Mùa bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đã bắt đầu khởi động và chắc chắn những ứng cử viên tiềm năng như ông Donald Trump không thể bỏ qua thông tin và dữ liệu được thu thập ngầm qua hàng triệu các thiết bị phát trực tuyến trên tivi như Roku và Vizio. Tại sao các chính trị gia lại quan tâm đến vấn đề này?
Người xem bị theo dõi mà không hề hay biết
Dữ liệu từ các thiết bị kết nối với TV thông minh thực chất là nguồn cung cấp thông tin giá trị về những mối quan tâm chính của người dân. Dựa trên những dữ liệu này, các ứng viên có thể xây dựng chiến lược và mục tiêu vận động tranh cử đánh trúng vào tâm lý cũng như mong muốn của tất cả các cử tri tiềm tàng.
Thực tế, từ năm 2017, công ty cung cấp thiết bị Vizio đã bị Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ và bang New Jersey phạt 2,2 triệu USD vì cáo buộc các sản phẩm của nhà sản xuất TV thông minh này đã theo dõi người tiêu dùng chi tiết theo từng phút trong khi họ không hề biết hoặc cho phép điều này.
Sau đó, Vizio đánh giá dữ liệu người xem từ các nhà cung cấp dịch vụ cáp hoặc băng thông rộng, các thiết bị streaming, truyền thông, DVD… Đỉnh điểm, Vizio thu thập khoảng 100 tỷ tệp dữ liệu mỗi ngày từ hàng triệu chiếc ti vi thông minh.
Theo cáo trạng, công ty này cũng thúc đẩy nâng cấp các thiết bị TV cũ để họ có thể thu thập dữ liệu người dùng, bán dữ liệu đính kèm cho các “bên thứ 3” muốn theo dõi thói quen xem của người sử dụng.
Sau 2 năm, đến thời điểm hiện tại, người dùng Mỹ vẫn bị theo dõi. Khoảng 3/4 hộ gia đình Mỹ có ít nhất 1 TV kết nối internet hoặc một chiếc TV thông minh giống như những mẫu thiết bị chiếu hình có sự hỗ trợ của Vizio hoặc hộp truyền nội dung TV như Roku và Amazon Fire TV.
Ủy ban Thương mại Quốc gia Mỹ (FTC) cho rằng, việc thu thập dữ liệu khách hàng không phải là sai trái nhưng họ cần phải biết có hoạt động đó và lựa chọn tham gia.
Nhưng, thực tế, hành khách rất dễ bị nhấn chọn mà không để ý. Nếu bạn có một chiếc TV thông minh hoặc thiết bị có kết nối, nó sẽ tạo ra cơ hội tốt cho các nhà sản xuất thu thập dữ liệu về thói quen xem, vị trí và số series thiết bị.
Nghiên cứu từ Đại học Princeton và Đại học Chicago chỉ ra, TV thông minh là thiết bị truyền lượng lớn thông tin một cách mập mờ. “Hiện tại, chưa hề có thiết bị sử dụng công nghệ “Internet of things” (internet vạn vật) nào nói rõ với người dùng về các vấn đề an ninh và riêng tư”, ông Danny Huang, Giáo sư về Khoa học Máy tính tại Đại học Princeton dẫn đầu dự án này cho biết và nhấn mạnh: “Hiện tại, chưa có bất cứ công cụ tốt nào cho phép người dùng thông thường phát hiện ra điều đó”.
Dữ liệu được dùng cho mục đích chính trị
Những thông tin, dữ liệu thu thập được không chỉ giá trị với các nhà quảng cáo mà còn là mối quan tâm lớn của các chính trị gia. Trong cuộc đua tới Nhà Trắng năm 2020 này, đang có không ít nhóm chiến dịch tranh cử sử dụng dữ liệu TV thông minh kết hợp với thông tin từ cử tri để phân tích, lên kế hoạch và nhắm tới trúng đối tượng cần vận động.
Cách tiếp cận của các chính trị gia không khác so với cách thức mà các nhà quảng cáo đang thực hiện từ trước đến nay đó là theo dõi xem người dân quan tâm vấn đề gì và quảng bá dựa theo đó.
Chẳng hạn, một nhà sản xuất ô tô có thể quảng cáo trên chương trình Top Gear; công ty khởi nghiệp về thực phẩm có thể quảng cáo trên Top Chef. Nhưng hiện nay, các chiến dịch bầu cử có thể kết hợp dữ liệu phân mảng và tinh vi phức tạp mà họ vốn đã có kết hợp với những thông tin mà các nhà sản xuất TV thông minh thu thập được để nhắm tới từng nhóm cử tri nhỏ với mức độ chính xác cao nhất.
Từ năm 2002, nhiều công ty như Aristotle, eMerges và NationBuilder đã xây dựng nền kinh doanh béo bở nhờ việc tập hợp các dữ liệu về thông tin cử tri phân theo mảng - tên, địa chỉ, giới tính, chủng tộc, phe đảng, lịch sử bầu cử, lịch sử quyên góp tiền bầu cử… và bán cho các chiến dịch chính trị.
Các nhóm vận động hoặc bên thứ 3 đại diện cho họ, đang làm việc với nhiều nhà cung cấp như Vizio, Roku, Dish Network và Direc TV để khớp danh sách cử tri và khách hàng tương ứng với nhau.
Nhiệm vụ khớp này được hiểu đó là nhà môi giới dữ liệu sẽ đối chiếu dữ liệu của các cử tri vô danh với các hộ gia đình có sử dụng TV thông minh. Sau đó, một máy chủ quảng cáo kết nối với TV sẽ gửi quảng cáo tới các thiết bị của hộ gia đình được nêu ở trên tuỳ theo thói quen của họ.
Chẳng hạn, nếu TV thông minh của bạn biết gia đình bạn xem nhiều chương trình trẻ em và một chiến dịch tranh cử biết bạn đã đăng ký vào đảng Dân chủ, hiện đang sống tại một địa chỉ cụ thể tại ngoại ô Sacramento, California, khi kết hợp các thông tin này nó sẽ cho biết bạn là một phụ huynh và có thể nhắm tới bạn với những quảng cáo về ứng viên đang chạy đua vào ban điều hành trường học địa phương hoặc một ứng cử viên quốc gia có nền tảng hướng tới chăm sóc trẻ em.
Việc nhắm tới các hộ gia đình sử dụng phân tích dữ liệu người dùng, kết hợp các bộ dữ liệu khác nhau được gọi là “quảng cáo có địa chỉ” và nó chỉ là một phần nhỏ trong hàng tỉ USD được chi vào quảng cáo chính trị.
Là giám đốc lợi nhuận của công ty phân tích (đang làm việc với nhiều nhà quảng cáo và chương trình vận động tranh cử), ông David Seawright lý giải: Với chiến lược quảng cáo này, 4 gia đình trong cùng một khu vực có thể xem cùng một chương trình, cùng một thời điểm nhưng sẽ được tiếp cận các chương trình quảng cáo thương mại và chính trị khác nhau.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận