Đến ngày hôm nay (31/12), hầu hết các trạm thu phí trên cả nước đã vận hành thương mại thu phí tự động không dừng - Ảnh minh họa
Nhiều lợi ích từ thu phí không dừng
Nguồn tin của Báo Giao thông, tính đến ngày hôm nay (31/12/2020), có 91/116 trạm đã triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC). Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, thu phí không dừng giúp các nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng giám sát, quản lý và lưu vết từng giao dịch của phương tiện. Kết hợp cùng hệ thống thanh toán điện tử cho các giao dịch đã được xác minh, dịch vụ thu phí tự động đảm bảo lưu thông không dừng của phương tiện qua trạm thu phí với tỷ lệ chính xác cao.
Theo ông Toàn, chủ phương tiện dán thẻ và nạp tiền sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng sẽ giúp phương tiện không phải dừng lại mua vé chờ thanh toán, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nhiên liệu, giữ được tốc độ lưu thông ổn định, lưu thông nhanh hơn giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn. Chủ phương tiện chỉ cần có tài khoản giao thông do nhà cung cấp dịch vụ cung cấp, khách hàng nạp tiền và sử dụng cho tất cả các trạm thu phí ETC trên cả nước.
"Thu phí tự động không dừng còn giúp xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về giao thông, đồng bộ hoá các dịch vụ quản lý đô thị và giao thông thông minh, công khai, minh bạch, tránh thất thoát trong thu phí BOT và đặc biệt giảm thanh toán bằng tiền mặt", ông Toàn nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, việc Bộ GTVT áp dụng hệ thống thu phí tự động không dừng trên toàn quốc được xem là một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình công nghệ hóa hoạt động quản lý, vận hành giao thông tại Việt Nam.
"Thay vì trước đây sử dụng thu phí thủ công, huy động một lượng lớn nhân lực thực hiện các công việc, trong khi hiệu quả lại không cao, khó đảm bảo tính minh bạch, việc sử dùng dịch vụ thu phí không dừng quá tiện lợi, xe không phải xếp hàng khi qua trạm, hạn chế được tài xế gian lận phí", ông Quyền nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng cho biết, vấn đề đau đầu nhất đối với các doanh nghiệp là quản lý vé cầu đường đối với tài xế. Nhiều doanh nghiệp gặp phải tình trạng lái xe không qua trạm nhưng vẫn mua vé khống để về thanh toán với Công ty.
"Khi sử dụng thu phí tự động không dừng, doanh nghiệp vận tải hợp đồng trực tiếp với đơn vị cung cấp dịch vụ ETC và chuyển tiền trực tiếp cho đơn vị này, biết rõ được lộ trình xe chạy, chấm dứt được tình trạng gian dối của lái xe", ông Tiến nói.
Tỷ lệ nạp tiền sử dụng dịch vụ mới đạt khoảng 50%
Dịch vụ thu phí tự động không dừng hiện đang được nhiều nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore…triển khai. Câu hỏi đặt ra là vì sao một loại hình có nhiều ưu điểm, tiện lợi, minh bạch sau nhiều năm vẫn chưa thu hút được nhiều người sử dụng tại Việt Nam?
Tuy nhiên, tới nay, số lượng ô tô dán thẻ E-tag và tỷ lệ chủ xe nạp tiền vào tài khoản giao thông sử dụng cũng khá thấp.
Ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho biết, đến thời điểm này, cả nước mới có hơn 1 triệu phương tiện dán thẻ thu phí không dừng, trong tổng số hơn 3,5 triệu ô tô đang lưu hành trên cả nước (chiếm gần 30%). Trong đó có khoảng gần 50% phương tiện đã dán thẻ thường xuyên sử dụng. Nguyên nhân được ông Vinh chỉ ra là do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn lớn, dẫn tới chủ phương tiện chưa quen với việc dán thẻ và thanh toán qua tài khoản.
Về giải pháp thúc đẩy thu phí không dừng, theo ông Vinh, cần phải đảm bảo việc lưu thông thông suốt của xe sử dụng ETC khi đi qua trạm thu phí mà không phải dừng chờ các phương tiện sử dụng thu phí một dừng.
“Nhiều khách hàng ý kiến xe có thẻ ETC nhưng khi đi vào làn ETC lại vướng các xe không dán thẻ. Vì thế, cần có quy định những xe không dán thẻ sẽ không được vào làn ETC, khách hàng mới thấy được quyền lợi sử dụng thẻ ETC là tiện lợi, không bao giờ ách tắc”, ông Vinh nói.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, Tổng cục đã triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy việc dán thẻ thu phí không dừng, từ cấm phương tiện dừng đỗ quá 5 phút, đến việc xử phạt phương tiện chưa dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng.
Ngoài ra, phương tiện không dán thẻ hoặc không đủ tiền, trước đây có thể đi vào làn ETC, nhưng sau này chỉ được phép đi vào làn hỗn hợp ngoài cùng, cấm đi vào làn ETC, nếu vi phạm sẽ bị phạt hành chính. Đây được xem là các giải pháp kỹ thuật để các chủ xe tích cực, chủ động hơn trong việc dán thẻ cũng như sử dụng thẻ khi đi qua trạm thu phí, đồng thời cũng là quyền lợi của chủ phương tiện khi sử dụng thu phí không dừng.
"Sau 1 thời gian tuyên truyền, tới đầu năm 2021, chúng tôi sẽ thực hiện xử lý phạt sai làn đối với phương tiện không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng. Bởi các điều kiện căn cứ pháp lý và các hệ thống biển báo đã có đầy đủ. Cùng với đó, đến thời điểm này tài khoản giao thông của hai nhà cung cấp dịch vụ đã kết nối với các ví điện tử và tài khoản tại các ngân hàng, giải quyết được lo lắng đọng tiền tiền trong tài khoản của chủ phương tiện. Vấn đề hiện nay là cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết cách nạp tiền sử dụng dịch vụ", ông Huyện nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận