầu, Hồi sức tích cực, Sản phụ khoa, Bệnh nhiệt đới (đề phòng khi có ngộ độc tập thể)… Ca trực 24/24h với 3 BS nội, 5 BS ngoại và các điều dưỡng nhằm cấp cứu bệnh nhân kịp thời nhất. Khoa Dược chuẩn bị và dự trù cung cấp cơ số thuốc men cấp cứu và điều trị trong dịp Tết Nguyên đán.
Ngoài ra, BV cũng chuẩn bị đầy đủ máu, các chế phẩm của máu và các trang thiết bị khác như điện, nước, xe vận chuyển bệnh nhân nội viện, đội trực xe cứu thương, đảm bảo thông tin thông suốt, hệ thống mạng nội bộ hoạt động tốt, đảm bảo việc thu viện phí, phòng chống cháy nổ, dân quân tự vệ… sẵn sàng phục vụ bệnh nhân một cách tốt nhất.
BS Lê Việt Trung, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện E cho biết, năm nay, đặc trưng là ngày nghỉ Tết dài thì số lượng bệnh nhân dự báo sẽ tăng hơn năm ngoái (50-60 bệnh nhân) với đủ các mặt bệnh như chấn thương sọ não do sử dụng bia rượu gây tai nạn giao thông, ngộ độc rượu, thực phẩm…
Tại BV Bạch Mai, PGS. TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV cho biết, các đơn vị liên quan trực tiếp đến công tác khám, chữa bệnh trước khi nghỉ Tết cân nhắc việc cho người bệnh ổn định có thể điều trị ngoại trú hoặc chuyển tuyến y tế cơ sở theo dõi, điều trị tiếp. Đặc biệt, PGS. Nguyễn Quốc Anh nhấn mạnh: "Tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng đùn đẩy người bệnh, tránh gây phiền hà cho người bệnh và gia đình người bệnh". Các đơn vị, khoa phòng có kế hoạch đảm bảo tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh đặc biệt trong công tác tiếp đón và xử trí những tình huống cấp cứu trong đó đảm bảo tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ bất cứ trường hợp nào. Người bệnh sau cấp cứu ổn định, chuyển cơ sở y tế khác điều trị tiếp thì bác sĩ phải giải thích đầy đủ cho người bệnh và người nhà hiểu. Dự trù đầy đủ thuốc, vật tư y tế tiêu hao đảm bảo phục vụ người bệnh, tuyệt đối không để người bệnh phải mua thuốc ở ngoài.
Trong những ngày Tết, ban lãnh đạo BV Bạch Mai cũng yêu cầu nhân viên tiếp tục duy trì và nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, giao tiếp ứng xử ân cần, hòa nhã. Các đơn vị có thể mở hệ thống tư vấn và tái khám theo yêu cầu để giảm tải cho hệ thống cấp cứu cũng như đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Bệnh viện cũng chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị trong tình huống có dịch bệnh, ngộ độc tai nạn cấp cứu hàng loạt. Nhất là các khoa Ngoại tổng hợp, Phẫu thuật sọ não, khoa Chấn thương chỉnh hình và Cột sống, khoa Cấp cứu, Trung tâm Chống độc, khoa Truyền nhiễm, khoa Nhi, khoa Hồi sức tích cực.
Trước đó, Bộ Y tế đã gửi công văn tới các BV, sở y tế các tỉnh yêu cầu các bệnh viện phải đảm bảo công tác điều trị cũng như báo cáo thường xuyên với Bộ Y tế về sô bệnh nhân điều trị, nhập viện, tai nạn giao thông, tử vong trong những ngày nghỉ Tết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận