Thị trường

Tỷ lệ lấy mẫu kiểm tra thanh long, mỳ tôm quá cao, Việt Nam họp bàn với EU

25/06/2022, 10:48

Tỷ lệ lấy mẫu hàng thanh long, mỳ tôm để kiểm tra dư lượng hóa chất MRL là 20%, với rau gia vị là 50%. Đây là mức quá cao và khắc nghiệt...

Đề nghị giảm tần suất kiểm tra dư lượng

Trao đổi với Báo Giao thông TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết, chiều 23/6/2022 (giờ Geneva, Thụy Sĩ), đoàn công tác Việt Nam gồm Đại diện Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Đại diện Bộ Công thương do Văn phòng SPS Việt Nam dẫn đầu đã họp song phương với phía Châu Âu (EU). Đây là sự kiện bên lề phiên họp thứ 83 của Ủy ban SPS-WTO, diễn ra từ 22-24/6.

Tại cuộc họp, TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Trưởng Đoàn công tác Việt Nam đề nghị “được thông tin về những căn cứ để EU đưa ra việc tăng, giảm tần suất kiểm tra sản phẩm, hàng hóa nông sản thực phẩm nhập khẩu vào EU, đặc biệt là những quy định cho quả thanh long, mỳ tôm, rau gia vị (rau mùi, húng quế (ngọt), bạc hà, ngò tây)…

img

Phái đoàn Việt Nam do TS. Ngô Xuân Nam làm trưởng đoàn, đã họp song phương với phía Châu Âu (EU) để làm rõ việc kiểm tra dư lượng chất tồn dư trong thực phẩm

Đồng thời, phía Việt Nam cũng đề nghị EU xem xét và cung cấp số liệu về mức độ không tuân thủ của mì ăn liền, liên quan đến tiêu chuẩn dư lượng Ethylene Oxide. Từ đó, để đi đến thống nhất các giải pháp nhằm giảm tần suất kiểm tra, giúp doanh nghiệp (DN), người dân đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu.

Sở dĩ đưa ra đề nghị trên, TS. Ngô Xuân Nam lý giải, hiện tỷ lệ kiểm tra lấy mẫu hàng thanh long, mỳ tôm để kiểm tra dư lượng hóa chất tồn dư trong sản phẩm (MRL) là 20%, và tỷ lệ kiểm tra với rau gia vị là 50%.

“Tỷ lệ lấy mẫu hàng hiện tại quá cao và khắc nghiệt với hàng rau quả Việt Nam, vì sau khi lấy mẫu kiểm tra nghĩa là DN bị mất đi một giá trị hàng bao gồm giá hàng, cộng chi phí logistics cao ngất ngưởng”, ông Nam nói.

Việc tỷ lệ lấy mẫu cao, trong khi, Việt Nam đang thực hiện tốt việc kiểm soát mức giới hạn dư lượng cho phép với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, được Trưởng Đoàn công tác Việt Nam đánh giá là “chưa hợp lý”.

Cụ thể, số liệu thống kê trên hệ thống RASFF từ Văn phòng SPS Việt Nam cho thấy, trong năm 2021 không có lô hàng thanh long không phù hợp quy định an toàn thực phẩm của EU. Còn năm 2022, chỉ có 2 lô hàng không phù hợp quy định, gồm 1 lô hàng “bị giảm chất lượng cảm quan” và 1 lô hàng tồn dư dithiocacbamat.

“Điều này thể hiện, Việt Nam đã thực hiện tốt việc kiểm soát mức giới hạn dư lượng cho phép với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”, ông Nam nói.

Ông Nam cũng cho biết, tại cuộc họp, Bộ Công thương cũng đã giải trình thêm về việc sản phẩm mì tôm Việt Bam bị các nước Đức, Thụy Điển, Hà Lan, Na Uy... ra cảnh báo và Ireland thu hồi vào năm 2021 vì chứa chất Ethylene Oxide vượt ngưỡng.

Tuy nhiên, vị này cho rằng, từ sau tháng 8/2021 (thời điểm xẩy ra sự việc), Việt Nam đã chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất của DN, vì thế hạn chế được tối đa vi phạm về dư lượng Ethylene Oxide. Do đó, việc đề xuất giảm tần suất kiểm tra dư lượng cho mặt hàng này cũng đáng được xem xét…

img

Tỷ lệ lấy mẫu hàng thanh long để kiểm tra dư lượng hóa chất tồn dư của thanh long 20%

Sẽ họp rà soát vào tháng 12, DN cần liên kết để đạt hiệu quả

Phản hồi những kiến nghị của Việt Nam, theo ông Nam, TS Lorenzo Terzi, Trưởng đoàn đàm phán EU trong Ủy ban SPS/WTO chia sẻ: Để làm căn cứ để giảm tần suất hoặc huỷ kiểm tra sản phẩm nông sản của Việt Nam, tới đây, bộ phận kỹ thuật của Việt Nam và EU theo Hiệp định EVFTA cần phối hợp để rà soát số liệu thống kê về các cảnh báo của EU đối với nông sản Việt Nam.

“Họ thống nhất, đến tháng 12 năm nay sẽ họp rà soát để đưa ra kết luận về kiến nghị của Việt Nam”, ông Nam nói và nhấn mạnh, bây giờ là thời điểm DN cần hành động để đạt được mục tiêu chung là giảm tần suất kiểm tra.

Do đó, ông Nam lưu ý, các DN phải tìm hiểu và hiểu đúng các quy định của thị trường EU về yêu cầu mức dư lượng tối đa, về bao bì nhãn mác và về chất lượng sản phẩm nói chung để tránh vi phạm.

Bởi, chỉ cần EU phát hiện ra vi phạm quy định, thì việc nâng tần suất kiểm tra mặt hàng đó sẽ được nâng cao hơn so với mức hiện tại.

“Một DN vi phạm mặt hàng nào thì tất cả DN Việt Nam đều chịu chung việc nâng tần suất kiểm tra mặt hàng đó khi xuất khẩu vào EU. Vì thế, DN phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau để đảm bảo tổ chức sản xuất, chế biến đáp ứng yêu cầu của thị trường EU", ông Nam bày tỏ.

Tại cuộc họp này, EU cũng đề nghị Việt Nam xem xét hồ sơ mở cửa thị trường cho một số mặt hàng của khối này vào Việt Nam, cũng như chi tiết hóa các quy định về phụ gia thực phẩm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.