Ảnh minh họa. |
Trong mấy ngày qua, tỷ giá VND/USD biến động tăng khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó. Còn các doanh nghiệp xuất khẩu cũng chẳng thuận lợi hơn.
Nhập khẩu khó chồng khó
Ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinacam, doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu phân bón hoá học và kinh doanh nông sản cho biết, cách đây hai tuần, tỷ giá giữa VND và USD mới chỉ ở mức 21.300 đồng/USD. Nay tỷ giá đã tăng mạnh lên mức 21.500-21.540 đồng/USD, đồng nghĩa với việc phân bón nhập khẩu của doanh nghiệp này sẽ tăng giá theo.
“Với mức tăng của tỷ giá trong mấy ngày qua, chi phí đội lên đối với mỗi tấn hàng là khoảng 1,5 triệu đồng. Với mỗi đơn hàng hàng chục, hàng trăm tấn thì chi phí đội lên mà doanh nghiệp phải chịu không hề nhỏ”, ông Hải nói.
Ông Hải cho biết, khi biến động tỷ giá các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu đều phải tính đến để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, điều khó khăn là việc tăng tỷ giá sẽ tác động tới nông dân.
“Hiện giá lúa gạo xuống, Tây Nguyên hạn hán trong khi café lại mất giá từ 5 nghìn-6 nghìn đồng/tấn, nên nếu phân bón tăng giá thì nông dân phải tăng chi phí cho phân bón hoặc là sử dụng ít phân bón cho cây trồng đi, sẽ khiến doanh số bán hàng của Vinacam sụt giảm”, ông Hải phân tích.
Ông Trần Lâm, Giám đốc Công ty Nội thất Sông Hồng cũng đang lo lắng tỷ giá tăng khiến doanh nghiệp phải chi trả thêm cho đơn hàng gỗ nguyên liệu nhập khẩu đã đặt trước. Trong khi đó, mặt hàng xăng và điện cũng vừa mới được điều chỉnh tăng, khiến doanh nghiệp khó khăn chồng chất. “Cộng hưởng giá điện, giá xăng, nếu giá USD cứ diễn biến như những ngày qua thì giá cả hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu khó giữ được mức giá cũ”, ông Lâm dự đoán.
Xuất khẩu cũng kém vui
Biến động tỷ giá không chỉ tác động tới doanh nghiệp nhập khẩu mà còn tác động tới các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa nhưng lại nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Một lãnh đạo doanh nghiệp thủy sản chuyên xuất khẩu mặt hàng tôm và cá ba-sa sang thị trường châu Âu cho biết, do biến động mạnh về tỷ giá giữa USD và các đồng tiền khác như euro, yên, rúp, nhân dân tệ… đang có mức biến động rất lớn khiến hàng hóa của Việt Nam trên thị trường thế giới trở nên đắt đỏ hơn, làm giảm sức mua của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Không dừng ở đó, Công ty chứng khoán FPT trong bản đánh giá triển vọng 2015 vừa được phát hành cho biết, hiện nhiều đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam đang được đối tác chuyển sang thanh toán bằng euro. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp sẽ không được lợi bởi khi về tới Việt Nam, để đổi được sang VND, các ngân hàng đều quy sang USD để tham chiếu tỷ giá chuyển đổi.
Hay với các đối tác không dùng USD thanh toán thì khi doanh nghiệp Việt Nam đàm phán vẫn phải lấy USD làm “chuẩn”. “Do đó, dù tỷ giá VND/USD có tăng như mấy ngày qua thì so với mức biến động quá lớn của USD với các đồng tiền khác trên thị trường thế giới thì các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng không vui vẻ gì”, ông Vũ Duy Hải cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận