Danh hiệu Á quân giải châu Á 2018 của U23 Việt Nam sẽ là cú hích để bóng đá Việt Nam bùng nổ |
Sau tấm vé U20 World Cup 2017 của U20 Việt Nam, bóng đá nước nhà lại thêm một phen thao thức với ngôi vị á quân giải châu Á của U23 Việt Nam. Nhưng để chiến tích lịch sử của U23 Việt Nam trở thành cú hích cho cả nền bóng đá đi lên chắc chắn không thể là chuyện một sớm một chiều.
Cú hích cần thiết
Hành trình của U23 Việt Nam tại giải châu Á đã khép lại những chiến tích lịch sử của đội bóng này vẫn sẽ được nhắc tới trong nhiều ngày nữa. Thày trò HLV Park Hang-seo lên đường cùng hi vọng có điểm bởi cả ba đối thủ ở bảng D gồm: Hàn Quốc, Australia và Syria đều được đánh giá vượt trội. Tuy nhiên, gạt bỏ sự tự ti của một đội bóng đến từ Đông Nam Á, U23 Việt Nam đã chiến đấu bản lĩnh, kiên cường, hợp lý, tạo nên hết bất ngờ này tới bất ngờ khác. Ngay cả trong trận chung kết với Uzbekistan, dù phải thi đấu trên mặt sân dày tuyết, Xuân Trường cùng đồng đội vẫn chơi đầy nỗ lực và chỉ chịu thua trong những giây cuối cùng hiệp phụ thứ hai.
Danh hiệu Á quân giải châu Á 2018 của U23 Việt Nam tạo ra tiếng vang lớn và theo đánh giá của cựu danh thủ Hồng Sơn, thành tích này cho thấy, bóng đá Việt Nam có tiềm lực để phát triển nếu đi đúng hướng. Chuyên gia Vũ Mạnh Hải, nguyên Ủy viên BCH VFF cũng cho rằng, HLV Park Hang-seo đã chỉ cho chúng ta biết có thể làm gì. Như vậy, việc U23 Việt Nam thi đấu xuất sắc tại giải U23 châu Á 2018 vừa là cú hích vừa là cái đích để bóng đá Việt Nam hướng tới trong tương lai.
Đáng quý hơn, cú hích từ U23 Việt Nam đến vào đúng thời điểm bóng đá Việt Nam đang cực kỳ rối ren. Về mặt chuyên môn, ngoài điểm sáng bóng đá nữ (Vô địch SEA Games 29) và U15 Việt Nam (Vô địch U15 châu Á 2017), các đội tuyển bóng đá khác đều phải nhận thất bại trên trường quốc tế. Đáng kể nhất là việc U22 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng tại SEA Games 29. Trong khi đó, V-League để lại nhiều dấu hỏi về sự trong sáng. Về mặt tổ chức, VFF tỏ ra thiếu đoàn kết, thậm chí đấu đá nhau trước thềm Đại hội VIII diễn ra vào tháng 3 năm sau.
Biến lý thuyết thành thực tế
Trên lý thuyết, U23 Việt Nam sẽ là cú hích cho bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, để từ lý thuyết đi vào thực tế là cả một chặng đường dài. Ông Nguyễn Sỹ Hiển, Chủ tịch Hội đồng HLV Quốc gia cho rằng, điều đầu tiên các CLB ở V-League cần làm là phải tăng cường cơ hội cho các cầu thủ trẻ. “Cầu thủ trẻ là tương lai của cả nền bóng đá. Thử hỏi những Duy Mạnh, Công Phượng, Quang Hải... không thường xuyên được sử dụng ở CLB thì họ có thể chơi với đẳng cấp cao như vậy ở đấu trường châu Á? Chắc chắn không. Nếu các đội bóng đều chú trọng tới việc tạo sân chơi cho cầu thủ trẻ như: HAGL, Hà Nội, SLNA, tôi nghĩ bóng đá Việt Nam sẽ có thêm nhiều Quang Hải, Văn Đức, Đình Trọng, Duy Mạnh...”.
HLV kỳ cựu Vương Tiến Dũng cũng chia sẻ, muốn phát triển, bóng đá Việt Nam tiếp tục cần chăm chút cho thế hệ trẻ: “Lứa cầu thủ U23 hiện tại là kết quả sau 8-10 năm đào tạo và sẽ có hữu dụng trong khoảng 6-7 năm nữa. Đó chính là lợi ích của công tác đào tạo trẻ. Thành công ở giải vừa qua cho thấy, chúng ta đang đi đúng hướng và nhiệm vụ thời gian tới là phải làm đào trẻ một cách bài bản để tạo ra những lứa cầu thủ kế cận tài năng”.
Trong khi đó, ngoài việc khuyến khích công tác ươm mầm tài năng, ông Vũ Mạnh Hải chỉ ra những “đầu việc” cần làm để thành công của U23 Việt Nam lan tỏa, thúc đẩy bóng đá Việt đi lên. “Trước hết, VFF và những bộ phận chuyên môn cần ngồi lại tổng kết quá trình chuẩn bị, thi đấu ở giải U23 châu Á xem đâu là những nguyên nhân giúp chúng ta chơi tốt. Tìm được nguyên nhân rồi thì những giải sau cứ thế mà làm, phát huy. Ngoài ra, VFF cũng cần nghiên cứu, xây dựng lại hệ thống các giải thi đấu từ chuyên nghiệp tới giải trẻ sao cho phù hợp. Tôi nói đơn cử như việc các cầu thủ lứa U19 trở xuống chỉ đá khoảng hơn chục trận, như vậy là chưa đủ để các em phát triển các kỹ năng. Từ thực tiễn lứa U20, U23 hai năm gần đây, ta thấy chỉ có cọ xát mới giúp cầu thủ tiến bộ”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận