Các cầu thủ U23 Việt Nam mừng bàn thắng trong trận gặp U23 Malaysia. |
Mỗi trận xoay một kiểu
Chặng đường tại vòng bảng bóng đá nam SEA Games 28 của thầy trò HLV Miura có thể coi là thành công với 4 chiến thắng. Dù còn một trận đấu với U23 Thái Lan nhưng U23 Việt Nam gần như đã chắc vé vào bán kết. Đáng nói hơn, U23 Việt Nam đã và đang khiến các đối thủ “hoa mắt” với những sự xáo trộn liên tiếp về mặt nhân sự.
Ở bốn trận đấu đã qua tại vòng bảng, đội hình ra sân của U23 Việt Nam không trận nào giống trận nào. HLV Miura từng tiết lộ ông sẽ tích cực xoay tua để đảm bảo thể lực cho các cầu thủ trước lịch thi đấu khắc nghiệt tại SEA Games 28. Nói là làm, trong số các học trò của mình, chỉ duy nhất thủ thành Phí Minh Long được ra sân cả bốn trận. Còn lại những vị trí khác thường xuyên có sự tráo đổi.
Cặp đôi trung vệ khi là Tiến Dũng - Ngọc Thịnh, khi là Tiến Dũng - Ngọc Hải hoặc Ngọc Thịnh - Ngọc Hải hay Tiến Dũng - Ngọc Thịnh. Hai hậu vệ biên cũng không phải là ngoại lệ khi Tấn Tài, Thanh Hiền, Minh Tùng, Mạnh Hùng được luân phiên sử dụng. Thậm chí, ngay cả những tiền vệ như Hữu Dũng, Đức Huy cũng “bị” HLV Miura đẩy xuống chơi ở “nách” hàng thủ.
Ở tuyến giữa, Ngọc Thắng, Huy Hùng, Duy Mạnh có 3 trận được điền tên vào đội hình xuất phát. Cậu học trò cưng của ông Miura là Huy Toàn cùng Đức Huy, Hữu Dũng chỉ có hai lần được ra sân ngay từ đầu. Trên hàng công, niềm hy vọng số 1 Công Phượng chỉ được ra sân 3 trận (một lần từ ghế dự bị). Phi Sơn là cầu được đá chính nhiều nhất với ba lần góp mặt trong đội hình xuất phát. Hồng Quân, Thanh Bình mỗi người mới chỉ một lần được... hát quốc ca.
Dù đội hình liên tục bị xáo trộn nhưng U23 Việt Nam vẫn đảm bảo được tính ổn định và chắc chắn trong lối chơi. Thậm chí, có những cầu thủ bị xếp đá trái kèo như: Hữu Dũng, Thanh Hiền hay Đức Huy cũng để lại sự yên tâm khi thi đấu tròn vai.
Lối chơi đa dạng
Không chỉ có được sự đa dạng về mặt con người, U23 Việt Nam còn cho thấy sự sự biến hóa trong cách vận hành chiến thuật. Ở trận ra quân gặp U23 Brunei, dù đối thủ bị đánh giá thấp nhưng HLV Miura không hề vội vàng trong cách tiệm cận. Vị thuyền trưởng người Nhật yêu cầu các học trò đá chậm, chắc và chờ cơ hội kết liễu đối thủ. Kết quả là dù không có được thế trận bão táp nhưng U23 Việt Nam vẫn ghi tới 6 bàn thắng.
Tới trận gặp U23 Malaysia, U23 Việt Nam sử dụng chiến thuật phòng ngự phản công. Trong khoảng 10 phút đầu HLV Miura chỉ đạo các học trò đá cầm chừng để tìm ra sơ hở của đối thủ. Khi đã phát hiện hàng thủ U23 Malaysia chậm và bọc lót kém giữa bộ đôi trung vệ và hậu vệ cánh, HLV Miura thúc các học trò xoáy mạnh vào điểm yếu này trong mỗi đợt phản công. Kết quả thì ai cũng đã thấy, cả bốn bàn thắng của U23 Việt Nam vào lưới U23 Malaysia đều xuất phát từ những pha bóng tốc độ.
Tới trận đá với Lào, U23 Việt Nam chủ động tấn công dồn ép đối thủ nhưng vấp phải sự kháng cự quyết liệt nên không thể hiện được nhiều mảng miếng có nét. Ngay lập tức, HLV “bắt bệnh” cho các học trò và U23 Việt Nam đã chơi rất khởi sắc và giành thắng lợi 4 - 0 trước U23 Đông Timor. Không thể nói Đông Timor yếu bởi chính đối thủ này đã khiến cả U23 Thái Lan và U23 Malaysia vã mồ hôi mới thắng nổi 1-0.
Vấn đề ở đây là U23 Việt Nam đã phát huy được kỹ thuật, tốc độ và khả năng phối hợp nhóm để tạo ra một thế trận pressing khắp mặt sân. Sức ép liên hồi từ đội bóng áo đỏ khiến hàng thủ U23 Đông Timor bộc lộ nhiều khoảng trống. Nếu tận dụng tốt hơn các cơ hội, thầy trò HLV Miura còn có thể ghi nhiều hơn bốn bàn thắng.Bốn trận toàn thắng từ đầu giải, ghi tới 16 bàn và chỉ để lọt lưới duy nhất một bàn, U23 Việt Nam rõ ràng đang khiến người hâm mộ yên tâm, đặc biệt khi nhìn vào những màn “biến hóa” của thầy trò HLV Miura. Nếu tiếp tục được vận hành trơn tru như hiện tại, việc đánh bại Thái Lan và nghĩ tới mục tiêu trận chung kết không phải là xa vời với Công Phượng cùng đồng đội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận