Công Phượng đã chính thức khoác áo CLB Mito Hollyhock (Nhật Bản) trong vòng 1 năm, tính từ chiều 23/12/2015 |
Sau một mùa giải chưa thể coi là thành công, bầu Đức tiếp tục gây tiếng vang với việc để một loạt trụ cột ra nước ngoài thi đấu. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, những câu hỏi quanh các thương vụ này vẫn ẩn khuất trong tâm trí người hâm mộ.
Một loạt cầu thủ con cưng ra nước ngoài thi đấu
Đầu năm 2015, bầu Đức khiến cả làng bóng đá Việt Nam ngỡ ngàng khi đôn toàn bộ lứa U19 HAGL lên đá ở đội một, dự V-League 2015. Thời điểm đó, nhiều chuyên gia cho rằng, vị Phó Chủ tịch VFF có phần vội vàng và việc HAGL suýt rớt hạng đã cho thấy nhận định trên hoàn toàn chính xác.
Một năm sau, bầu Đức lại có một quyết định bất ngờ khác, đó là việc để một loạt cầu thủ con cưng như: Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh ra nước ngoài thi đấu. Cụ thể, Công Phượng khoác áo Mito Hollyhock, Tuấn Anh đầu quân cho Yokohama (đều của Nhật Bản trong vòng 1 năm) còn Xuân Trường ký hợp đồng 2 năm với Incheon (Hàn Quốc).
V-League sẽ kém sức hút Ở thời điểm hiện tại, HAGL là đội bóng nhận được nhiều tình cảm của người hâm mộ trong nước. Đặc biệt, Công Phượng và Tuấn Anh có sức hút cực lớn, thậm chí vượt xa những ngôi sao đã thành danh như Công Vinh, Thành Lương, Văn Quyết… Thế nên, chắc chắn việc Công Phượng, Tuấn Anh ra nước ngoài thi đấu sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng hút khán giả ở V-League 2016. |
Lần này, những nghi ngờ còn lớn hơn cách đây một năm bởi Nhật Bản hay Hàn Quốc là nền bóng đá hàng đầu khu vực. Trong khi đó, Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường còn quá trẻ để dấn thân vào môi trường khắc nghiệt. Thực tế cho thấy ngay ở V-League, những cầu thủ này còn chưa thể tỏa sáng nên không nhiều người tin bộ ba “gà cưng” của bầu Đức hòa nhập được tại Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Bởi vậy, câu hỏi được nhiều người hâm mộ quan tâm là việc Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh xuất ngoại liệu có phải chỉ mang tính thương mại. Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia Trịnh Minh Huế cho biết: “Bầu Đức là một doanh nhân nên chắc chắn ông ấy làm gì cũng đều tính toán rất kỹ. Ở đây tôi cho rằng, HAGL để Xuân Trường, Tuấn Anh hay Công Phượng ra nước ngoài thi đấu với mức giá quá rẻ.
Ngược lại, bầu Đức sẽ phải mua hoặc mượn thêm cầu thủ trong nước với giá cao hơn. Như vậy có phải là ông Đức đã lỗ? Không hẳn như vậy. Tôi tin rằng đằng sau những thương vụ của HAGL có gì đó uẩn khúc mà người trong cuộc không muốn tiết lộ”.
Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Nguyên cũng có cách nhìn tương tự. “Việc bầu Đức đưa các cầu thủ trẻ ra nước ngoài thực sự rất tốt, nó có thể mở ra hướng đi mới cho cầu thủ hay các CLB trong nước. Tuy nhiên, ở đây mình không biết được rằng những vụ chuyển nhượng của HAGL chỉ đơn thuần là chuyên môn hay liên quan đến các vấn đề kinh tế, hợp tác làm ăn.
Tôi nghiêng về vế thứ hai nhiều hơn. Chẳng hạn như hôm Xuân Trường ký hợp đồng, Chủ tịch CLB Incheon cũng thừa nhận việc mượn Xuân Trường nằm trong kế hoạch phát triển hình ảnh của đội bóng này. Tức là họ cần Xuân Trường để thúc đẩy danh tiếng tại Việt Nam hơn là một cái tên đem đến những đột biến về chuyên môn. Tuấn Anh, Công Phượng cũng tương tự”.
Dự bị cũng… quý
Bỏ qua một bên những uẩn khúc đằng sau việc bộ ba HAGL xuất ngoại, vấn đề tiếp theo được người hâm mộ quan tâm là Công Phượng, Xuân Trường hay Tuấn Anh sẽ thể hiện được gì ở môi trường mới. “Chúng ta chưa đánh giá được Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh nằm ở mức nào trong thang đo đẳng cấp của các CLB Nhật Bản và Hàn Quốc. Cả ba mới chỉ thành công khi thi đấu các giải trẻ còn thông tin về Yokohama, Mito Hollyhock hay Incheon quá ít ỏi. Nói thẳng ra, chúng ta chẳng biết gì về họ. Chính vì thế, sẽ rất khó để dự đoán cầu thủ HAGL đủ sức tạo dấu ấn hay không”, chuyên gia Trịnh Minh Huế phân tích.
Lạc quan hơn một chút, nhà báo Nguyễn Nguyên khẳng định, Công Phượng và Tuấn Anh có khoảng cách trình độ tương đối gần so với các đội bóng ở J-League 2. “Trong ba cầu thủ HAGL đã ký hợp đồng ra nước ngoài. Xuân Trường gặp khó nhất bởi Incheon đá ở K-League - giải đấu cao nhất ở Hàn Quốc. Tôi đánh giá cầu thủ này chưa đủ tầm để đáp ứng được yêu cầu về mặt chuyên môn. Công Phượng và Tuấn Anh thì khác. Mặt bằng J-League 2 không quá cao và nếu nỗ lực, hai cái tên này hoàn toàn đủ sức tranh giành vị trí với các nội binh”.
Ngược lại, bình luận viên kỳ cựu Đình Khải lại nhìn nhận vấn đề một cách khá tích cực. Ông cho rằng dù được ra sân hay không, những trải nghiệm tại hai nền bóng đá số 1 châu Á đều đáng quý với các cầu thủ trẻ HAGL. “Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường còn rất trẻ và được ra nước ngoài là cơ hội tuyệt vời để các em rèn luyện. Tôi hình dung thế này, ở V-League, 11 cầu thủ trẻ của HAGL đối chọi với các đội bóng gồm 11 cầu thủ kinh nghiệm, bản lĩnh hơn nên thua thiệt là đương nhiên. Còn ở Nhật Bản hay Hàn Quốc, cả ba chỉ là một cá nhân trong tập thể mạnh nên sẽ học hỏi được nhiều thứ. Dù không được ra sân, việc được tập luyện cùng các cầu thủ đẳng cấp cao hơn cũng đáng quý với các em.
Dẫu vậy, tôi nghĩ ít nhiều các em sẽ được ra sân bởi dù mượn về với mục đích gì, nếu không cho cầu thủ ra sân tức là họ đã thất bại. Các HLV của họ đủ giỏi để tính toán sử dụng cầu thủ HAGL trong những trường hợp cụ thể, thời điểm cụ thể. Vấn đề là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường tận dụng triệt để cơ hội được trao để ghi điểm, tạo đà cho chặng đường tiếp theo”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận