Đường bộ

Tuyệt đối không để "ngăn sông cấm chợ" trong vận chuyển hàng hóa

11/06/2021, 20:14

Bộ GTVT họp với các Bộ, ngành rà soát, tháo gỡ cơ chế chính sách liên quan việc lưu thông hàng hóa, tránh đứt gãy khi vận chuyển...

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn chủ trì cuộc họp

Chiều nay (11/6), Bộ GTVT tổ chức cuộc họp với các Bộ: Công an, Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để rà soát và tháo gỡ cơ chế chính sách liên quan việc lưu thông hàng hóa, tránh bị đứt gãy khi vận chuyển hàng hóa mùa dịch.

Kiểm soát dịch tiêu cực cản trở lưu thông hàng hóa

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, Chính phủ đã có Công điện 789/2021 yêu cầu Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các Bộ rà soát lại các điều kiện đi đến nơi có dịch, chấn chỉnh kịp thời các biện pháp quá mức cần thiết, gây ách tắc vận tải, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh.

"Sau khi rà soát, Bộ GTVT chưa ban hành văn bản nào ảnh hưởng đến hoạt động vận tải đi và đến nơi có dịch, làm ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông hàng hóa", Thứ trưởng Tuấn nêu.

Liên quan đến lĩnh vực đường bộ, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết đã có văn bản hướng dẫn cụ thể cách thức phòng chống dịch đối với lái xe, phương tiện vận chuyển hàng hóa từ vùng có dịch ra vùng an toàn và ngược lại từ vùng an toàn vào vùng có dịch.

"Nhiều lái xe cho biết họ đã xét nghiệm, đã tiêm vắc xin, hàng hóa được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng đi qua các chốt kiểm dịch vẫn mất nhiều thời gian. Họ đề xuất có cách nào để xe có thể lưu thông nhanh, giảm thời gian qua các chốt kiểm soát." ông Dương Duy Hưng, Vụ phó Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho hay, CSGT đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch như: xử nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang khi đi xe khách.

Tuy nhiên, ông Đức cho biết, mỗi địa phương đang có biện pháp phòng, chống dịch khách nhau. Có địa phương triển khai giải pháp mạnh khiến các hoạt động “đóng băng”. Đơn cử Thừa Thiên - Huế, tuy chưa có dịch nhưng lại có cách triển khai cực đoan như: cấm cả hai đầu, không cho ra vào. Hay TP Hồ Chí Minh kiểm soát dịch gây ùn tắc rất lớn. Bên cạnh đó, Quảng Ninh và Hải Dương hay TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai cấm không cho lưu thông giữa hai địa phương.

Ông Dương Duy Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho hay, các văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT tập trung vào tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển lưu thông hàng hóa, không có văn bản gây cản trở. Tuy nhiên, có một số địa phương giai đoạn đầu của dịch bệnh đã ban hành văn bản có tính chất “khắc nghiệt” gây cản trở lưu thông hàng hóa như Hải Phòng và một số địa phương tập trung hàng hóa xuất khẩu. Gần đây nhất là Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh.

Trước tình trạng “ngăn sông cấm chợ” trên, Bộ Công thương đã hướng dẫn các địa phương tiêu thụ và lưu thông hàng hóa. Yêu cầu đầu tiên là sản phẩm hàng hóa sản xuất và lưu thông phải đảm bảo an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, việc này không thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương mà thuộc trách nhiệm của Y tế và Nông nghiệp. Hàng hóa nông sản rất dễ hỏng, yêu cầu vận chuyển khắt khe và phải nhanh nhưng lại yêu cầu lái xe có xét nghiệm trong 3 ngày gần nhất. Chi phí xét nghiệm tốn kém, ảnh hưởng đến đồng lương của lái xe.

Lý giải về phản ánh mất nhiều thời gian và tốn kém kinh phí xét nghiệm dịch bệnh, đại diện Bộ Y tế cho hay, Bộ Y tế đã quy định thực hiện xét nghiệm hai lần bằng test nhanh kháng nguyên Covid-19 đối với người vận chuyển trước khi đến và quay về từ vùng có dịch.

img

Các địa phương đang có nhiều cách kiểm soát dịch khác khau gây khó khăn trong lưu thông hàng hóa - Ảnh minh họa

Cần "luồng xanh" trong vận tải

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cũng cho rằng, để lưu thông hàng hóa nhanh hơn, có thể nghiên cứu tạo “luồng xanh”, ưu tiên riêng khi phương tiện, lái xe đã đầy đủ giấy tờ phòng, chống dịch.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức cũng cho rằng, Cục CSGT đã chỉ đạo CSGT các địa phương tạo điều kiện tối đa lưu thông hàng hóa, phục vụ sản xuất và kinh doanh. Không tùy tiện dừng phương tiện để kiểm soát. Đồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ vào xử phạt như: xử phạt nguội vi phạm qua hình ảnh.

“Để đạt được mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế” cần có cơ chế áp dụng công nghệ, mỗi địa phương thành lập trang điện tử để tra cứu thông tin về y tế của phương tiện, con người. Cũng có thể xây dựng app để người dân khai báo y tế và sử dụng để qua chốt kiểm dịch”, Thiếu tướng Đức nói.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, vận chuyển hàng hóa và hành khách đi và đến giữa các vùng dịch còn nhiều tồn tại kiểu “ngăn sông cấm chợ”. Liên quan đến đề xuất ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý phương tiện và người lái, Thứ trưởng Tuấn cho biết, Bộ GTVT sẽ báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia để chỉ đạo triển khai.

"Bộ GTVT sẽ thành lập tổ xử lý nhanh vướng mắc, trong đó có sự tham gia của các Bộ, ngành. Tổ này sẽ giải quyết các vướng mắc trong vận chuyển hành hóa tại địa phương theo từng chức năng nhiệm vụ của từng Bộ, ngành để vận tải hàng hóa qua chốt kiểm dịch nhanh nhất", Thứ trưởng Tuấn nói.

Liên quan việc tạo “luồng xanh” trong vận tải, Thứ trưởng giao Tổng cục Đường bộ VN nghiên cứu trên cơ sở tham khảo ý kiến của các Hiệp hội vận tải.

Với lĩnh vực hàng hải, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho hay, từ đầu năm đến nay, nhờ thực hiện tốt công tác phòng, chóng dịch, hàng hóa được vận chuyển thông suốt, tăng ổn định. Sản lượng hàng hóa qua các cảng biển đều tăng 8 - 10%. Thời kỳ cao điểm dịch, hoạt động vận chuyển hàng hóa vẫn ổn định, các trung tâm đầu mối hàng hóa cảng biển như TP HCM, Hải Phòng sản lượng vận chuyển vẫn ở mức cao.

“Điều này minh chứng cho việc Bộ GTVT cũng như Cục Hàng hải VN chưa có quy định nào gây khó khăn cho hoạt động vận chuyển hàng hóa tại các cảng biển”, ông Giang cho biết.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.