Khi được phóng viên CNN hỏi rằng liệu ông có ý định quyên góp phần lớn tài sản trong suốt cuộc đời hay không, nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos khẳng định: “Tôi có”.
Theo CNN, đây là lần đầu tiên tỷ phú Mỹ thông báo về kế hoạch quyên góp phần lớn trong khối tài sản ròng trị giá 124 tỷ USD cho công tác thiện nguyện, tập trung vào chống biến đổi khí hậu và đoàn kết người dân trong thế giới chia rẽ sâu sắc về mặt xã hội và chính trị.
Ông Bezos thường bị chỉ trích vì không tham gia quỹ từ thiện Giving Pledge - chiến dịch đã nhận được chữ ký của hàng trăm cá nhân giàu nhất thế giới cam kết cho đi phần lớn tài sản để làm từ thiện. Theo Bloomberg Billionaires Index, ông Bezos hiện là tỷ phú giàu thứ 4 thế giới.
Tỷ phú Jeff Bezos. Ảnh - CNBC
Trong cuộc phỏng vấn với CNN, ông Bezos cho biết ông cùng bạn gái Lauren Sánchez đang “xây dựng năng lực để quyên góp” một cách hiệu quả.
“Điều khó nhất trong công tác thiện nguyện là tìm cách thực hiện để tạo ra đòn bẩy. Điều này không hề dễ dàng giống như quá trình xây dựng Amazon" - ông Bezos chia sẻ.
Theo tỷ phú Mỹ, tuy hiện nay có rất nhiều cách làm từ thiện nhưng không ít cách làm không hiệu quả, do đó, ông cho rằng cần suy xét kỹ lưỡng và quy tụ những thành viên xuất sắc trong đội ngũ trước khi thực hiện công việc này.
Tuy nhiên, ông Bezos từ chối đưa ra thông tin chi tiết về việc ông dự định quyên góp bao nhiêu phần trăm tài sản cho thiện nguyện hay số tiền này sẽ được sử dụng như thế nào.
Mới đây, ông Bezos và bà Sánchez đã thông báo trao khoản tài trợ trị giá 100 triệu USD cho ca sĩ nhạc đồng quê Dolly Parton trong khuôn khổ giải thưởng Bezos Courage and Civility 2022 để hỗ trợ cho những chiến dịch thiện nguyện của bà Parton. Ông Bezos chia sẻ rất vinh dự khi được cùng các cá nhân khác nhận tài trợ giải thưởng Courage and Civility để giúp giải quyết những thách thức lớn mà thế giới đang đối mặt.
Trước đó, ông Bezos đã cam kết quyên góp 10 tỷ USD trong 10 năm, tương đương 8% giá trị tài sản ròng hiện tại của vị tỷ phú, cho quỹ Bezos Earth Fund. Những ưu tiên của quỹ bao gồm giảm khí thải từ sản xuất xi măng, thép; kêu gọi các cơ quan quản lý tài chính quan tâm hơn tới nguy cơ về khí hậu; phát triển công nghệ theo dõi lượng phát thải cacbon; xây dựng bể chứa cacbon quy mô lớn sử dụng cây xanh.
Ông Bezos cũng tham gia tích cực vào quá trình phát triển Amazon theo hướng công ty xanh, thân thiện với môi trường dù đã rút khỏi vai trò Giám đốc điều hành Amazon vào năm 2021.
Ông Bezos cho hay Amazon là 1 trong 300 công ty cam kết giảm phát thải cacbon trước năm 2040 theo nguyên tắc của Thỏa thuận chung Paris về Biến đổi Khí hậu. Tuy nhiên, tổng lượng phát thải cacbon của Amazon vẫn tăng 18% vào năm 2021 do sự bùng nổ của thương mại điện tử do tác động từ dịch Covid-19.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận