Dưới 65 tuổi, tỷ lệ tử vong vì bia rượu cao hơn vì Covid-19
Theo thống kê, khoảng 1 triệu người Mỹ đã tử vong vì Covid-19 trong 2 năm qua.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng để xét về hậu quả liên quan tới Covid-19, cần phải mở rộng, tính cả những ca tử vong do mắc bệnh lý khác nhưng bị chậm trễ trong điều trị do các bệnh viện quá tải, tình trạng sử dụng thuốc quá liều và các gánh nặng khác với xã hội như lạm dụng bia rượu...
Nghiên cứu mới công bố của Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ cho thấy số lượng người Mỹ tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến thức uống có cồn tăng mạnh trong năm đầu tiên của đại dịch do những yếu tố như thói quen sống bị phá vỡ, thiếu sự hỗ trợ kịp thời và chậm trễ trong điều trị.
Số ca tử vong liên quan tới lạm dụng thức uống có cồn, bao gồm các trường hợp tai nạn và bệnh gan, lên tới 99.017 trường hợp trong năm 2020, tăng 25% so với 78.927 ca vào năm 2019, cao hơn tỷ lệ tăng ở tất cả nguyên nhân khác gộp lại (ở mức 16,6%).
Trong thời gian dịch bệnh, người Mỹ phải chịu thêm nhiều áp lực từ cuộc sống, công việc, cô đơn,... nên tìm đến rượu để giải khuây và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc
Hơn nữa, ở giai đoạn 1999-2019, mức tăng trung bình hàng năm các ca tử vong liên quan tới bia rượu chỉ là 3,6%. Dù trong những năm gần đây, số ca tử vong liên quan tới cồn có chiều hướng gia tăng, nhưng mức tăng giữa năm 2018 và 2019 cũng chỉ đến 5%.
Đáng chú ý, số ca tử vong liên quan tới bia rượu ở người Mỹ dưới 65 tuổi cao hơn cả số ca tử vong do Covid-19 trong năm 2020.
Cụ thể, 74.408 người Mỹ trong độ tuổi 16-64 tử vong vì các nguyên nhân liên quan tới bia rượu trong khi 74.075 người dưới 65 tuổi tử vong vì Covid-19.
Nhóm tuổi 25-44 có mức tăng tỷ lệ tử vong trong năm 2020 liên quan tới bia rượu cao nhất, tăng gần 40% so với năm 2019.
Xu hướng gia tăng này được ghi nhận ở cả nam giới, nữ giới, các nhóm thiểu số, sắc tộc.
Covid-19 gây thêm áp lực với người trưởng thành tại Mỹ
Theo ông Aaron White, một thành viên tham gia nghiên cứu đồng thời là chuyên gia nghiên cứu về tình trạng lạm dụng bia rượu cho biết trong thời gian đại dịch, người dân Mỹ đối mặt với tình trạng áp lực gia tăng, trầm cảm và hồi hộp cũng như lo ngại về bất ổn trên toàn cầu, đặc biệt là ở những người hồi phục sau khi mắc Covid-19.
Tình trạng này cũng kéo dài sang cả năm 2021 khi số liệu cho thấy số ca tử vong liên quan tới thức uống có cồn vẫn ở mức cao.
Bà Katherine Keyes, Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Columbia cho hay, vấn đề lạm dụng bia rượu đã tồn tại ở nước Mỹ trong nhiều năm, có xu hướng gia tăng ở người trưởng thành nhưng giảm ở thanh thiếu niên. Ngoài ra, trước khi đại dịch, những vấn đề về sức khỏe tâm thần cũng nổi cộm tại Mỹ nên người dân dễ sa vào tình trạng lạm dụng bia rượu khi dịch Covid-19 bùng phát.
Doanh số bán bia rượu tại Mỹ tăng vọt trong năm dịch bệnh đầu tiên ở mức cao nhất trong hơn 50 năm
Bà Keyes nhận định người trưởng thành trong độ tuổi 20-ngoài 40 chịu áp lực nhiều hơn khi phải học tập và làm việc từ xa, những người không có con cái cũng uống bia rượu nhiều hơn vì cô đơn.
Vị chuyên gia cũng nhận định khi sử dụng bia rượu tại nhà, người uống khó kiểm soát lượng bia rượu tiêu thụ và chi phí cho việc uống bia rượu cũng thấp hơn.
Theo ông John Kelly, Giáo sư tâm thần học tại Đại học Y Harvard, việc không thể tiếp cận hoặc ngần ngại điều trị trong giai đoạn phong tỏa hoặc quá tải về y tế cũng gây khó khăn cho những trường hợp cần được hỗ trợ y tế, làm gia tăng các ca tử vong do bệnh gan liên quan tới lạm dụng chất cồn, chiếm tới 1/3 trong tổng số ca tử vong liên quan tới bia rượu.
Theo tiến sĩ White, cùng với tỷ lệ tử vong đáng quan ngại trên, doanh số bia rượu tại Mỹ tăng 2,9% trong năm 2020 so với năm trước đó, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1968.
Trước tình trạng này, ông White cho rằng cần có cách tiếp cận mới để hướng dẫn người dân cách xử lý căng thẳng áp lực với thái độ tích cực hơn nhằm giải quyết tình trạng này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận