Ngày 14/9, tại Bạc Liêu, Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiên Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ghi nhận những kết quả xây dựng NTM của vùng ĐBSCL và ĐNB trong việc tác động tích cực đến cơ cấu sản xuất, lao động khu vực nông thôn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân về vật chất, tinh thần và đẩy mạnh công tác giảm nghèo.
“Điều đáng mừng là cho đến 2017, tất cả các tỉnh, thành của 2 vùng đều không còn nợ đọng về xây dựng NTM. Việc huy động sức dân ở 2 vùng này, tôi cho là vừa phải, không quá cao so với các vùng khác. Việc huy động sức dân quá nhiều chưa chắc đã tốt, trách nhiệm này là của cả nước chứ không phải chỉ riêng người nông dân”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định.
Phó Thủ tướng đề nghị từng địa phương phải rà soát lại, so sánh với các địa phương khác để phát huy kết quả làm được, khắc phục những tồn đọng. Từ đó, đưa ra được phương hướng phù hợp với địa phương mình trong giai đoạn tiếp theo.
“Đặc biệt, các địa phương phải phát huy tốt quan điểm lấy người dân làm chủ thể, nhưng không được huy động sức dân quá sức mà phải trên tinh thần tự nguyện, hợp lòng dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý các địa phương, không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được; cần chú ý công tác xem xét, công nhận đạt chuẩn NTM trên tinh thần không chạy theo thành tích mà phải đi vào chất lượng.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến hết tháng 7/2019, cả 2 vùng có 874/1.731 xã (50,49%) đã được công nhận đạt chuẩn NTM (tương đương với tỷ lệ bình quân chung của cả nước 50,8%). Trong đó, vùng Đông Nam Bộ có 311/445 xã đạt chuẩn NTM (đạt 69,89%, tăng 35,8% so với cuối năm 2015); ĐBSCL có 563/1.286 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 43,78%, tăng 30,88% so với cuối năm 2015).
Đến nay, vùng ĐNB gần 100% số xã có đường giao thông đến huyện, đường trục xã; 98% đường trục thôn được bê tông, nhựa hóa…; vùng ĐBSCL 97% số xã có đường đến huyện, 96,5% đường trục xã được bê tông, nhựa hóa; trên 91% số xã có đường trực thôn được rải nhựa, bê tông.
Trong giai đoạn 2010 - 2019, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình của hai vùng đạt 932.498 tỷ đồng, cao nhất cả nước (khoảng 40%). Trong đó, ngân sách đối ứng của địa phương 81.481 tỷ đồng; vốn huy động từ người dân và cộng đồng 79.553 tỷ đồng.
Riêng đối với tiêu chí về giao thông, toàn quốc hiện có 13 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã thì khu vực ĐBSCL có tới 11 xã. Khu vực ĐBSCL có 3.825 thôn bản thì 777 thôn bản chưa có đường ô tô tiếp cận; chỉ có 32/tổng số 92 huyện đạt tiêu chí số 02 về giao thông; 693 xã/1061 tổng số xã đạt tiêu chí về giao thông.
Đặc biệt, tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn khu vực ĐBSCL là thấp nhất trong cả nước (chỉ tiêu tỷ lệ km đường trục thôn xóm được cứng hóa đạt tiêu chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT ở khu vực ĐBSCL chỉ tương đương vùng Trung du, miền núi phía Bắc là vùng nghèo nhất nước; tỷ lệ đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa chỉ 30% được cứng hóa; và tỷ lệ đường trục chính nội đồng được cứng hóa cũng chỉ là 50%).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận