Uẩn khúc vụ 11,3 tỷ đồng “bốc hơi” khỏi tài khoản VPBank (ảnh minh họa) |
Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Quang Huân vừa có đơn tố cáo nhân viên Ngân hàng VPBank cấu kết với kế toán công ty làm giả chữ ký, con dấu rút ruột 11,3 tỷ đồng tài khoản doanh nghiệp. Phía ngân hàng thừa nhận nhân viên ngân hàng có “vấn đề”, song bác bỏ việc chứng từ bị làm giả.
Bỗng dưng mất tiền trong tài khoản
Mới đây, bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Quang Huân (Công ty Quang Huân, số 192 Nguyễn Văn Lắng, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM) đã gửi đơn tố cáo một số lãnh đạo, nhân viên Phòng giao dịch Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chi nhánh Tân Phú (số 187 Nguyễn Sơn, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) đã cấu kết với nhân viên Công ty Quang Huân rút ruột tài khoản của công ty bà số tiền 11,3 tỷ đồng (không phải 26 tỷ đồng như một số thông tin trước đó).
Cụ thể, theo bà Xuân, khoảng tháng 3/2015, bà được nhân viên Ngân hàng VPBank Tân Phú đến tận văn phòng công ty giúp mở tài khoản. Hợp đồng mở tài khoản được bà Xuân ký trước, rồi giao lại cho nhân viên ngân hàng đem về trình giám đốc chi nhánh ký sau. Tài khoản của bà Xuân được mở, nhưng nhân viên ngân hàng không cung cấp bản hợp đồng có đầy đủ chữ ký của cả hai phía. Bà Xuân cũng cho biết, đã đăng ký Mobile banking theo số điện thoại cá nhân, sao kê tài khoản hàng tháng cũng thể hiện ngân hàng thu phí dịch vụ này đầy đủ, nhưng bà không nhận được bất kỳ tin nhắn nào liên quan đến các giao dịch trên tài khoản của mình.
Bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Quang Huân làm việc với PV |
Tháng 7/2015, thấy có nhiều dấu hiệu nghi vấn, bà Xuân chỉ đạo nhân viên kế toán Phạm Văn Trinh đến VPBank yêu cầu ngân hàng cung cấp số dư tài khoản, nhưng Trinh viện mọi lí do trì hoãn. Ngày 14/9/2015, bà trực tiếp đến phòng giao dịch của VPBank kiểm tra số dư thì tá hỏa khi toàn bộ số tiền trong tài khoản “bốc hơi”, chỉ còn lại 300.000 đồng.
Cũng theo tố cáo của bà Xuân, nhân viên chi nhánh Tân Phú của VPBank là Đoàn Thị Thúy Hằng đã bán hai cuốn séc cho Công ty Quang Huân, dù công ty bà không có nhu cầu. Từ đó, nhân viên Phạm Văn Trinh cùng một số đối tượng khác (trong đó có chồng nhân viên Hằng) đã liên tục ký séc, chi séc để rút tiền khỏi tài khoản của Công ty Quang Huân.
TGĐ VPBank: “Có vấn đề ở cả nhân viên ngân hàng và Quang Huân”
Chiều 24/8, đại diện Ngân hàng VPBank xác nhận với Báo Giao thông, ngày 19/10/2015 đã nhận được đơn tố cáo của bà Xuân, phản ánh vụ việc con dấu và chữ ký chủ tài khoản của Công ty Quang Huân đã bị kế toán của công ty này là Phạm Văn Trinh cùng một nhân viên ngân hàng làm giả để rút 11,3 tỷ đồng từ tài khoản công ty tại VPBank.
Nhận đơn, VPBank đã kiểm tra hồ sơ mở tài khoản, làm việc với các cá nhân có liên quan, ông Phạm Văn Trinh (và luật sư đại diện của ông Phạm Văn Trinh), cũng như trao đổi, làm việc trực tiếp với bà Xuân ngày 30/10/2015. Qua quá trình làm việc, xác minh, các cá nhân liên quan đều phủ nhận nội dung tố cáo của bà Xuân và yêu cầu đối chất với bà Xuân để làm rõ. VPBank cũng đã mời bà Xuân làm việc nhưng bà Xuân trả lời đã gửi đơn cho cơ quan công an điều tra.
Theo luật sư Huỳnh Trung Hiếu, Công ty Luật Hass-lawyers, việc cung ứng séc của ngân hàng phải thực hiện thông qua chủ tài khoản hoặc người được ủy quyền của chủ tài khoản. Việc ký phát hành séc cũng vậy. Qua vụ việc được nêu, có nhiều dấu hiệu nghi vấn nhân viên Công ty Quang Huân thông đồng với cán bộ giao dịch của ngân hàng để cung ứng, phát hành, thụ hưởng séc của DN. “Theo tôi, vụ việc cần được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ hai vấn đề. Thứ nhất, có hay không hành vi giả mạo chữ ký trên séc, làm giả các tài liệu giao dịch (ủy quyền); Thứ hai, xác định ý thức chiếm đoạt như thế nào, từ thời điểm nào, nhằm phân định nhóm hành vi tương ứng với các chế tài được quy định hiện nay”, ông Hiếu nói. |
Liên quan đến việc mở và sử dụng tài khoản của Công ty Quang Huân, VPBank cho biết, tài khoản của công ty được mở ngày 28/3/2015, có đầy đủ mẫu dấu, chữ ký của chủ tài khoản và các hồ sơ, tài liệu kèm theo. Trái với tố cáo của bà Xuân, VPBank khẳng định, chứng từ chuyển khoản, rút tiền, mua séc… đều được ký, đóng dấu bởi đại diện theo pháp luật của Công ty Quang Huân (khớp chữ ký, con dấu đăng ký mẫu với VPBank tại Đơn đăng ký mở tài khoản của DN).
“Hơn nữa, các giao dịch, biến động số dư đều được VPBank gửi tin nhắn SMS đầy đủ đến số điện thoại của bà Xuân - chủ tài khoản/Người đại diện pháp luật Công ty Quang Huân đã/đang sử dụng”, đại diện VPBank khẳng định.
Về các ý kiến của bà Xuân, VPBank nhận thấy đây là vụ việc có dấu hiệu hình sự và rất cần cơ quan điều tra vào cuộc. Hiện tại, theo VPBank, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.HCM đang điều tra và ngân hàng cam kết phối hợp chặt chẽ để làm sáng tỏ vụ việc.
Trao đổi với PV Báo Giao thông chiều 24/8, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank thừa nhận, VPBank có thiếu sót là không thông tin về vụ việc do cơ quan công an vẫn đang trong quá trình điều tra. Ông Vinh cho rằng, đây là một vụ việc phức tạp, có vấn đề ở nhân viên ngân hàng với nhân viên Công ty Quang Huân, cũng như có vấn đề ở nội bộ công ty này. Toàn bộ chứng cứ, bao gồm cả thông tin giao dịch SMS tài khoản của bà Xuân đã được VPBank gửi cơ quan điều tra. “Chúng tôi sẽ không tranh cãi với khách hàng bởi cơ quan công an đang điều tra xem lỗi tại ai. Nếu cơ quan công an kết luận lỗi tại phía ngân hàng, ngân hàng sẽ không bao giờ phủ nhận trách nhiệm”, ông Vinh khẳng định.
Nhận thấy vụ việc còn nhiều uẩn khúc, PV Báo Giao thông đã liên lạc với PC46, Công an TP HCM để tìm hiểu thông tin, song đại diện cơ quan này hẹn sẽ trả lời trong sáng 25/8. Báo Giao thông sẽ sớm cung cấp đến bạn đọc các thông tin tiếp theo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận