Xác định liên quan trực tiếp nhưng chỉ phạt hành chính
Sau khi cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) ra bản kết luận điều tra số 61 ngày 6/9/2019 về vụ TNGT làm 2 người chết với quyết định "không khởi tố vụ án hình sự”, ông Bùi Khắc Cường (bố của nạn nhận Bùi Tiến Quân) đã gửi đơn khiếu nại về bản thông báo trên và được Công an huyện Chiêm Hóa tiếp nhận ngày 20/9/2019 nhưng trong quá trình giải quyết khiếu nại cơ quan điều tra lại kéo dài đến ngày 3/10/2019. Việc này đã vi phạm quy định của điều 475 Bộ luật tố tụng hình sự thời hạn luật quy định chỉ có 7 ngày phải trả lời đơn khiếu nại.
Theo thông báo kết luận số 61 của Công an huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang), khoảng 20h50’ 8/2/2019, trên Quốc lộ 3B tại đoạn Km 248+600 thuộc thôn Tân Hòa, xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa xảy ra vụ TNGT giữa chiếc xe máy BKS 22B1 - 838.88 do anh Bùi Tiến Quân (SN 1987) điều khiển, chở theo chị Huỳnh Thị Bích Vy (SN 1983, trú tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) với xe ô tô BKS 22A - 072.10 do anh Mã Thành Luân (SN 1985, trú tại tổ 28, phường Phan Thiết, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) điều khiển. Hậu quả, anh Quân và chị Vy tử vong. Nguyên nhân được xác định do anh Quân điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường quy định.
Đặc biệt, trong quyết định trả lời khiếu nại, Công an huyện Chiêm Hóa vẫn giữ nguyên quyết định không khởi tố vụ án hình sự mặc dù trong nội dung giải quyết khiếu nại luận tội rõ: “Mã Thành Luân khi quay đầu xe, lùi xe ra đường không có tín hiệu báo trước”.
Thậm chí, cơ quan điều tra còn nhấn mạnh việc Mã Thành Luân “điều khiển ô tô liên quan trực tiếp đến vụ TNGT mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn” nhưng lại chỉ vi phạm hành chính.
Để khẳng định việc xử lý vi phạm hành chính đối với Mã Thành Luân là đúng, Đại úy Vũ Mạnh Hào, Đội trưởng Đội hình sự, Công an huyện Chiêm Hóa nói: “Những lỗi của Luân có liên quan đến tai nạn nên mới xử lý vi phạm hành chính” (!?).
Suy diễn bằng chứng?
Chiều 15/10, PV Báo Giao thông đã có buổi làm việc với cơ quan điều tra, Công an huyện Chiêm Hóa. Dù đã hẹn lịch trước và được Trung tá Phạm Thanh Tâm, Trưởng Công an huyện Chiêm Hóa (người ký Quyết định giải quyết khiếu nại) hứa trực tiếp làm việc nhưng Trung tá Tâm lại báo bận ở “phút chót” và giao cho Thượng tá Lục Xuân Được, Phó Trưởng công an huyện - người trực tiếp ký vào bản kết luận số 61 và Đại úy Vũ Mạnh Hào, Đội trưởng Đội hình sự - người trực tiếp điều tra vụ TNGT cung cấp thông tin.
Mặc dù PV Báo Giao thông đã được Ban Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang ký giấy giới thiệu đề nghị Công an huyện Chiêm Hóa tạo điều kiện tiếp cận thông tin về quá trình điều tra vụ việc nhưng Công an huyện Chiêm Hóa chỉ cung cấp “cầm chừng”, hạn chế cho xem hồ sơ, không cho sao chụp.
Khi được hỏi về việc cơ quan điều tra có tham khảo những thông tin PV Báo Giao thông điều tra độc lập, thu thập thông tin từ những người làm chứng như: anh Lê Văn Chung, anh Lê Văn Linh, bà Ngô Thị Hà, bà Ngô Thị Hồng (cùng trú tại xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa) có nội dung kể lại diễn biến vụ tai nạn và tố giác Mã Thành Luân có nồng độ cồn khi xảy ra tai nạn được đăng tải trên Báo Giao thông điện tử các ngày 30/9/2019, 1/10/2019 không?, Đại úy Vũ Mạnh Hào khẳng định có tiếp cận và khẳng định: “Khi kết luận đã có đầy đủ cơ sở”.
Tuy nhiên, vị Đội trưởng Đội hình sự lại cho biết, thời điểm xảy ra tai nạn, Mã Thành Luân không có nồng độ cồn vì khi kiểm tra vào lúc 8h30’ ngày 9/2 (sau ngày tai nạn) cho ra kết quả 0,000 mg/1 lít khí thở.
Riêng nạn nhân Bùi Tiến Quân lại bị cơ quan điều tra đánh giá: “Điều khiển xe mô tô trong tình trạng đã sử dụng rượu”. Trong khi, chính Đại úy Vũ Mạnh Hào khẳng định: “Người chết rồi thì không thể đo, kiểm tra được”. Lý do này cũng được ông Lưu Tiến Độ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Chiêm Hóa nói với PV Báo Giao thông.
Dường như, nghiệp vụ của cơ quan Công an và VKSND huyện Chiêm Hóa có “lỗ hổng” khi thực tế cách thức kiểm tra nồng độ cồn không chỉ được thực hiện bằng thiết bị đo khí thở mà còn có thể đo hàm lượng trong máu với đơn vị mg/100 mililít máu. Việc không có bằng chứng, căn cứ khoa học thể hiện nạn nhân Bùi Tiến Quân có hay không nồng độ cồn mà quy kết lỗi vi phạm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khiến dư luận đặt ra nghi vấn cơ quan điều tra và VKSND huyện Chiêm Hóa có dấu hiệu suy diễn bằng chứng, bao che tội phạm?.
Luật sư nói gì?
Luật sư Nguyễn Minh Hưng (Văn phòng Luật sư Thanh Vũ - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, dựa trên các quy định của điều 260 bộ luật hình sự, khi tham gia giao thông mà có hành vi vi phạm các quy định của luật giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả chết người là thỏa mãn cấu thành của tội phạm hình sự.
“Việc Mã Thành Luân được Công an huyện Chiêm Hóa xác định có vi phạm quy định của luật giao thông đường bộ gây hậu quả chết người nhưng lại không bị khởi tố. Công an huyện Chiêm Hóa cho rằng đây là lỗi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ là có sự sai lầm về nhận thức pháp luật hoặc cố tình đánh tráo khái niệm để bao che cho Mã Thành Luân”, luật sư Hưng nói.
Luật sư này cho rằng, cơ quan điều tra, VKSND huyện Chiêm Hóa cần phải hủy thông báo, quyết định không khởi tố vụ án. Tiến hành điều tra, ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Mã Thành Luân về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại điểm b;c;d khoản 2 điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015.
Luật sư Bùi Đình Ứng, Văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cũng cho rằng, cần phải xem xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi quay đầu xe, lùi xe ra đường không có tín hiệu báo trước của ô tô với cái chết của nạn nhân. Đa phần các vụ TNGT đều do lỗi hỗn hợp nên phải làm rõ hành vi của người này dẫn đến hậu quả của người kia.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận