HLVToshiya Miura |
Lối chơi nhạt nhòa
Tính cả trận giao hữu với Đồng Nai diễn ra hôm 17/3, U23 Việt Nam đã đá tổng cộng bốn trận kể từ ngày hội quân. Tuy nhiên, dù đã trải qua quá trình tập luyện và thi đấu gần một tháng, U23 Việt Nam vẫn chưa định hình được phong cách rõ ràng. Trong số bốn trận đã đá, ngoài trận gặp Hà Nội T&T, cả ba trận còn lại U23 Việt Nam đều gặp vô vàn khó khăn trước các đối thủ. Nên nhớ, cả U23 Indonesia, U22 Uzbekistan hay Đồng Nai đều không phải là những đội bóng mạnh. Thế nhưng, tất cả đều khiến thầy trò HLV Miura “mướt mồ hôi”.
Theo dõi màn trình diễn của U23 Việt Nam ở các trận đấu đã qua, không khó để nhận ra đội bóng dưới quyền HLV Miura chơi quá đơn điệu và rất dễ bị các đối thủ bắt bài. Hàng tiền vệ dù kiểm soát được bóng nhưng không tung ra nhiều đường chuyền có tính đột biến cao. Thay vào đó là những đường chuyền ngang khiến tốc độ trong những pha tấn công bị giảm đáng kể.
Thiếu nguồn cung cấp bóng ổn định nên dễ hiểu khi các tiền đạo thường xuyên rơi vào tình cảnh đói bóng. Tuy nhiên, bản thân các tiền đạo cũng chưa chơi thực sự tốt, thường xuyên bị mất bóng và thiếu ý tưởng trước khung thành. Dù đã thử nghiệm tất cả những chân sút có trong tay nhưng HLV Miura vẫn chưa thu được hiệu quả đáng kể. Không có cái tên nào tạo được sự yên tâm với ông thầy người Nhật, kể cả cầu thủ được kỳ vọng rất nhiều Công Phượng.
Năm bàn thắng sau bốn trận không phải là hiệu suất quá tồi nhưng đáng nói ở chỗ, tất cả đều không phải là kết quả của những pha phối hợp sắc nét. Sau mỗi trận đấu, HLV Miura đều khẳng định hàng tiền đạo cần hoàn thiện hơn nữa nhưng xem ra với những con người hiện có, vị thuyền trưởng người Nhật khó lòng kỳ vọng vào sự bùng nổ của các chân sút trong ngày một, ngày hai.
Ngoài ra, ai cũng có thể nhận ra dù tập luyện cùng giáo án nặng nhưng thể lực của U23 Việt Nam vẫn chưa được cải thiện là bao. Bằng chứng là các học trò của HLV Miura luôn tỏ ra “đuối” trong những tình huống tranh chấp 50-50. Đó là chưa kể tới việc, những thử nghiệm về sơ đồ chiến thuật của ông Miura cũng vẫn còn ngổn ngang. Từ 4-4-2 tới 4-5-1 hay 5-4-1, U23 Việt Nam đều chưa có được độ nhuyễn cần thiết.
Thiếu những cầu thủ có khả năng đột biến
Sau bốn trận đã đá, một điểm chung của U23 Việt Nam đó là chơi quá “an toàn”, thiếu những giây phút bùng nổ. Còn nhớ tại ASIAD 2014 hay AFF Cup 2014, những đội bóng do HLV Miura huấn luyện đều có những cá nhân sẵn sàng bùng nổ như: Huy Toàn, Hoàng Thịnh, Minh Tuấn, Thành Lương, Công Vinh… Huy Toàn vẫn góp mặt trong màu áo U23 Việt Nam và là một trong những cầu thủ chơi tốt nhất kể từ ngày hội quân. Thế nhưng, những pha đi bóng tốc độ, những cú sút sấm sét của một mình Huy Toàn không đủ để vực dậy cả một tập thể mang nặng sức ì.
U23 Việt Nam chơi cần cù, nỗ lực theo kiểu công nhân nhưng không có những cái tên sở hữu tố chất bùng nổ như Olympic Việt Nam hay ĐTVN. Công Phượng là cầu thủ hiếm hoi nhận được kỳ vọng nhưng bản thân tiền đạo này cũng không còn là chính mình. Không còn những pha đột phá ghi bàn qua 5-6 cầu thủ đối phương. Không còn những đường chuyền chết người loại bỏ toàn bộ hàng thủ đối phương. Công Phượng giờ đây chơi bóng như một chàng thư sinh đúng nghĩa. Phải chăng tiền đạo này vẫn chưa thích nghi được với môi trường mới?.
Trong hoàn cảnh Công Phượng chưa tìm lại được cảm giác chơi bóng tốt nhất, một thiệt thòi rất lớn cho HLV Miura khi ông không thể có được sự phục vụ của những cầu thủ được đánh giá cao ở khả năng tạo đột biến như: Thanh Tùng, Xuân Trường, Hồng Duy của HAGL hay Tấn Tài, Phúc Tịnh của SLNA. Từ nay tới vòng loại U23 châu Á 2016 không còn nhiều thời gian và HLV Miura chắc chắn còn nhiều việc phải làm nếu muốn hiện thực hóa mục tiêu đưa U23 Việt Nam vượt qua vòng bảng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận