Gói lương trị giá khoảng 56 tỷ đô la (Mỹ) này là vụ kiện bồi thường lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ của một CEO công ty đại chúng. Tesla cho biết trên nền tảng truyền thông xã hội X, nơi Musk sở hữu, sẽ kháng cáo phán quyết vừa được đưa ra vào hôm qua (2/12). Trong khi đó, tỷ phú của SpaceX đăng đàn trên mạng X, mô tả phán quyết trên là "bất công".
Hồi tháng 1/2024, Thẩm phán Kathaleen McCormick ra phán quyết hủy bỏ gói lương trị giá 56 tỷ đô la dành cho ông Musk. Bà McCormick cáo buộc tỷ phú này đã "kiểm soát Tesla" và áp đặt các điều khoản bồi thường không công bằng đối với Hội đồng quản trị. Quá trình dẫn đến việc phê duyệt kế hoạch lương này được cho là "có nhiều thiếu sót nghiêm trọng".
Sau phán quyết trên, Tesla đã tiến hành cuộc bỏ phiếu cổ đông hồi tháng 6 tại cuộc họp thường niên ở Austin, Texas, yêu cầu các nhà đầu tư "xác nhận" kế hoạch lương CEO năm 2018 của Musk. Các luật sư của Musk đã cố gắng thuyết phục thẩm phán đảo ngược phán quyết sau phiên tòa, dựa vào kết quả cuộc bỏ phiếu này. Tuy nhiên, Thẩm phán McCormick bác bỏ lập luận trên, nói rằng cuộc bỏ phiếu của cổ đông không thể hợp pháp hóa một quá trình sai lầm.
"Ngay cả khi cuộc bỏ phiếu của cổ đông ủng hộ Musk, nó cũng không thể làm như vậy ở đây. Nếu tòa án dung túng, sửa đổi phán quyết không công bằng, đó sẽ là tiền lệ xấu và các vụ kiện sẽ diễn ra vô tận", bà McCormick nói.
Cùng với việc từ chối đề xuất từ các luật sư của Musk, Thẩm phán tiểu bang Delaware cũng phê duyệt khoản phí trị giá 345 triệu đô la cho các luật sư thành công trong việc khiến Tesla phải hủy bỏ kế hoạch trả lương cho người đàn ông giàu có nhất hành tinh.
"Chúng tôi hài lòng với phán quyết của Thẩm phán McCormick sau khi từ chối đề xuất từ Tesla trong vụ kiện tụng phức tạp này", các luật sư từ Bernstein, Litowitz, Berger & Grossmann - công ty đại diện cho nguyên đơn, chia sẻ với hãng tin CNBC.
Sau phán quyết hồi tháng 1, Musk công khai chỉ trích tòa án Delaware với bài đăng trên X lời mỉa mai: "Đừng bao giờ thành lập công ty của bạn tại tiểu bang Delaware". Tiếp đó, Tesla tổ chức bỏ phiếu để tái thành lập công ty tại Texas và chính thức chuyển địa điểm thành lập doanh nghiệp tại đó. Ngoài ra, Musk cũng chuyển địa điểm thành lập nhà thầu quốc phòng SpaceX từ Delaware đến Texas.
Bất chấp vướng mắc về pháp lý, giá trị tài sản ròng của Musk tăng đáng kể trong những tuần gần đây. Không tính gói lương 56 tỷ đô la, ông chủ SpaceX vẫn kiếm thêm 43 tỷ đô la kể từ chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi đầu tháng 11. Cổ phiếu Tesla đã tăng 42% trong 4 tuần kể từ cuộc bầu cử, do sự lạc quan trước viễn cảnh tân Tổng thống sẽ ủng hộ những chính sách có lợi cho các doanh nghiệp của Musk.
Cổ phiếu Musk nắm giữ tại Tesla có giá trị gần 150 tỷ đô la căn cứ vào giá đóng cửa hôm thứ Hai. Chỉ riêng điều đó, không bao gồm cổ phần tại SpaceX, ông chủ mạng xã hội X vẫn bỏ xa những tỷ phú đứng sau trong danh sách những người giàu có nhất hành tinh.
Theo Equilar ước tính, với giá cổ phiếu hiện tại, gói trợ cấp 56 tỷ năm 2018 của Musk có giá trị lên tới 101,4 tỷ đô la.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận